Giáo viên Pú Xi trọn tình yêu chăm trò

ĐBP - Đặt chân lên mảnh đất xa xôi, khó khăn bậc nhất huyện, các giáo viên trên đỉnh Pú Xi (xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo) đặt trọn tình yêu, tâm huyết vào những học trò nhỏ...

Gửi yêu thương vào những học trò nhỏ

“Do xa xôi cách trở, và khí hậu khắc nghiệt, 100% giáo viên (đã lập gia đình) đều để con ở nhà, cậy nhờ ông bà chăm sóc. Với đặc thù ấy, Trường chính là nhà, đồng nghiệp, học sinh là người thân của những thầy cô “gieo chữ” tại mảnh đất vùng cao này” – thầy Bùi Đức Trọng, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.

Xã Pú Xi theo ngôn ngữ địa phương có nghĩa là núi dê, do nằm trên đỉnh núi cao, dốc như chiếc sừng dê nhọn, thẳng. Đóng chân tại địa bàn này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Pú Xi cách trung tâm huyện khoảng 63km, có 8/10 điểm trường đang mở lớp, trong đó 3 điểm chưa có điện lưới quốc gia. Đường đến các điểm hầu hết là đường đất, đi lại khó khăn, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khi mưa lớn. Xa và khó nhất là điểm bản Thẩm Táng, cách trường 17km. Vì thế, những người gieo chữ nơi đây chỉ có thể gửi nhung nhớ gia đình qua những cuộc điện thoại, thay vào đó dồn tâm trí, yêu thương vào học trò.

Chiều chủ nhật hàng tuần, cô giáo Lò Thị Lan lại “khăn gói” chạy xe từ Mường Ảng, đi gần 120km lên trường. Cùng với hành trang đồ dùng cá nhân, thực phẩm, đồ ăn khô cho 1 tuần cắm bản, là lời dặn dò của chồng, con. Tình yêu, thương nhớ, xót con từ nhỏ đã không được mẹ chăm lo ngày ngày, cứ thế tăng theo những con dốc lên đỉnh Pú Xi. Năm nay đã là năm thứ 10, cô Lan gắn bó với Pú Xi. Con của cô cũng đã tròn 7 tuổi.

Cô Lan chia sẻ: “Lúc con ốm, sốt, ở xa không về ngay được, dù thương con buốt ruột gan nhưng chỉ đành cậy nhờ ông bà. Nhất là năm học mà tôi dạy ở điểm bản Thẩm Táng (2017 - 2018), khi ấy con còn rất nhỏ, mà bản không có điện, sóng chập chờn, muốn gọi về nhà phải đi dò sóng lúc được lúc không”.

Không đồng hành được cùng con trong những năm tháng đầu đời, cô mang theo tình yêu ấy gửi gắm vào những học trò nhỏ. Năm học này, cô Lan chủ nhiệm lớp 2A1, điểm bản Pú Xi 2. Tại đây có 221 học sinh tiểu học ở bán trú. Hàng ngày cô quan tâm, chăm lo học trò từng giấc ngủ, hướng dẫn các em học tập, ăn nghỉ nề nếp, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh... Lớp cô chủ nhiệm có học sinh Lầu A Dia hoàn cảnh đặc biệt - bố mất, mẹ bỏ đi, hiện ở cùng ông bà. Nhà Dia gần trường, không ở bán trú nhưng ông bà thường xuyên đi nương, em ở nhà một mình, tự xoay sở mọi việc. Cô Lan luôn quan tâm đặc biệt đến Dia, khi ông bà không ở nhà lại tranh thủ cuối giờ đến xem tình hình học sinh, nhiều khi giữ em ở lại trường ăn cơm cùng.

Là giáo viên trẻ, mới nhận công tác năm học này, nhưng cô Nguyễn Thị Thúy Huyền, chủ nhiệm lớp 6A3 cũng đã gắn bó thân thiết với các học sinh bán trú. Ở cạnh dãy nhà của học sinh, cô Huyền như người chị mà các em tin tưởng, dễ dàng chia sẻ. Ngoài sâu sát tình hình ăn ở, sinh hoạt, hoàn cảnh, tâm tư của các học sinh trong lớp mình chủ nhiệm, cô còn được phân công phụ trách 3 phòng bán trú nữ.

Cô Huyền kể: “Đầu năm học, tôi vào từng phòng trò chuyện, làm quen học sinh. Hàng ngày vừa nhắc nhở, hướng dẫn các em việc ăn ở khoa học, gọn gàng, vệ sinh vừa tâm sự, nắm bắt suy nghĩ, tình cảm, những vấn đề lứa tuổi dậy thì các em hay gặp phải... để tư vấn, chia sẻ, không chỉ với vai trò giáo viên mà còn như 1 người chị trong gia đình”.

Ngôi nhà thứ 2 của cả thầy và trò

Thầy Hà Xuân Như, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Cùng với tâm huyết của thầy cô, thì trường chủ trương phân công giáo viên chủ nhiệm xuyên suốt từ lớp đầu cấp đến hết cấp để luôn sâu sát học sinh. Đối với công tác bán trú, phân công phụ trách theo phòng và phân nhóm trực theo tuần.

Không riêng cô Lan, hay cô Huyền mà những cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học nơi đây đều “chăm trò hơn chăm con, chăm em”. Thời gian trong tuần được thầy cô dành trọn cho học trò. Tuy nhiên, một trong nhiều khó khăn của Trường là chưa có nhân viên y tế học đường. Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe học sinh, thầy cô luôn chuẩn bị sẵn một số loại thuốc cơ bản, phù hợp cho từng độ tuổi học sinh, như: Hạ sốt, nhỏ mắt, cảm cúm... Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế xã thường xuyên thăm khám, theo dõi sức khỏe các em. Với những yêu thương đó, học sinh Pú Xi ngày càng mến trường lớp, đi học chuyên cần.

Em Chá Thị Lừ, học sinh lớp 9A1, Trưởng phòng bán trú số 5, chia sẻ: “Nhà em ở bản Thẩm Táng, đường xa lại không sóng điện thoại, nên bố mẹ ít khi liên hệ, hỏi han tình hình được. Nhưng bố mẹ rất yên tâm khi em và em gái cùng học và ở bán trú tại trường vì chúng em được thầy cô quan tâm, động viên, dạy nhiều kiến thức, kỹ năng sống, sinh hoạt tập thể... Ban đầu vào lớp 6 là lần đầu tiên em xa nhà, bỡ ngỡ và rất nhút nhát; nhưng chỉ thời gian ngắn vào học và ở tại trường em đã quen với nề nếp, trở nên tự tin hơn, ăn ở cũng gọn gàng, sạch sẽ hơn...”

Thầy Bùi Đức Trọng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Năm học này, Trường có 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên, với 911 học sinh; trong đó, hơn 300 học sinh THCS và hơn 220 học sinh tiểu học ở bán trú. Các thầy cô đều rất thiệt thòi khi xa nhà, ở điểm bản mà mưa gió thì không về được, lại thiếu điện, nước. Tuy nhiên ai nấy đều vượt khó bám bản, dạy tốt, chăm lo tốt cho học sinh, góp sức nâng cao tỷ lệ học sinh ra lớp, nâng cao nhận thức của người dân vùng cao về sự học”.

Nhớ lại ngày đầu thành lập năm 2020, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Pú Xi đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập trường tiểu học, mở mới cấp THCS với muôn vàn khó khăn. Trước đó, học sinh Pú Xi phải xuống trung tâm xã Mường Mùn học THCS, đường đi khó, nên sự học càng cách trở, xa vời với các em. Tỷ lệ ra lớp và chuyên cần của học sinh Pú Xi đi học THCS chỉ đạt 30 – 50%. Bởi thế, khi xây cơ sở vật chất cho bậc THCS tại Pú Xi, Trường chỉ được thiết kế 8 lớp học với khoảng hơn 200 học sinh, khu bán trú cũng vậy.

Nhưng với nỗ lực và tình yêu nghề của cán bộ, giáo viên Nhà trường, số học sinh ra lớp ngày càng đông vượt xa so với dự trù ban đầu, tỷ lệ chuyên cần cũng duy trì cao.

Các con số trên một lần nữa minh chứng cho những tâm huyết, tình yêu mà cán bộ, giáo viên Nhà trường “gieo” xuống mảnh đất vùng cao Pú Xi đã nảy mầm, vươn lên và cho trái ngọt. Sự học ở đây ngày càng được quan tâm. Những người giáo viên “chăm trò hơn chăm con, chăm em” đã làm đổi thay công tác giáo dục, đưa con chữ đã đến khắp các bản làng, mang ánh sáng tri thức lên vùng núi cao như đỉnh trước sừng dê này.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/210718/giao-vien-pu-xi-tron-tinh-yeu-cham-tro