Giáo viên lúng túng với 'không dạy ngoài sách giáo khoa'

'Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa', quy định mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khiến giáo viên lúng túng vì đi ngược lại với chủ trương trước đó của Bộ cũng như tinh thần giáo dục hiện đại.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - Ảnh: B.U

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Theo đó, công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học, “không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”.

Quy định không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa đang vấp phải sự phản đối của nhiều giáo viên các cấp. Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt – Úc nhận định, lệnh cấm này “bó chân” sự sáng tạo của giáo viên và năng lực của học sinh; đi ngược lại chủ trương trước đó của chính Bộ GD&ĐT là yêu cầu giáo viên phải thường xuyên bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp, thay cho những thông tin cũ, lạc hậu.

“Tôi không hiểu lý do Bộ đưa ra quy định này. Tư duy xem sách giáo khoa là tối thượng là hết sức lạc hậu, là phản giáo dục. Nói thẳng ra, quy định này chỉ hợp với giáo viên lười, năng lực kém. Còn giáo viên có trách nhiệm, chuyên môn tốt, họ luôn chủ động tìm tòi, tham khảo nhiều tài liệu để học sinh có thêm kiến thức, góc nhìn mới. Nếu mục đích của Bộ là để giảm tải chương trình học thì Bộ đã “đánh” sai chỗ”, ông Thảo chia sẻ.

Theo ông Thảo, muốn giảm tải, Bộ phải cải cách cả hệ thống thi cử, tuyển sinh chứ không phải giới hạn tài liệu dạy học hay cắt bỏ nội dung một cách cơ học như hiện nay.

“Khi còn đứng lớp môn Anh văn, tôi và đồng nghiệp vẫn phải dạy cho học sinh nhiều bài, nội dung mà Bộ yêu cầu cắt đi để giảm tải; bởi nếu bỏ qua, học sinh sẽ bị hổng kiến thức, sẽ không tiếp thu được những bài sau. Người soạn sách đã có ý đồ cả rồi, nội dung bài hai sẽ có sự liên kết với bài ba, bài bốn nên không thể cắt cơ học từng phần như thế được”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cho rằng, Bộ GD&ĐT nên để giáo viên đứng lớp chủ động hơn trong việc sử dụng tài liệu giảng dạy. Sách giáo khoa chỉ là khung để giáo viên dựa vào đó thiết kế bài giảng. Nói cách khác, bộ sách này chỉ nên được xem là tài liệu tham khảo đã được chọn lọc; còn tài liệu dạy, phân bổ chương trình như thế nào, nên trao quyền nhiều hơn cho giáo viên. Là người trực tiếp tiếp xúc với học sinh nên giáo viên sẽ biết năng lực của các em. Nếu học sinh ham thích và tư duy tốt môn nào, người dạy sẽ chủ động mở rộng, nâng cao kiến thức ngoài sách giáo khoa môn học đó cho các em. Ngược lại, giáo viên sẽ chỉ dạy những nội dung cơ bản, gắn với đời sống thực tế.

Không đồng tình với quy định mới này của Bộ GD&ĐT, một giáo viên dạy môn hóa tại một trường THPT ở tỉnh Khánh Hoà cho biết, nội dung sách giáo khoa hiện hành không có nhiều thay đổi sau nhiều năm áp dụng. Nhiều kiến thức trong sách đã lạc hậu và không sát với thực tế.

“Đơn cử như cách gọi tên Na trong sách giáo khoa hiện nay là Natri. Tên gọi quốc tế của Na là Sodium. Trong các tài liệu nước ngoài hay bao bì sản phẩm được sản xuất cả trong và ngoài nước hiện nay, Na đều được ghi là Sodium. Nếu giáo viên chỉ dạy theo sách giáo khoa, học sinh Việt Nam sẽ khó tiếp cận với tài liệu nước ngoài. Mà ngay việc cầm chai nước tương lên đọc thành phần không biết Sodium là chất gì, có phải lãng phí mấy năm học hoá thời phổ thông không?”, giáo viên này chia sẻ với TBKTSG Online.

Theo giáo viên này, rất khó để đánh giá hàm lượng kiến thức chương trình phổ thông hiện nay là nặng hay nhẹ. Bởi nếu mục đích là để học sinh đạt điểm cao, qua được các kỳ thi thì nội dung trong sách là rất mỏng; còn nếu để trang bị kiến thức gắn với thực tế cuộc sống thì nhiều phần trong sách là hết sức hàn lâm.

Bảo Uyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165661/giao-vien-lung-tung-voi-khong-day-ngoai-sach-giao-khoa.html