Giáo viên hoang mang với dạy tích hợp '3 trong 1'

Một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm là sự xuất hiện của môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều GV thấy áp lực và mơ hồ trước khái niệm dạy tích hợp '3 trong 1'.

Tích hợp để hỗ trợ kiến thức cho nhau?

Theo nội dung chính thức Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể được Bộ GD&ĐT công bố cuối tháng 7 vừa qua, học sinh khối THCS sẽ có nhiều môn tích hợp. Cụ thể, 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ được in chung trong một cuốn sách giáo khoa với tên gọi Khoa học Tự nhiên.

Tương tự, môn Lịch sử và Địa lý (hai môn học độc lập) được tổ chức lại với tên gọi chung là môn Lịch sử và Địa lý. Môn Âm nhạc và Mỹ thuật mang tên mới là môn Nghệ thuật.

Với thực tế dạy và học hiện nay, điều đang khiến nhiều giáo viên (GV) băn khoăn là những môn này sẽ do 1 GV dạy hay cần cả 3 GV bộ môn cùng dạy?

Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể cho biết, tích hợp liên môn có nghĩa là các nội dung vốn có của từng môn học vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau.

Dạy tích hợp "3 trong 1" tức là 3 giáo viên sẽ cùng dạy một môn học, theo chương trình mới. Ảnh minh họa

Tổng chủ biên chương trình nhấn mạnh đến vai trò và xu hướng của dạy học tích hợp trên thế giới. Giáo dục tích hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện tri thức và nhân cách của học sinh.

Tích hợp là yêu cầu của chương trình phát triển năng lực khi mà các kiến thức được liên kết với nhau giúp cho học sinh có thể phát huy tổng hợp kiến thức và kỹ năng nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.

Ông lấy ví dụ, môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ. Bên cạnh đó, chương trình mỗi môn học tích hợp sẽ có một số chủ đề học tập liên môn. Những chủ đề này thể hiện mức độ tích hợp cao hơn. Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” tích hợp nhuần nhuyễn cả kiến thức lịch sử và kiến thức địa lý.

“Với điều kiện chỉ có giáo viên dạy đơn môn hiện nay của ta, thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó. Còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào nhiều hơn, giáo viên môn đó sẽ dạy” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Như vậy, chương trình vẫn giữ nguyên môn học cũ, nhưng sắp xếp bài học theo tuần tự của từng phân môn nhằm đảm bảo sự liên hệ cho học trò theo từng chủ đề.

Giáo viên mơ hồ “toàn tập”

Là GV nhiều năm dạy môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, hiện tại cô cùng nhiều đồng nghiệp khá mơ hồ về môn học tích hợp liên môn.

Trong đó, có việc phân chia các tiết học sao cho đồng nhất, hoặc chia lịch dạy học để tránh bị trùng nhau bởi một GV trong một buổi dạy nhiều lớp khác nhau.

“Hơn nữa, mỗi lớp sẽ có độ chênh nhau về tiến độ nội dung môn học. Có lớp học châu Mỹ nhưng có lớp lại đang học về châu Phi. Việc phân chia tiết dạy, giáo án dạy để đồng thuận cho cả 3 giáo viên trong cùng một buổi học là điều mà chúng tôi rất băn khoăn”.

Còn cô Trần Thị Hồng (giáo viên THPT ở TP.Vinh, Nghệ An) thì cho rằng, phân bổ cách dạy - học tích hợp theo kiểu này đơn thuần chỉ là ghép cơ học các môn học lại với nhau trong cùng một thời điểm. Nói là “hỗ trợ, soi sáng cho nhau” nhưng thực chất GV vẫn độc lập, không lệ thuộc lẫn nhau trong bài giảng.

“Nếu sắp xếp kiểu này mà vẫn gộp các môn lại với nhau thì GV chỉ càng xáo trộn, tình hình càng trở nên rắc rối hơn. Đến khi nào mà vẫn thực hiện cách dạy “3 trong 1” hay "2 trong 1" tức là hai, ba giáo viên cùng dạy một môn, thì vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”!” - cô Hồng nói.

Rõ ràng, dù muốn hay không, việc dạy học “3 trong 1” theo cách ví von trên của GV là điều sẽ phải diễn ra trong nhiều năm tới.

Bởi bản thân GS Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ nói rằng. theo hình dung của ông, sắp tới nhiều trường sư phạm có thể mở các ngành Sư phạm KHTN, KHXH.

Tuy vậy, trước khi đào tạo, các trường khối sư phạm còn phải xây dựng được chương trình, phải có mã ngành đào tạo để làm căn cứ pháp lý cấp bằng. Chưa kể sẽ phải mất từ 3 đến 4 năm để đào tạo một lớp GV mới. Nói cách khác, rất nhiều công đoạn, quy trình mới có thể cho ra “lò” đội ngũ giảng viên dạy tích hợp đúng nghĩa.

“Chúng tôi chỉ luôn ý thức rằng cần làm thật tốt công việc chuyên môn. Tuy vậy, điều mà chúng tôi mong muốn là nhà quản lý cần lường hết các khó khăn, thách thức cho GV trước mỗi quyết sách mới. Bởi vui mừng, hào hứng đâu chưa thấy, cái rõ nhất mà chúng tôi đang cảm thấy là mơ hồ, lo lắng và áp lực trước chương trình mới” - cô Hồng chia sẻ.

Phúc Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/giao-vien-hoang-mang-voi-day-tich-hop-3-trong-1-post31237.html