Giáo viên Hải Dương gửi tâm can đến Bộ trưởng GD&ĐT

Giáo viên tỉnh Hải Dương háo hức, mong được 'đối thoại' với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để bày tỏ tâm can về sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Cô - trò Trường mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương).

Nhiều vấn đề sẽ được giãi bày

Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Hơn 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương) đang mong ngóng từng ngày để được trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ và các đại diện các cơ quan hữu quan.

Cô Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Hồng Nguyễn Thị Gấm cho hay, nhà trường đã thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên về sự kiện này. “Công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Ai cũng háo hức và mong muốn được tham gia, đặt câu hỏi nhằm tháo gỡ những khúc mắc và những băn khoăn, trăn trở của mình” – cô Gấm chia sẻ.

Cô Gấm kỳ vọng, tại buổi "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" sẽ tháo gỡ khó khăn về thu nhập của giáo viên mầm non. Theo cô Gấm, thu nhập của giáo viên mầm non đang ở mức thấp, chưa tương xứng với những gì các cô cống hiến hàng ngày.

“Mỗi lần ký vào bảng lương, tôi không khỏi xót xa khi thấy có giáo viên mới ra trường chưa được 3 triệu/tháng. Như tôi, hơn 30 năm công tác nhưng lương chưa được 10 triệu/tháng. Trong khi thời gian làm việc của các cô không thể tính bằng 8 tiếng/ngày.

Chẳng hạn, nếu trường tổ chức hoạt động trải nghiệm thì các cô phải có mặt ở trường từ 4 giờ 30 sáng để làm công tác chuẩn bị; lúc về đến nhà thì cũng phải 7- 8 giờ tối” – cô Gấm trải lòng.

Tại Trường THPT Thanh Miện, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Lục cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho buổi gặp gỡ được diễn ra thuận lợi, đường truyền ổn định.

Hiện, hơn 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã nhận được thông báo về sự kiện này và xác nhận sẽ tập trung tại trường để tham dự sự kiện. Theo thầy Lục, nhiều vấn đề cần được trao đổi, chia sẻ với Bộ trưởng và lãnh đạo các đơn vị nhằm tháo gỡ những băn khoăn, khúc mắc. “Chẳng hạn như vấn đề bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên, các cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà giáo…” – thầy Lục chia sẻ.

Hiện các điểm cầu tại huyện Gia Lộc cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng kết nối với điểm cầu Bộ GD&ĐT. Trưởng phòng GD&ĐT Đỗ Thế Ngọc cho biết, toàn huyện có 65 điểm cầu (mỗi trường là 1 điểm cầu). Ngoài ra, có một điểm cầu tại phòng GD&ĐT.

Theo ông Ngọc, huyện Gia Lộc có khoảng 1.800 giáo viên. Địa phương này đang thiếu giáo viên dạy một số môn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là tin học, tiếng Anh, mỹ thuật và giáo viên dạy các môn tích hợp.

“Đây là vấn đề chúng tôi sẽ có ý kiến tại sự kiện nêu trên. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề như: tinh giản biên chế, chế độ chính sách cho nhà giáo, vấn đề dạy thêm học, học thêm…” – ông Ngọc cho hay.

Thí sinh Hải Dương tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Thế Anh.

Kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc

Theo chương trình, sáng ngày 15/8, Bộ trưởng gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.

Mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Lương Văn Việt đã ký công văn gửi các phòng GD&ĐT, trường THPT; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Ngoại ngữ, Tin học tỉnh về việc tham dự Chương trình “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, đào tạo năm 2023”.

Theo đó, tại điểm cầu Sở GD&ĐT sẽ có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, đại biểu các sở ban ngành, Thường trực Công đoàn ngành Giáo dục và toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Sở GD&ĐT.

Điểm cầu các cơ sở giáo dục (mỗi phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên là một điểm cầu). Tại các điểm cầu này, toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục sẽ có mặt.

Sở GD&ĐT Hải Dương đề nghị, các đơn vị nêu trên khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã có buổi đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục. Tại buổi đối thoại, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Giai đoạn 2013-2023, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế tạo chuyển biến trong phát triển giáo dục và đào tạo cả về quy mô và chất lượng, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Hải Dương liên tục là một trong trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, công tác phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, gắn với thực hiện Nghị quyết 29 cũng gặp nhiều khó khăn. Vai trò quản lý nhà nước, sự phối hợp của các ngành trong tham mưu xây dựng, quy hoạch, dự báo sự phát triển số lượng học sinh, áp lực về cơ sở vật chất, trường, lớp còn nhiều hạn chế.

Nhiều trường học hiện không đủ diện tích theo quy định hoặc không còn khả năng mở rộng khuôn viên tại chỗ, nhất là những trường trong khu vực đô thị, khu vực đông dân cư không còn quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường.

Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục tư thục còn thấp, chưa được đánh giá đúng thực chất. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại địa phương, trường học. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn.

Tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn so với định mức tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cùng với chủ trương tinh giản biên chế dẫn đến các cơ sở giáo dục không bảo đảm đủ số lượng người làm việc theo quy mô lớp.

Ngoài ra, Hải Dương vẫn chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không có dự án đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp bằng nguồn vốn của nước ngoài. Công tác xã hội hóa gặp khó khăn do vướng quy định...

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh, buổi đối thoại nêu rõ được những vấn đề cấp thiết, quan trọng, khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục và đào tạo để các cấp, các ngành thẳng thắn nhìn nhận, tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết theo đúng phạm vi, thẩm quyền.

Qua đó, giúp cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng như cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chức năng có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của đất nước…

Ngày 15/8/2023, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục". Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GD&ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.

Sự kiện là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-hai-duong-gui-tam-can-den-bo-truong-gddt-post650410.html