'Giáo viên giỏi không phải là giáo viên diễn giỏi'

Nhiều chuyên gia và những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà đã liên tục gửi những kỳ vọng và góp ý tới cho tân Bộ trưởng GD-ĐT.

Sau khi Quốc hội bầu ông Phùng Xuân Nhạ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, trên các trang báo, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải những kiến nghị, tâm tư và những kỳ vọng đối với nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.

Tân Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Dưới đây là tổng hợp những ý kiến từ các chuyên gia và những người có tâm huyết với ngành giáo dục muốn gửi tới tân Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo.

‘Giáo dục phải trả giá đắt vì thông tư 30’

Với cấp giáo dục tiểu học, điểm đối mới quan trọng nhất có thể kể tới thông tư 30. Thông tư này đã thay đổi cách đánh giá học sinh, kéo theo mọi thứ khác cũng bắt đầu thay đổi.

Trên trang mạng xã hội “Chúng tôi là giáo viên” có nhận xét, thông tư 30 đúng đắn về mục tiêu, nhưng cách thực hiện thì rất có vấn đề. Học sinh học ngày càng kém đi, giáo viên thì quay cuồng trong đống sổ sách, nhận xét. Thậm chí, ‘tuyển tập các nhận xét dành cho giáo viên theo thông tư 30’ còn được liệt vào danh sách tài liệu hot, được hàng chục thầy cô truyền tay nhau.

Hình thức đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đối với học sinh tiểu học vô hình chung đã “hòa cả làng”, gây ra nguy cơ mất động lực phấn đấu của học sinh, phong trào thi đua “hai tốt” bị lu mờ.

(Ảnh minh họa)

Nhà giáo Hoàng Viết Nam (Bắc Giang) nhận xét, một lớp học có 35 đến 40 học sinh mà mỗi bài kiểm tra yêu cầu đánh giá bằng lời trình độ, mức học, thái độ, kỹ năng… thì giáo viên còn đâu thời gian mà soạn bài. Trước kia cho thang điểm 10 vừa mã hóa đánh giá năng lực kỹ năng làm bài của học sinh vừa đơn giản vừa chính xác. Vì điều không tưởng nên buộc giáo viên làm việc hình thức chống đối.

“Gần đây, nhiều giáo viên và lãnh đạo trường đều lo lắng trước tình trạng học sinh ngày càng lười biếng vì kết quả học tập không được đánh giá bằng điểm. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lời cảnh báo: Giáo dục sẽ phải trả giá đắt vì Thông tư 30 này”, GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu trên báo Infonet.

Bỏ thi giáo viên giỏi và phổ cập theo thành tích

Trong ‘tâm thư’ của các giáo viên từ trang mạng xã hội “Chúng tôi là giáo viên” có viết, dạy học là 1 nghệ thuật, và người dạy là 1 nghệ sĩ. Hàng năm, khắp các địa phương nô nức tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi. Để 1 thầy cô đi thi, hàng loạt thầy cô khác và gia đình đều nhảy vào, nào là giáo án, tập huấn rồi lên kịch bản, giáo viên lên diễn.

Năm nào cũng vậy. Giáo viên giỏi không phải là giáo viên diễn giỏi, mong sao Bộ ta bỏ những cuộc thi kiểu này để tránh bệnh thành tích lây lan. Nhiều thầy cô chỉ muốn là giáo viên tốt chứ không muốn làm giáo viên giỏi theo kiểu như thế.

“Bộ trưởng cần chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, như hiện tượng thi đua phổ cập, thi đua để đạt trường chuẩn quốc gia. Để làm được điều đó nhà trường làm mọi cách nâng khống tỉ lệ học sinh khá giỏi, duy trì sỹ số bằng mọi cách…từ đó mới có hiện tượng học sinh thì xếp loại khá và chưa đọc thông viết thạo”, thầy Đoàn Đại Cương (Nghệ An) cho ý kiến.

Bỏ sự cào bằng giữa các học sinh về nội dung giáo dục

TS Lương Hoàng Nam, một doanh nhân trong lĩnh vực Hàng không nhưng quan tâm đến giáo dục trong nước cho biết, ở các nước Anh và Singapore hay Trung Quốc đều phân luồng giáo dục ngay sau tiểu học 6 năm. Thậm chí ở Đức còn phân luồng từ sau lớp 4. Đây là tinh thần chung của Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục của UNESCO (ISCED 1997 và 2011).

Theo ông, mỗi học sinh có các tố chất và điều kiện khác nhau. Xã hội cũng cần những người làm nghề khác nhau. Con cá phải học bơi, vì thể được đánh giá theo năng lực bơi và ra đời đi bơi. Con chim cần học bay, được đánh giá theo năng lực bay và ra đời đi bay. Vì vậy, không thể dạy và đánh giá “cá” và chim” với các nội dung giáo dục giống nhau trong suốt 12 năm học.

Theo ông, bên cạnh đó cần xóa bỏ sự cào bằng giữa các nhà trường về mô hình trường học. Nên để các nhà trường (ít ra là các trường tư thục) lựa chọn mô hình trường học dựa trên điều kiện tối thiểu do Bộ Giáo dục quy định, để các mô hình trường học cạnh tranh với nhau.

Nhiều ý kiến khác cho rằng mô hình trường học mới VNEN không thật sự phù hợp ở Việt Nam, bởi trong thực tế mô hình này hoạt động theo kiểu “em nào học giỏi thì có lợi, còn kém thì ngày càng kém”. Mô hình này còn nhiều điểm hạn chế như sách giáo khoa không khoa học, nội dung trong sách được thiết kế sẵn, học sinh chỉ cần đọc và bắt chước máy móc, gây nhàm chán. Còn về chỗ ngồi và sĩ số, với học sinh đông như các lớp ở thành phố, vất vả cho việc giảng dạy của giáo viên và việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Học sinh đông đồng nghĩa với nhóm đông, làm việc không hiệu quả, sức học không đồng đều nhau sẽ có người tự tin và kẻ tự ti…

Xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa

TS Lương Hoàng Nam cho biết, vấn đề này cơ bản đã được nhất trí nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Lấy ví dụ như ở Singapore có 14 nhà xuất bản tham gia xuất bản, kinh doanh sách giáo khoa, Bộ Giáo dục thẩm định và phê duyệt các bộ sách giáo khoa một cách trung lập. Vai trò trong việc xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa là của các nhà xuất bản và tác giả sách giáo khoa làm việc với họ, không phải với Bộ. Nhà xuất bản không bắt buộc phải cung cấp cả bộ sách giáo khoa cho tất cả các môn học, cấp học. Còn việc chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản nào là quyền của mỗi trường (do bộ môn kiến nghị).

(Ảnh minh họa)

Về nội dung trong sách giáo khoa, theo ông Nguyễn Đức Vĩnh (trưởng phòng GD-ĐT huyện Anh Sơn, Nghệ An), nên thành lập một đội ngũ khoa học đủ mạnh và tuyển chọn giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm rồi thành lập một “trại viết sách” để mọi người cùng tham gia thảo luận cùng viết, không viết sách theo hình thức khoán hoặc theo dự án như lâu nay vẫn làm. Sách giáo khoa phải chú trọng kiến thức và kỹ năng cơ bản, cắt giảm những phần quá hàn lâm; học tập kinh nghiệm các nước phát triển mà không rập khuôn; việc tích hợp các môn học cần vừa phải để giáo viên dễ thực hiện, học sinh dễ học dễ tiếp nhận.

Trên đây là 4 trong số rất nhiều ý kiến, vấn đề đã được xã hội đưa ra bàn luận và góp ý với tân Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ với hi vọng trong thời gian tới Bộ trưởng Nhạ có thể giải quyết được những vấn đề trên và tiếp tục phát triển giáo dục Việt Nam.

Xuân Bách

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/giao-vien-gioi-khong-phai-la-giao-vien-dien-gioi-p216457.html