Giáo viên dạy học sinh khuyết tật hòa nhập: Lại gặp khó

Trong khoảng thời gian 9 năm học (từ năm học 2012-2013 đến năm học 2020-2021), nhiều giáo viên tham gia dạy trẻ khuyết tật hòa nhập trên địa bàn tỉnh vẫn đang loay hoay với câu chuyện về thủ tục hồ sơ để bảo đảm đủ điều kiện nhận chế độ phụ cấp. Nếu không gỡ khó cho vấn đề nói trên, chắc chắn những giáo viên này sẽ chịu thiệt thòi…

Trường TH Hải Nhân, nơi có 18 lượt giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa bảo đảm hồ sơ để nhận chế độ phụ cấp.

Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Người khuyết tật về dạng tật, mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-6-2012. Sau gần 10 năm kể từ khi nghị định có hiệu lực, Thanh Hóa mới thực hiện việc chi trả chế độ phụ cấp đối với giáo viên tham gia dạy trẻ khuyết tật hòa nhập từ bậc mầm non đến THCS. Tuy nhiên, việc chi trả mới thực hiện chủ yếu ở các năm học 2021-2022 và 2022-2023.

Từ việc hồ sơ thất lạc

Căn cứ vào tình hình thực tế, các văn bản hướng dẫn và quy định hiện hành, để bảo đảm việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập từ năm học 2021-2022 trở về trước; ngày 17-10-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã ban hành Văn bản số 2926/SGDĐT-KHTC về việc điều chỉnh hồ sơ thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức hòa nhập. Trong đó, quy định những loại hồ sơ, giấy tờ thay thế có thể minh chứng được việc giảng dạy trực tiếp của giáo viên trong các lớp hòa nhập. 1/5 đầu hồ sơ được thay thế, đó là “Kế hoạch giảng dạy của giáo viên”. Theo đó, “Kế hoạch giảng dạy của giáo viên" sẽ được thay thế bằng các minh chứng khác thuộc hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định đối với từng cấp học. Mặc dù đã có văn bản của Sở GD&ĐT về điều chỉnh các đầu hồ sơ nhưng vấn đề lớn nhất lại nằm ở công tác lưu trữ hồ sơ, thay thế văn bản có liên quan.

Tại Trường Tiểu học (TH) Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn), từ năm học 2012-2013 đến năm học 2020-2021, nhà trường có 222 lượt giáo viên trực tiếp dạy học sinh khuyết tật. Trong đó có 18 lượt giáo viên không bảo đảm điều kiện về hồ sơ. Cô giáo Lê Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A (năm học 2016-2017) cho biết: “Ở năm học này, lớp tôi dạy có 1 học sinh khuyết tật. Một trong những hồ sơ theo quy định phải có để bảo đảm cho việc chi trả chế độ là kế hoạch năm học của nhà trường. Tuy nhiên, yêu cầu phải có bản gốc nhưng hiện không còn, chỉ có bản photo không công chứng”.

Trong các năm học 2021-2022 và 2022-2023, việc chi trả chế độ cho giáo viên ở Trường TH Hải Nhân khá thuận lợi nhưng từ năm học 2012-2013 đến 2020-2021, có nhiều bất cập. Bất cập từ hồ sơ của học sinh, hồ sơ giáo viên và hồ sơ nhà trường. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là việc thất lạc hồ sơ. Nói về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường TH Hải Nhân, cô giáo Đỗ Thị Thu cho hay: “Khoảng 10 năm trở lại đây, việc lưu trữ hồ sơ gặp khó khăn, do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng từ công tác luân chuyển cán bộ quản lý, xây dựng trường và cả nhận thức về lưu trữ hồ sơ còn hạn chế…”.

Tương tự, Trường THCS Thiệu Phú (Thiệu Hóa), từ năm học 2012-2013 đến 2018-2019, nhà trường có 117 lượt giáo viên tham gia trực tiếp dạy học sinh khuyết tật hòa nhập. Trong đó có 68 lượt giáo viên chưa bảo đảm điều kiện về hồ sơ để nhận phụ cấp. Băn khoăn, trăn trở là tâm trạng của nhiều giáo viên khi phải đối diện với việc thiếu hồ sơ theo quy định. Chia sẻ của cô giáo Tào Thị Xuân, giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường THCS Thiệu Phú: “Trong năm học 2012-2013 và 2013-2014, tôi cùng các giáo viên bộ môn khác có dạy 1 học sinh khuyết tật hòa nhập. Tuy nhiên, để xét chế độ phụ cấp thì có 23 lượt giáo viên thiếu hồ sơ là kế hoạch năm học của nhà trường và kế hoạch giảng dạy của giáo viên. Dù “Kế hoạch giảng dạy của giáo viên” đã được thay thế bằng 1 trong 3 hồ sơ khác nhưng chúng tôi vẫn không thể đáp ứng quy định. Mong muốn lớn nhất sẽ có một hướng mở, gỡ khó để giáo viên đỡ thiệt thòi”.

Ông Phạm Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Phú xác nhận, 68 lượt giáo viên của nhà trường chưa bảo đảm các điều kiện về hồ sơ là đúng thực tế. Sự thất lạc về hồ sơ, ảnh hưởng từ công tác bàn giao đối với bộ phận văn thư, lưu trữ, thường có sự thay đổi về nhân sự, người làm chủ yếu là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, qua 2 lần nhà trường tập hợp hồ sơ để làm hồ sơ công nhận và công nhận lại trường chuẩn quốc gia cũng ảnh hưởng đến sự thất lạc này… “Chúng tôi đã họp hội đồng sư phạm để tìm cách tháo gỡ, tất nhiên chỉ là giải pháp tình thế nhưng cũng hy vọng, giải pháp mà chúng tôi đưa ra sẽ được chấp nhận. Khoảng thời gian từ năm học 2018-2019 trở về trước, nhà trường có 3 học sinh khuyết tật. Lãnh đạo nhà trường đã đến nhà những học sinh này để mượn học bạ, có 2/3 gia đình học sinh còn lưu giữ. Tuy nhiên, đối với bậc THCS, học bạ chưa đủ minh chứng nên không được chấp nhận”, hiệu trưởng Phạm Đình Sơn cho biết.

5 đầu hồ sơ quy định để làm căn cứ xét chế độ phụ cấp. Nhưng không phải hoàn toàn giáo viên nào cũng có thể đáp ứng. Ngay cả khi đã có sự điều chỉnh, thay thế 1/5 đầu hồ sơ thì nhà trường, giáo viên vẫn gặp khó khăn, vướng mắc vì những văn bản thay thế cũng đã bị thất lạc. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.

Liệu có thể gỡ khó...

Thông tin từ Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn. Năm học 2021-2022, thị xã có 553 lượt giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi dạy trẻ khuyết tật hòa nhập với tổng số tiền chi trả là gần 1,7 tỷ đồng. Năm học 2022-2023 có 627 lượt giáo viên được chi trả, số tiền gần 2 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm có ít nhất 500 lượt giáo viên ở thị xã Nghi Sơn được thụ hưởng chính sách này. Ước tính, 9 năm học có khoảng 4.500 lượt giáo viên (từ năm học 2012-2013 đến 2020-2021), trong đó ít nhất 50% không còn đủ hồ sơ để thực hiện chế độ. Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, thì: “Không đủ hồ sơ thì không thẩm định. Không thẩm định lại liên quan đến quyền lợi của giáo viên. Thực tế, giáo viên cũng rất bức xúc. Đối với thị xã Nghi Sơn, chúng tôi đang làm dứt điểm năm học 2022-2023. Còn từ năm học 2020-2021 trở về trước đang tạm dừng thẩm định”.

Cũng theo bà Vân, sẽ cần có sự tính toán rất kỹ đối với việc thực hiện chế độ phụ cấp giáo viên từ năm học 2020-2021 trở về trước. Về vấn đề giải pháp, bà nói: “Để chứng minh có học sinh khuyết tật học ở lớp đấy, có giáo viên tham gia trực tiếp dạy học sinh đấy thì sổ đăng bộ của nhà trường là tài liệu rất quan trọng, nhà trường nào cũng còn. Sổ đăng bộ ghi thông tin học sinh từ khi vào trường đến khi ra trường, có chữ ký của giáo viên, của hiệu trưởng từng năm học. Hiệu trưởng có thể thay mặt nhà trường xác nhận học sinh đó là học sinh của nhà trường thông qua thông tin ở sổ đăng bộ, không ai làm giả được cái này”. Ông Ngô Duy Cường, chuyên viên phụ trách THCS Phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa lại cho rằng, nếu kế hoạch giảng dạy của giáo viên được thay thế bằng 1 trong 3 hồ sơ mà cả 3 hồ sơ thay thế cũng không còn thì giải pháp tốt nhất là nhân chứng sống. Ông Cường cho hay: “Đồng nghiệp dạy ở trường đó sẽ chứng minh về việc tham gia trực tiếp dạy học sinh khuyết tật của giáo viên. Còn học sinh khuyết tật thì không thể nói sai được”.

Như đã đề cập, sau gần 10 năm kể từ khi Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2012 của Chính phủ có hiệu lực, việc chi trả chế độ phụ cấp cho giáo viên trực tiếp tham gia dạy học sinh khuyết tật theo phương thức hòa nhập ở Thanh Hóa mới được thực hiện. Tưởng như việc đã thuận nhưng lại nảy sinh vấn đề về hồ sơ từ năm học 2020-2021 trở về trước. Vấn đề này xảy ra ở rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Câu hỏi được đặt ra đối với nhiều giáo viên chưa đủ điều kiện hồ sơ, đó là: Sự triển khai, thực hiện chế độ chậm là do UBND tỉnh. Không lưu hồ sơ là trách nhiệm các nhà trường. Thay dấu là việc của Nhà nước. Vậy quyền lợi của họ ai chịu?

Trước vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với thủ tục, hồ sơ của giáo viên tham gia trực tiếp dạy học sinh khuyết tật hòa nhập từ năm 2020-2021 trở về trước, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết: “Nếu giáo viên không đủ điều kiện về giấy tờ thì không thể thực hiện được việc chi trả. Trường hợp, nếu giáo viên có những minh chứng khác nhưng chưa được nhắc đến trong các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đề nghị các bộ phận liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao đề xuất với đơn vị chủ quản để được giải đáp kịp thời”.

Thông tin từ Sở GD&ĐT:

- Tổng kinh phí dự kiến chi trả cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật hòa nhập từ năm học 2012-2013 đến 2022-2023: 216 tỷ 520 triệu đồng.

- Tính đến ngày 8-11-2022, kinh phí đã chi trả: 21 tỷ 51 triệu đồng.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/giao-vien-day-hoc-sinh-khuyet-tat-hoa-nhap-lai-gap-kho/28434.htm