Giáo viên đánh học trò, vì đâu nên nỗi?

Giáo viên đánh học trò là thể hiện sự non kém về phương pháp sư phạm, trình độ giáo dục thấp và bị mất kiểm soát cảm xúc.

Học sinh tiểu học liên tục bị phạt bằng vũ lực

Vào ngày 2/4 vừa qua, N.M.H, học lớp 1 tại Trường Tiểu học Trung học Cây Sao (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), đi học về nhà trong tình trạng có nhiều vết bầm trên mặt, tay và nhiều chỗ bị xây xát da. Gia đình không hề biết gì cho đến khi gặp H. bị cô giáo dùng tay và đồ hốt rác để đánh, sau đó dặn H. không được kể chuyện này cho cha mẹ.

Bức xúc trước hành vi này, phụ huynh đã đến trường yêu cầu các giáo viên và hiệu trưởng làm rõ vụ việc. Khi gặp cô giáo đã đánh con mình, người mẹ đã dùng tay tát vào má cô giáo.

Tại Yên Bái, trong tiết ôn tập tại lớp 1C, học sinh Lù Thị L. quên nhiều kiến thức nên cô giáo Giàng Thị S. đã nóng nảy, mất bình tĩnh và dùng thước kẻ đánh vào đầu học sinh Lù Thị L.

Vào sáng ngày 15/4, trong tiết ôn tập tại lớp 1C, học sinh Lù Thị L. quên nhiều kiến thức nên cô giáo Giàng Thị S. (giáo viên chủ nhiệm lớp 1C) đã phải hướng dẫn nhiều lần. Vì vậy, cô giáo Giàng Thị S. đã nóng nảy, mất bình tĩnh và dùng thước kẻ tác động nhẹ lên đầu học sinh Lù Thị L.

Đến ngày 17/4, phát hiện mắt của em L. có quầng thâm, cô giáo đã báo cáo nhà trường. Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo nhà trường đã kiểm tra và nắm bắt tình hình sức khỏe của em, sau đó đưa em đi kiểm tra tại Trạm Y tế xã La Pán Tẩn. Kết quả thăm khám tại đây không rõ nguyên nhân.

Những vụ bạo hành trẻ lớp 1 gây phản ứng dữ dội từ dư luận. Ảnh: LC

Ngày 18/4, nhà trường đã cùng gia đình chuyển em L. lên Phòng khám Hà Nội, tại trung tâm huyện Mù Cang Chải để kiểm tra. Kết quả cho thấy em bị dập phần mô mềm trên da đầu, dẫn đến tụ máu truyền sang mắt, không thấy tổn thương ở hộp sọ.

Các y bác sỹ tại Phòng khám đã kê đơn thuốc cho em uống. Cha mẹ em cũng đã xin nhà trường cho con về nhà để chăm sóc.

Tại Quảng Ninh, vào khoảng 15h ngày 9/4, tại tiết 2 môn Toán, lớp 2 của Trường Tiểu học Vô Ngại. Khi cô giáo T. hướng dẫn học sinh làm bài, học sinh L. không làm được, không tập trung; giáo viên đã nhắc nhở nhưng L. không nghe. Sau đó, cô T. dùng thước kẻ đập vào đầu L. Học sinh này đã học bình thường đến hết buổi nhưng đến cuối buổi học đã xuất hiện biểu hiện sưng mắt.

Đến lúc 17h15 cùng ngày, gia đình em L. phát hiện em bị sưng mắt và đau ở đầu, đã gọi điện thông báo cho cô giáo. Cô T. cùng gia đình đã đưa em L. vào Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu để kiểm tra và thăm khám. Đến 17h35, cô giáo T. đã báo cáo sự việc trên với nhà trường.

Sau khi sự việc xảy ra, cô T. đã ở bên cạnh để hỗ trợ và chăm sóc em L. Cô giáo đã gặp trực tiếp gia đình (bố mẹ học sinh) để xin lỗi và cam kết chi trả các chi phí về viện phí, tổn hại sức khỏe và tinh thần cho học sinh.

Sáng ngày 10/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu và giáo viên nhà trường đã tổ chức thăm hỏi sức khỏe học sinh và gặp phụ huynh để thăm hỏi và động viên. Đến ngày 12/4, nhà trường đã đình chỉ giáo viên L. để xác minh vụ việc.

Đánh học sinh có phải là phương pháp giáo dục?

Ngày 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương yêu cầu đẩy mạnh và tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, bởi thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc mất an toàn đối với trẻ em mầm non và học sinh trong cơ sở giáo dục như bạo lực học đường, ngộ độc thực phẩm, đuối nước và tai nạn giao thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng những vụ mất an toàn này đã làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ em, học sinh, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, việc đánh học sinh là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đạo đức của nhà giáo và tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh đã và đang xảy ra. Chưa thấy Bộ có văn bản điều chỉnh.

Đây là một vấn đề đáng lưu ý, cần được giải quyết một cách có trách nhiệm và mang tính xây dựng. Trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam, nghề giáo viên được coi là cao quý, mang trách nhiệm giáo dục và nuôi dưỡng tương lai của đất nước.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Nguyễn Xuân Phong – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh – Hội viên Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam nêu quan điểm cho rằng, việc sử dụng bạo lực với học sinh không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sự phát triển của học sinh. Các hành động này có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin và gây sợ hãi đối với môi trường học tập.

Để giải quyết vấn giáo viên đánh học sinh, việc áp dụng kỷ luật với những giáo viên vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên, kỷ luật phải mang tính giáo dục, tạo cơ hội cho giáo viên nhận thức và sửa đổi hành vi sai trái.

Môi trường giáo dục lành mạnh là niềm hạnh phúc của các em học sinh và thầy cô. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác như tư vấn, đào tạo kỹ năng quản lý lớp học, và tạo ra các chương trình rèn luyện năng lực giáo viên sẽ giúp cải thiện tình hình. Hơn nữa, cần có sự can thiệp từ các cơ quan quản lý giáo dục để đảm bảo môi trường học tập an toàn và lành mạnh. Việc xây dựng chính sách rõ ràng về đạo đức nghề nghiệp và quy định về đối xử với học sinh là điều cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của giáo viên cùng với việc thực thi các biện pháp kỷ luật mang tính giáo dục là cần thiết để đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh và phát triển toàn diện cho các em học sinh.

Vấn đề về giáo viên đánh học sinh không chỉ là một hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành một vấn đề phổ biến từ cấp mầm non cho tới phổ thông, và điều này đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết kịp thời từ các cấp quản lý giáo dục.

Thực tế là, hành vi đánh đập học sinh ngay trên lớp học, trước mặt các bạn, là không chấp nhận được dưới bất kỳ lý do nào. Bất kể mong muốn tốt lành của giáo viên trong việc răn đe hay khuyến khích học sinh, việc sử dụng đòn roi hay bạo lực với học sinh không chỉ là cách làm lạc hậu mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, bày tỏ vấn đề bạo lực học đường đã tồn tại lâu nay và diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục, các vụ việc về bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí tăng cao hơn so với trước đây.

Những sự kiện bạo lực chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vấn đề thực tế nghiêm trọng hơn nhiều. Gần đây, đã có những trường hợp bạo lực cực kỳ tàn bạo: học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ em. Thậm chí có trẻ em phải chịu tổn thương tâm lý nghiêm trọng hoặc thậm chí tự tử vì áp lực từ bạo lực học đường.

Ông Nguyễn Trọng An cho rằng, ngành giáo dục hiện nay chưa có chuẩn mực đạo đức học đường phù hợp cho từng độ tuổi và cấp học. Việc giáo dục về tâm lý và kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế và cần được cải thiện, tăng cường giáo dục về kỹ năng sống, đạo đức, và lối sống cho trẻ em thay vì chỉ tập trung vào việc nhồi nhét kiến thức và áp lực thành tích.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em cũng chỉ ra rằng việc giáo dục gia đình là cốt lõi để hạn chế bạo lực học đường. Nhiều gia đình hiện nay coi nhẹ vai trò giáo dục trong gia đình vì áp lực cuộc sống. Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến cơm áo gạo tiền mà bỏ qua việc giáo dục con cái. Thêm vào đó, nhiều gia đình áp dụng quan niệm "yêu cho roi cho vọt", dùng hình phạt vũ lực để giáo dục con cái, dẫn đến các vấn đề tâm lý và hành vi bạo lực của trẻ em.

Luật Trẻ em 2016 đã quy định kiện toàn mạng lưới bảo vệ trẻ em với các cấp độ như nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em, công tác hội, và giáo viên tâm lý học đường trong các trường học để hỗ trợ học sinh. Đây được xem là những biện pháp cần thiết để giảm thiểu bạo lực học đường và bảo vệ tốt hơn cho trẻ em.

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/giao-vien-danh-hoc-tro-vi-dau-nen-noi-d4377.html