Giáo viên có còn dự giờ, thăm lớp?

Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT về điều lệ trường THCS, THPT vừa có hiệu lực, không còn quy định giáo viên phải có sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp. Vì vậy, theo nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các trường THCS, THPT, nếu chiếu theo Thông tư 32 thì giáo viên không còn phải dự giờ nữa. Tuy nhiên, thực tế tại các trường phổ thông hiện nay, không có sổ dự giờ không đồng nghĩa với bỏ quy định dự giờ.

Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), không có sổ dự giờ không có nghĩa là không dự giờ. Thực tế, bỏ sổ dự giờ nhưng vẫn có phiếu đánh giá giờ dạy. Thậm chí trong tiêu chuẩn xét thi đua, vẫn có một điểm dành cho thao giảng.

Dự giờ, thăm lớp là một việc làm hết sức quan trọng đối với giáo viên, bởi thông qua hoạt động này giúp giáo viên rất nhiều trong công tác trau dồi, học hỏi về đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực tế cho thấy, nếu giáo viên có ý thức trau dồi chuyên môn ai cũng thấy rõ dự giờ đồng nghiệp là cách học tập thiết thực và hiệu quả nhất nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. “Dự giờ giáo viên có chuyên môn cao, có phương pháp sư phạm tốt, người dự dễ dàng học tập kinh nghiệm. Còn nếu dự người dạy có chuyên môn chưa tốt, người dự cũng dễ dàng thấy điểm yếu để mình tránh”, một giáo viên Trường THCS Hùng Vương chia sẻ.

Theo các giáo viên, dự giờ sẽ giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Dù thế nào đi nữa thì mỗi khi có người đến dự giờ, các giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị bài kỹ hơn. Vì vậy, việc dự giờ không chỉ giúp cho giáo viên đi dự giờ học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp mà còn giúp cho họ sáng tạo trong xử lý các tình huống trong dạy học. Trước cùng một câu hỏi đặt ra, tùy từng đối tượng học sinh mà giáo viên có thể giúp các em trả lời câu hỏi theo nhiều hướng khác nhau, thông qua việc xử lý tình huống của đồng nghiệp, giáo viên sẽ khắc phục được những thiếu sót trong quá trình giảng dạy...

Tuy nhiên, các giáo viên cũng thẳng thắn nhìn nhận, dự giờ chỉ có tác dụng tốt khi giáo viên cầu thị, thực sự muốn học hỏi; còn ngược lại nếu tiết dạy đã được nhào nặn, giáo viên “diễn”, học sinh “diễn” theo thì chỉ phản tác dụng, lây lan bệnh thành tích. Hy vọng trong năm học mới này, áp lực từ các tiết dự giờ như thế sẽ giảm, thay vào đó sẽ có những tiết dự giờ đột xuất, để tìm ra những thầy giỏi, nhiệt huyết thực sự.

Dù không còn sổ sách ghi chép dự giờ, song các cơ sở giáo dục vẫn nên có quy chế để giáo viên được dự giờ đồng nghiệp, qua đó giúp nhà trường phát hiện những giáo viên yếu kém năng lực, phẩm chất để thanh lọc làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/249429/giao-vien-co-con-du-gio-tham-lop.html