Giáo viên có cần thiết phải kiểm tra miệng đầu tiết học?

Điều quan trọng nhất sau mỗi bài học, học sinh nắm được gì, vận dụng như thế nào vào cuộc sống chứ không phải dăm ba dòng học vẹt trả bài cho thầy cô.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực. Lời đề nghị này đang nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo, học sinh và các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua.

Thực tế, lời đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực tế nhiều nơi, nhiều thầy cô đã áp dụng từ lâu việc không kiểm tra miệng ngay đầu tiết học.

Bởi lẽ, học sinh phổ thông dù có học lực giỏi hay yếu kém đều có tâm lý sợ kiểm tra miệng đầu giờ vì các em luôn cảm thấy áp lực. Những em học yếu thì áp lực đã đành nhưng những em học giỏi cũng lo sợ vì thông thường thầy cô không chỉ hỏi nội dung bài học cũ mà còn mở rộng, nâng cao, nhất là đối với em có học lực khá, giỏi.

Kiểm tra thường xuyên có nhiều hình thức kiểm tra (Ảnh minh họa: Kim Oanh)

Vì sao học sinh luôn có tâm lý sợ kiểm tra đầu giờ học?

Như một thói quen, một số giáo viên khi vào lớp là lật sổ điểm kiểm tra miệng khiến cho nhiều học sinh cảm thấy vô cùng áp lực. Khi giáo viên lật sổ điểm cá nhân ra, tâm lý nhiều học sinh đã hồi hộp, lo sợ.

Nhiều học sinh ngồi dưới lớp căng thẳng dõi theo cây bút thầy cô kéo xuống, kéo lên và dừng lại ở đâu. Nếu như những em có số thứ tự đứng ở đầu sổ điểm mà thấy thầy cô kéo bút xuống đoạn cuối của sổ điểm là thở phào nhẹ nhõm.

Thầy cô chỉ cần dừng lại cây bút ở đoạn nào là những em ở khoảng đó nhiều khi cũng cảm thấy tim đập thình thịch. Tâm lý này, không phải học sinh bây giờ mà thời nào cũng có bởi mỗi buổi học có nhiều môn, mỗi tuần có mười mấy tiết học, một số môn có nhiều tiết khiến cho học sinh cứ nơm nớp thầy cô sẽ gọi mình.

Học sinh sợ thầy cô gọi mình và không may hỏi vào những chỗ mình chưa học sẽ cho điểm thấp và phê vào vở bài tập hoặc vở ghi chép bài học về sẽ bị cha mẹ la rầy vì nhiều phụ huynh rất xem trọng điểm số và đặt kỳ vọng rất lớn vào con em mình.

Các em sợ đứng trước bạn bè sẽ trả lời không lưu loát bởi dù học sinh có lực học giỏi hay không giỏi thì đứng trên bục giảng trả bài cho thầy cô vẫn thường hay ấp úng, lúng túng.

Hơn nữa, một số em khi trả bài không tốt, thầy cô cho điểm thấp, thậm chí còn la mắng, ghi vào sổ đầu bài để lớp bị trừ điểm thi đua và cuối tuần bị thầy cô chủ nhiệm nhắc nhở, phê bình. Vì thế, nếu trả bài không tốt sẽ dẫn đến tâm lý cả buổi học ảnh hưởng theo.

Bởi vậy, lời đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Tất nhiên, nhiều thầy cô cho rằng việc không kiểm tra “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” thì học sinh sẽ không chịu học bài.

Học xong mà không kiểm tra bài cũ thì học sinh không chịu học và sẽ quên hết. Trong khi, chỉ tiêu học lực nhà trường giao cụ thể, không đạt được sẽ ảnh hưởng, ai sẽ chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thầy cô đồng tình với lời đề nghị của ông Nguyễn Văn Hiếu vì từ lâu họ cũng đã từng làm như vậy.

Bởi, với mục tiêu giáo dục hiện nay, nhất là các lớp đang dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mục tiêu chính là phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò chứ không phải tái hiện kiến thức đã học như các chương trình trước đây.

Các văn bản hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học sinh không có văn bản nào bắt buộc kiểm tra miệng

Hiện nay, trong các văn bản còn hiệu lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh phổ thông không có Thông tư, Công văn nào bắt buộc giáo viên kiểm tra miệng học sinh vào thời điểm đầu tiết học.

Thế nhưng, thói quen của một số giáo viên, cũng như tâm lý nhiều thầy cô luôn có suy nghĩ không kiểm tra bài cũ thì học sinh sẽ không chịu học bài nên một số thầy cô vẫn luôn kiểm tra miệng trước khi dạy bài mới.

Công việc này đã dẫn đến những áp lực cho học sinh mà nhiều khi còn tạo cho thầy cô một tâm thế không tốt khi dạy bài mới vì gọi nhiều học sinh không thuộc bài sẽ dẫn đến muộn phiền, bực tức cho thầy cô. Bởi những lớp đại trà, bao giờ cũng có em không thuộc bài, thậm chí gọi trả bài nhiều lần vẫn không thuộc, không học.

Trong khi đó, cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang có 2 văn bản đánh giá kết quả học tập của học sinh. Những lớp đang học chương trình 2006 (lớp 9 và lớp 12) sẽ vận dụng Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế đánh giá xếp loại học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ban hành kèm theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo .

Những lớp đang dạy chương trình 2018 (lớp 6,7,8,10,11) sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021. Trong 2 văn bản này, không có văn bản nào bắt buộc giáo viên phải kiểm tra miệng bài học sinh ở thời điểm đầu tiết học.

Đối với việc kiểm tra miệng được tính là điểm kiểm tra thường xuyên. Trong khi, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn điểm kiểm tra thường xuyên như sau: “thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập”.

Với hướng dẫn này, giáo viên có thể kiểm tra miệng nhưng cũng có thể kiểm tra học sinh bằng hình thức khác, như: “viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập” , miễn là đủ cột điểm là được. Có điều, thực hiện hình thức nào thì tổ chuyên môn phải thống nhất , có kế hoạch cụ thể và giáo viên thực hiện trong kế hoạch giáo dục (cá nhân) của mình.

Hơn nữa, số lượng bài kiểm tra được quy định những môn học có 35 tiết/năm học sẽ có 2 cột điểm thường xuyên; trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học sẽ có 3 cột; môn có trên 70 tiết/năm học sẽ có 4 cột điểm thường xuyên.

Điều này cho thấy nếu những môn nhiều tiết như Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh lấy 1 cột điểm miệng thì không khó nhưng những môn chỉ có 1 tiết; 1,5 tiết/ tuần thì việc giáo viên lấy một cột điểm miệng là không hề đơn giản.

Bởi lẽ, học kỳ I có 18 tuần; học kỳ II có 17 tuần thực học nhưng phải trừ đi 4 tiết kiểm tra định kỳ, những tuần đầu học kỳ không kiểm tra được, những tuần cuối thì đã kiểm tra định kỳ và hoàn thành điểm nên mỗi học kỳ giáo viên chỉ có thể thực hiện kiểm tra miệng khoảng 10 tuần. Trong khi, mỗi lớp học có 45 em.

Vì thế, nhiều thầy cô có thể cho 1 cột kiểm tra viết, 1 cột thực hành hoặc thêm bài tập nhóm là hoàn thành các cột điểm thường xuyên. Việc kiểm tra miệng đầu giờ học đối với những môn ít tiết vì thế mà không khả thi mà còn tạo áp lực cho học trò.

Với mục tiêu của chương trình giáo dục 2018, cũng như hướng dẫn của Bộ về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập hiện nay, giáo viên cũng cần linh hoạt trong quá trình thực hiện việc kiểm tra thường xuyên đối với học trò.

Kiểm tra bài cũ (nếu thực hiện) có thể chỉ thực hiện đối với những em có tinh thần xung phong ở đầu giờ, hoặc giáo viên lồng ghép trong quá trình giảng dạy bài mới rồi cho điểm học trò sẽ giúp cho học sinh tự tin trong học tập.

Việc hoàn thành các cột điểm thường xuyên có nhiều cách “thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập” hoặc những em yếu có thể gọi các em làm các bài tập dễ sau mỗi bài học cũng đều được.

Điều quan trọng nhất là sau mỗi bài học, học sinh nắm được gì, vận dụng như thế nào vào cuộc sống chứ không phải dăm ba dòng nội dung thầy cô cho chép rồi học sinh học vẹt trả cho thầy cô xong rồi lại quên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-co-can-thiet-phai-kiem-tra-mieng-dau-tiet-hoc-post238024.gd