Giao thông đường thủy chờ 'cú hích' du lịch

Sau nhiều lần trì hoãn, tuyến giao thông đường thủy được mong chờ từ TPHCM đi Côn Đảo đã chính thức khai trương ngày 13/5.

Tàu Thăng Long khai thác tuyến TPHCM - Côn Đảo. Ảnh: Thành An.

Tàu Thăng Long khai thác tuyến TPHCM - Côn Đảo. Ảnh: Thành An.

Với năng lực vận chuyển hơn 1.000 hành khách mỗi chuyến, tuyến đường thủy có hải trình khoảng 5 giờ đồng hồ này dự kiến sẽ tạo được bước đột phá, thu hút đông đảo hành khách tham gia.

Từ lâu, Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm TPHCM khoảng 200km) được coi là tuyến du lịch giàu tiềm năng ở phía Nam với lợi thế về thiên nhiên, lịch sử. Tuy nhiên, du khách từ TPHCM đi Côn Đảo bằng đường thủy phải “quá cảnh” tại TP Vũng Tàu trước khi lên một chuyến tàu cao tốc khác để tới đảo. Trong khi đó, di chuyển bằng đường hàng không lại đắt đỏ và cũng không nhanh hơn đường thủy nhiều. Vì thế, việc mở tuyến đường thủy này kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo khách du lịch, người dân.

Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi Côn Đảo nhằm góp phần mang tới thêm lựa chọn cho người dân thành phố khi có nhu cầu tới Côn Đảo. Thời gian qua, TPHCM có định hướng phát triển giao thông đường thủy kết hợp với du lịch nhằm tạo thành một đặc trưng của TPHCM thời gian tới. Trong đó, trọng tâm của định hướng phát triển là hình thức xã hội hóa với việc nâng cấp cầu tàu, bến cảng, đường dẫn, phương tiện tàu thủy… nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, không chỉ tuyến đường thủy TPHCM đi Côn Đảo mà nhiều tuyến đường thủy khác liên kết với các địa phương lân cận, với những lợi thế riêng cũng chuẩn bị được mở thêm nhằm tạo ra mạng lưới giao thông đường thủy rộng lớn, với TPHCM là trung tâm đầu mối. Nổi bật trong đó là 2 tuyến đường từ trung tâm TPHCM đi TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) với hải trình khoảng 110km và 120km. Mặc dù là tuyến giao thông đường thủy nhưng mục đích hướng tới của hai tuyến này cũng là nhóm khách du lịch, người dân đi du lịch đường sông. Trong đó tuyến TPHCM đi TP Mỹ Tho có nhiều lợi thế, dễ thu hút hành khách tham quan bởi đây là địa điểm trung chuyển nằm trên lộ trình mà nhiều tàu du lịch quốc tế thường dừng lại khi di chuyển tới Campuchia. Ngoài khách du lịch, người dân cũng có thể chọn lộ trình di chuyển bằng đường thủy từ các địa điểm trên thay vì đường bộ với một số ưu điểm nhất định.

Theo đánh giá, với việc nhắm tới nhóm hành khách là khách du lịch, các tuyến tàu cao tốc đường thủy ở TPHCM sẽ có nhiều lợi thế để hoạt động, phát triển. So với giao thông đường thủy thông thường, giao thông đường thủy kết hợp du lịch sẽ kích thích, thu hút hành khách tốt hơn và cũng giúp cho việc xã hội tốt hơn.

Các bến cảng ở TPHCM hiện có vị trí thuận lợi như bến Bạch Đằng (quận 1), bến Nhà Rồng (quận 4)… đều nằm ở trung tâm, dễ thu hút người dân, hành khách tìm tới cũng như kết hợp với dễ dàng với đường bộ, thậm chí đường không. Với hàng chục triệu lượt hành khách di chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm, nhu cầu của khách du lịch sử dụng phương tiện đường thủy ở TPHCM có tiềm năng vô cùng lớn. Và việc kết hợp với nhu cầu của người dân tại TPHCM sẽ giúp cho mạng lưới đường thủy có thể phát triển mạnh hơn nữa.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-thong-duong-thuy-cho-cu-hich-du-lich-10279742.html