Giao thông đi trước mở đường

Giao thông là cầu nối giao thương, giao lưu văn hóa... Hoàn thiện hệ thống giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tạo tiền đề cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giữ ổn định an ninh chính trị ở địa phương.

Những năm qua, tranh thủ các nguồn ngân sách Nhà nước, vận động xã hội hóa và đóng góp của Nhân dân, huyện Ðầm Dơi tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ðô thị thị trấn Ðầm Dơi được chỉnh trang sạch, đẹp; diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét, thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn.

Hoàn thiện hạ tầng

Ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Ðến thời điểm này, huyện có gần 1.500 km đường nông thôn kết nối các xã với trung tâm huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân”.

Nâng cấp mở rộng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi.

Theo ông Nguyễn Tấn Nghìn, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện: “Kế hoạch năm 2023, huyện đầu tư xây dựng 77 công trình đường nông thôn với tổng chiều dài 81 km, tổng vốn ngân sách đầu tư 74,7 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện được 26 công trình. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất mở rộng đường đất đen để huyện đầu tư bê tông hóa hơn 100 km, gia cố, sửa chữa hơn 780 cống..., tổng kinh phí thực hiện hơn 57 tỷ đồng”.

Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển làm thay đổi diện mạo nông thôn. “Trước đây, đường đất trơn trượt, mỗi lần muốn ra chợ phải phụ thuộc thủy triều. Giờ lộ làng thông thoáng, hai bên có hàng rào cây xanh, có đèn chiếu sáng…”, bà Trần Mỹ Xiếu, người dân ấp Tân Hiệp, xã Tân Ðức, phấn khởi.

Một góc thị trấn Đầm Dơi.

Thực hiện đạt tiêu chí giao thông đô thị giúp thị trấn Ðầm Dơi hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2020. Theo ông Lê Tấn Công, Chủ tịch UBND thị trấn Ðầm Dơi: “Từ năm 2016, thị trấn đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp đường sá, chỉnh trang đô thị. Hiện tại, thị trấn đang tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông nội ô, phát triển cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, cống thoát nước... hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 5, hướng tới mục tiêu xây dựng thị trấn đạt tiêu chí đô thị loại 4”.

Giữ ổn định trật tự, an toàn

Xây dựng hạ tầng giao thông và giữ trật tự, an toàn là hai mặt công tác song hành được huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, Ðội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Ðầm Dơi, phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản trên 1.590 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Qua kiểm tra giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện hơn 36 vụ vi phạm an ninh trật tự (mang theo công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, trộm cắp tài sản; sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép; sử dụng trái phép chất ma túy...) liên quan gần 50 đối tượng.

Trung tá Võ Thanh Sang, Ðội trưởng Ðội CSGT-TT, nhìn nhận: “Qua tuyên truyền trực tiếp, trong quá trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng làm nhiệm vụ cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông”.

Khó khăn chống sạt lở

Là huyện ven biển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... với nền đất yếu, các lộ đầu tư giai đoạn trước, nay thường xuyên bị sụt lún; sạt lở đất ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Sạt lở tuyến đường dân cư ấp Tân Hiệp, xã Tân Đức.

Hàng năm, huyện tranh thủ các nguồn vốn đầu tư công, dành một phần kinh phí để duy tu, sửa chữa các tuyến đường xuống cấp, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Tình trạng sạt lở, sụt lún vẫn liên tiếp xảy ra trên quy mô ngày càng rộng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở trên 20 tuyến, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

“Thực trạng sạt lở ngày càng phức tạp. Trước mắt, huyện đã trích một phần ngân sách để khắc phục tạm thời những đoạn sạt lở để người dân đi lại; đồng thời vận động người dân làm kè ngăn sạt lở lan rộng. Huyện đã báo cáo về tỉnh, xin ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp khảo sát để có hướng khắc phục lâu dài. Ðể hạn chế tối đa tình trạng sạt lở và ổn định lâu dài thì cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, cần sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh nhằm xây dựng giải pháp căn cơ”, ông Trần Anh Chót kiến nghị./.

Mỹ Pha - Hữu Nghĩa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giao-thong-di-truoc-mo-duong-a28430.html