Giao thông đi lại của người dân: Trên thoáng dưới tắc

Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế, trong đó có nội dung không yêu cầu xét nghiệm với việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, việc đi lại của người dân không dễ dàng đối với một số địa phương.

Nghị Quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã có hiệu lực từ ngày 11/10, tuy nhiên đến nay việc đi lại của người dân vẫn đang bị ách tắc, mỗi nơi làm một kiểu, làm người dân và doanh nghiệp thắc mắc.

Nhiều địa phương vẫn tồn tại các chốt kiểm soát.

Trên bảo dưới không nghe

Ông Nguyễn Anh Quốc, TGĐ Công ty CP ĐTXD & TM Kiên Giang 68 (tại huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ và một số bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản mang tính chỉ đạo nhằm phòng chống dịch và phát triển phục hồi kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, có một số địa phương không chấp hành tốt theo các văn bản chỉ đạo này dẫn đến việc người dân đi lại phục vụ công tác, công việc làm ăn mưu sinh gặp khó khăn.

Ông Hồng Văn Quyết (ở xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) bức xúc, sáng nay tôi đi từ nhà đến bệnh viện Tâm Phúc để xét nghiệm Covid-19, khi đến chốt kiểm soát ngay đầu cầu Trần Hưng Đạo thì bị lực lượng công an ở đây không cho tôi qua chốt, dù tôi đã đưa giấy hẹn, giấy đi đường".

"Tôi thấy cách phòng chống dịch ở đây bất hợp lý, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương áp dụng cách ly trong phạm vi hẹp và thật hẹp nhưng không hiểu sao ở đây họ không chấp hành. Ở đây họ không chốt chặn ở các hẻm nhỏ nơi có dịch mà chặn cả tuyến đường dài mấy ki lô mét. Để trong cả đoạn đường lơ lỏng, thì dịch bùng phát ở đây chứ ở đâu?", ông Quyết nói.

Ông Quyết cho biết thêm, Chính phủ vừa có Nghị quyết 128 không còn áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 vậy tại sao các địa phương không thực hiện?

Mỗi nơi vẫn làm một kiểu

Về việc triển khai thực hiện theo Nghị Quyết 128 của Chính phủ, PV báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi nhanh với một số địa phương.

Theo đó, Phòng CSGT TP. HCM cho biết, hiện đơn vị chưa nhận được công văn chỉ đạo từ cơ quan thẩm quyền nên 12 chốt kiểm soát tại cửa ngõ vẫn đang kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với người dân ra vào TP. HCM như trước đây.

Chốt chặn cản trở lưu thông hàng hóa. Ảnh: NT

Ghi nhận tại QL13, người dân lưu thông bằng xe cá nhân, xe đưa đón qua lại giữa địa bàn TP. HCM và tỉnh Bình Dương khá đông đúc. Các chốt kiểm soát dịch tại đây vẫn có lực lượng trực chốt nhưng không kiểm tra, người dân tự do đi lại.

Tuy nhiên, qua chốt kiểm soát dịch trên địa phận tỉnh Bình Dương thì lực lượng chức năng vẫn kiểm tra giấy tờ, lý do di chuyển của người đi đường. Người dân muốn lưu thông đến địa phận tỉnh Bình Dương vẫn bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên và còn hiệu lực theo quy định.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vừa ký văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

UBND tỉnh yêu cầu không thiết lập các chốt kiểm soát giữa vùng nguy cơ thấp (vùng xanh), vùng nguy cơ trung bình (vùng vàng). Tiếp tục duy trì việc kiểm soát người từ các vùng nguy cơ cao (vùng cam), nguy cơ rất cao (vùng đỏ);

Tiếp tục duy trì và siết chặt quản lý đối với các chốt, trạm kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh, giáp ranh với các tỉnh, thành phố lân cận; Đề xuất hình thành các chốt, trạm kiểm soát vùng phía Tây, phía Đông để đảm bảo công tác phòng, chống dịch; Không kiểm tra giấy đi đường của người dân khi di chuyển trong nội bộ tỉnh...

Tại Bến Tre, Chủ tịch Trần Ngọc Tam thông tin, để tạo điều kiện cho người dân di chuyển trong các trường hợp cần thiết và khi các địa phương tái khởi động hoạt động kinh tế, giúp phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, thống nhất tạo điều kiện cho người dân giữa tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố di chuyển theo quy định, điều kiện và yêu cầu cụ thể.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản cho phép người lao động di chuyển giữa TP. HCM với Đồng Nai bằng xe ô tô cá nhân.

Vận tải đường bộ còn tắc ở nhiều địa phương.

Còn tại Bình Thuận, liên quan đến phản ánh của ông Quyết ở trên, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, hiện nay TP. Phan Thiết đang ra soát lại các vùng các khu vực để chiều nay họp với UBND tỉnh và các ngành chức năng để có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ...

Được biết, trước khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 128, Thủ tướng cũng có văn bản yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải; kiên quyết không để ban hành các “giấy phép con”, không cát cứ, chia cắt; triển khai thận trọng, an toàn; có điều chỉnh phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Người dân mong chờ sự dứt khoát

Trước tình trạng, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, ông Nguyễn Anh Quốc - TGĐ Công ty CPĐTXD & TM Kiên Giang 68 cho rằng, các văn bản chỉ đạo hay Nghị quyết cần có nội dung dứt khoát, cụ thể, rõ ràng, đồng thời phải gắn liền với trách nhiệm. Tránh sử dụng các câu từ nữa vời như, “linh hoạt chủ động", "ngoài ra", "ngoại trừ"...

Theo ông Quốc, những câu từ không rõ ràng sẽ làm khó cho địa phương, và địa phương cũng không dám quyết định vì sợ trách nhiệm tập thể, lẫn trách nhiệm cá nhân. Trong công tác phòng chống dịch, các trách nhiệm này đã quy định rất cụ thể, vì thế khi có sự chỉ đạo thì cần phải có sự dứt khoát của người chỉ đạo.

"Tôi đề nghị khi các cấp, các ngành khi chỉ đạo cần dứt khoát trong thi hành kỷ luật kỷ cương đối với một số địa phương thực hiện trái ngược với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Không thể để tình trạng, "trên bảo dưới không nghe" làm khó dân, doanh nghiệp", ông Nguyễn Anh Quốc nói.

Còn luật sư Nguyễn Sa Linh, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Linh cho biết, trách nhiệm và quyền hạn thủ tướng thì có cả rồi đấy. Tuy nhiên, Nghị Quyết hay Chỉ thị thì cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vì thế khó mà xử lý, chế tài.

Nhiều cử tri đề nghị, trong công tác chỉ đạo, điều hành công việc, đặc biệt là phòng chống đại dịch dịch Covid-19, Trung ương cần cho Thủ tướng "Thượng Phương bảo kiếm".

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-thong-di-lai-cua-nguoi-dan-tren-thoang-duoi-tac-post161564.html