Giao thoa sống động truyền thống và hiện đại

Festival Huế 2022 trải dài bốn mùa, trong đó Tuần lễ cao điểm diễn ra từ ngày 25 - 30.6, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, hấp dẫn trong không gian cổ kính. Các chương trình tập trung hướng về cộng đồng và khách du lịch.

Lôi cuốn du khách tìm hiểu, khám phá

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến sáng 8.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2022 Nguyễn Thanh Bình cho biết, thay vì diễn ra 2 năm một lần, Festival Huế 2022 điều chỉnh tổ chức theo định hướng bốn mùa, mỗi mùa có chủ đề riêng, với các lễ hội trải dài suốt cả năm, nhiều hoạt động trọng điểm cũng như các hoạt động hưởng ứng. Festival Huế 2022 mở màn với lễ hội Ban Sóc (ngày 1.1) và khép lại với chương trình Countdown 2022 (31.12). Trong đó, Tuần lễ cao điểm diễn ra từ 25 - 30.6, với nhiều hoạt động đặc sắc.

Mục đích của việc điều chỉnh này, theo ông Nguyễn Thanh Bình, nhằm kế thừa và phát huy kết quả của 10 kỳ Festival trước và tiếp tục thể hiện danh hiệu Festival Huế. Qua nhiều kỳ, Festival Huế tập trung trong thời gian ngắn. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, sản phẩm, lễ hội có thể giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước. Tổ chức theo từng thời kỳ, từng mùa có thể quảng bá nhiều hơn lễ hội mang tính truyền thống, gắn kết chặt chẽ văn hóa với du lịch.

“Ý tưởng tổ chức Festival bốn mùa không phải đến nay mới hình thành, mà đã được vun đắp trong thời gian dài, với mong muốn xây dựng Huế trở thành Thành phố Lễ hội, thực hiện đề án Chính phủ Xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy đã đến thời điểm thích hợp để có thể triển khai mạnh mẽ ý tưởng này” - ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Bên cạnh đó, sau thời gian dịch bệnh, nhu cầu đổi mới trong loại hình du lịch để thu hút khách là tất yếu. Việc đổi mới Festival trải dài từng tháng, từng quý là hình thức phù hợp để lôi cuốn du khách tìm hiểu, khám phá sản phẩm du lịch địa phương. Thực tế, các hoạt động của Festival tổ chức từ đầu năm đến nay đã đem lại hiệu ứng tốt, du khách biết đến du lịch Huế nhiều hơn.

Tuần lễ Festival Huế 2022 tiếp tục có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Nói về chủ đề xuyên suốt các kỳ Festival, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng điều này phù hợp với chủ trương định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết Số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên nền tảng nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Trong Festival Huế 2022, Ban tổ chức tập trung xây dựng nội dung, kịch bản, chương trình bảo đảm theo suốt chủ đề này, nhằm giữ được nét văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế một cách toàn diện nhất.

Sân khấu mở có sự tương tác cao

Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Festival Huế 2022 Huỳnh Tiến Đạt tiết lộ, sẽ có 8 chương trình và 30 hoạt động đồng hành được tổ chức. Chương trình nghệ thuật khai mạc chủ đề “Đất nước thái hòa, bốn phương an lạc”, diễn ra 20 giờ ngày 25.6 tại Quảng trường Ngọ Môn, tôn vinh những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Huế, kết hợp trình diễn thời trang áo dài. Ban tổ chức chú trọng phương thức tổ chức sử dụng công nghệ cao, đem lại sự mới mẻ cho chương trình.

Bên cạnh đó, Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” sôi động, sẽ diễn ra buổi chiều các ngày 26 - 28.6. Ngoài phần quảng diễn đường phố của các đoàn nghệ thuật, lần đầu tiên các trò diễn dân gian từ địa phương trong tỉnh được phục dựng, biến thành trò diễn, hoạt cảnh trên đường phố phục vụ công chúng. Đây là cách giới thiệu hiệu quả nhất lễ hội dân gian, sinh hoạt truyền thống của địa phương với du khách.

Chương trình quảng diễn “Ngàn xưa âm vọng” sẽ diễn ra ngày 28.6, với Lễ hội rước mặt nạ tuồng và trình diễn tuồng cung đình tại Thanh Bình từ đường đến Nghinh Lương Đình. Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế diễn ra từ ngày 26 - 29.6 tại các sân khấu mở ở trung tâm thành phố, có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và đoàn nghệ thuật đến từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Israel, Nga…

Các hoạt động đồng hành, hưởng ứng sẽ diễn ra liên tục trước, trong và sau thời gian Tuần lễ Festival gồm: Lễ hội ẩm thực “Kinh đô Huế với Bốn phương” giới thiệu ẩm thực đường phố, Lễ hội “Chợ quê ngày hội”, Lễ hội khinh khí cầu “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời”, Ngày hội Áo dài cộng đồng Huế...

Đáng chú ý, tại Festival 2022, cộng đồng từ người thụ hưởng trở thành người cùng tham gia, cùng hưởng thụ. Các chương trình được xây dựng với sự tương tác rất lớn của cộng đồng, trừ chương trình khai màn và đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ tổ chức ở cổng Ngọ Môn, các chương trình sân khấu khác đều thiết kế ở những địa điểm mà người dân, cộng đồng có thể tiếp cận và tương tác. Các sân khấu mở ở hai bờ sông Hương là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động liên quan đến cộng đồng, để người dân có thể tiếp cận dễ dàng nhất, xóa nhòa khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ. Festival năm nay cũng quan tâm nhiều hơn tới khán giả trẻ. Bởi vậy, trong cấu trúc chương trình, hoạt động đồng hành, chiếm tỷ lệ lớn là các nội dung phù hợp và đáp ứng nhu cầu của giới trẻ.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc nhận định, việc tổ chức Festival bốn mùa với các hoạt động đa dạng về hình thức, có chiều sâu văn hóa, trải đều trong các tháng, các quý của năm là hình thức kích cầu hiệu quả nhất cho du lịch Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện cho khách mọi miền lựa chọn thời điểm đến Huế có thể tìm hiểu, khám phá các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cảnh quan, ẩm thực địa phương. Nhằm bảo đảm hoạt động du lịch trong giai đoạn cao điểm, từ đầu năm, Sở Du lịch đã tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là lưu trú, lữ hành, bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến Huế.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/giao-thoa-song-dong-truyen-thong-va-hien-dai-i291558/