Giáo sư người Nhật Bản giới thiệu giải pháp sinh học trong trồng chè

Ngày 7-3, tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì buổi làm việc với Giáo sư Kubo Mutoki (đến từ Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) nhằm khảo sát và giới thiệu giải pháp sinh học SOFIX trong cải tạo đất trồng chè, góp phần nâng cao năng suất.

Giáo sư Kubo Mutoki (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) cùng các đại biểu thăm mô hình trồng, chăm sóc, chế biến chè tại HTX chè Hảo Đạt.

Tại buổi làm việc, Giáo sư Kubo Mutoki chia sẻ: Công nghệ SOFIX có nguyên lý sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ, sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để hạn chế dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đây là công nghệ hài hòa vật chất hữu cơ và vi sinh vật, giúp nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường; giúp chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật và điều chỉnh phù hợp với từng chất đất. Việc canh tác hữu cơ SOFIX đã được triển khai thành công ở Nhật Bản, cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; đồng thời chi phí sản xuất giảm từ 20-30%...

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã mong muốn được hỗ trợ chuyển giao các công nghệ mới, đặc biệt là kết nối với các tổ chức khoa học và chuyên gia nước ngoài. Sau buổi làm việc, đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch thử nghiệm công nghệ sinh học SOFIX trên một số diện tích trồng chè, từ đó đưa ra đánh giá cụ thể và có định hướng trong cải thiện đất trồng chè, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh.

Các đại biểu tỉnh Thái Nguyên cùng Giáo sư Kubo Mutoki và Đoàn công tác.

Thái Nguyên hiện có 22.300ha đất trồng chè, trong đó trên 21.100ha đang trong giai đoạn phát triển búp và thu hái. Năm 2023, sản lượng chè búp tươi đạt 267,5 nghìn tấn. Tỷ lệ giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt trên 18.300ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong sản xuất, chế biến chè VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị cây trồng chủ lực này, Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển diện tích trồng chè theo hướng an toàn và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh vẫn còn một số bất cập: Chi phí đầu tư ban đầu thường cao hơn sản xuất đại trà, trong khi giai đoạn đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ chưa mang lại lợi ích kinh tế ngay, năng suất thường giảm trong 1-2 năm đầu thực hiện...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202403/giao-su-nguoi-nhat-ban-gioi-thieu-giai-phap-sinh-hoc-trong-trong-che-d3a23f3/