Giao lưu trực tuyến: Nhận biết và phòng, chống sốt xuất huyết

Hiểu chưa đúng về bệnh sốt xuất huyết và cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh này... khiến cho một bộ phận lớn người dân thờ ơ với sốt xuất huyết (SXH). Việc bùng phát dịch SXH sớm hơn so với cùng kỳ mọi năm được coi là một hiện tượng bất thường. Để giúp độc giả có một nhận diện đúng đắn về SXH; về cách phòng, chống một cách triệt để SXH khi chưa có vaccine phòng bệnh cũng như tư vấn về cách điều trị để tránh những biến chứng..., Báo Nhân Dân điện tử tổ chức giao lưu trực tuyến “Nhận biết và phòng, chống SXH” vào sáng 8-8.

SXH đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền bắc và miền nam, giảm ở khu vực miền trung và Tây Nguyên. Sự thay đổi thời tiết, mưa nhiều ở cả hai miền nam, bắc khiến cho loại muỗi vằn truyền bệnh phát triển mạnh. Hiện nay, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh SXH.

Trong bảy tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện tăng 11,2%, số tử vong tăng ba trường hợp.

Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, nhất là các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đang có số mắc sốt xuất huyết tuyệt đối cao đứng thứ hai trên cả nước với ghi nhận từ đầu năm đến nay hơn 8.982 ca, tăng gấp sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có bốn trường hợp tử vong vì SXH. SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân. 40% số người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ.

Nhận định đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 8 và tháng 9-2017, cả nước đang tăng cường nhiều biện pháp để phòng, chống dịch SXH để hạn chế thấp nhất ca mắc SXH và tử vong vì SXH. Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều khuyến cáo với cộng đồng trong việc tự bảo vệ cho bản thân và gia đình mình, phối hợp với ngành y tế trong việc phun hóa chất phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu biết chưa đúng về SXH, như SXH khác gì so với các loại sốt khác; cách xử trí tại nhà thế nào để không gây ra những biến chứng do SXH; khi nào cần đưa đến cơ sở y tế khi đang quá tải tại các bệnh viện... Tại buổi giao lưu trực tuyến, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng sẽ trả lời những băn khoăn, thắc mắc của độc giả về cách nhận biết những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh SXH cũng như các biện pháp phòng, chống dịch để dập tắt dịch SXH.

Khách mời giao lưu gồm: ThS.BS Nguyễn Đức Khoa - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng; TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Độc giả quan tâm đến dịch bệnh SXH, ngay từ bây giờ có thể đặt câu hỏi tới các vị khách mời qua hộp thư nhandandientutiengviet@gmail.com, qua số điện thoại 02437100839 , hoặc trực tiếp tại http://nhandan.com.vn/tructuyen .

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33704002-giao-luu-truc-tuyen-nhan-biet-va-phong-chong-sot-xuat-huyet.html