Giao lưu trực tuyến: Ngăn chặn dịch bệnh do vi rút zika

Trước diễn biến đã xuất hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika ở Việt Nam, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: Ngăn chặn dịch bệnh do vi rút Zika.

Các chuyên gia của Bộ Y tế: Cục Y tế dự phòng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em; Viện Pasteur TP.HCM sẽ cung cấp các kiến thức về phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Zika; những dấu hiệu nghi ngờ mắc và lời khuyên về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ chuẩn bị mang thai, bà mẹ mang thai trong vùng có Zika lưu hành.

Thời gian: 9 giờ - 11 giờ sáng thứ sáu ngày 28.10.2016.

Các khách mời:

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế

TS.Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế (bìa phải) đang tư vấn trực tuyến - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế (phải) giải đáp các thắc mắc của bạn đọc - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trả lời câu hỏi của bạn đọc

TNO

Giao Lưu Trực Tuyến

Tôi thấy Bộ Y tế có thông tin cho biết, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đồng thời cũng là muỗi truyền vi rút Zika. Muỗi này vốn đã có ở Việt Nam từ lâu nhưng vì sao bây giờ chúng ta mới phát hiện có vi rút Zika? Có phải do trước đây chúng ta không đủ khả năng xét nghiệm không?

Thảo Linh

Vi rút Zika được phát hiện vào năm 1947, nhưng trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do vi rút Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, các ca bệnh và bùng phát dịch của căn bệnh này được báo cáo từ Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika có diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu trong đó có khu vực Đông Nam Á.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đồng thời cũng là muỗi truyền vi rút Zika lưu hành phổ biến ở các quốc gia Đông nam Á, trong đó có VN. Việc giám sát muỗi vằn vẫn là hoạt động thường xuyên của y tế hàng chục năm qua. Năng lực giám sát và xét nghiệm của VN hoàn toàn có khả năng phát hiện vi rút Dengue (gây sốt xuất huyết) và vi rút Zika.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Lần đầu tiên Việt Nam phát hiện vi rút Zika là khi nào? mức độ nguy hiểm của vi rút này với sức khỏe cộng đồng?

Ánh Tuyết

Tại VN, ghi nhận bệnh nhân đầu tiên ngày 26.3.2016 (nữ, 64 tuổi), trú tại Phước Hòa, TP.Nha Trang với biểu hiện nổi ban, sốt nhẹ, đau đầu và viêm kết mạc mắt.

Bệnh do vi rút Zika thường diễn biến nhẹ, khoảng 60 - 80% ca bệnh không có biểu hiện. Phần lớn các trường hợp nhiễm vi rút Zika tự khỏi không để lại di chứng nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Một số rất ít trường hợp nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai có thể sinh trẻ mắc dị tật đầu nhỏ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chứng đầu nhỏ ghi nhận ở 1 - 10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ thai nghén, vì vậy cần theo dõi sức khỏe của phụ nữ mang thai, phụ nữ chuẩn bị mang thai. Ngoài ra vi rút Zika còn có thể gây ra hội chứng Guillain-Barré.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang, quá lo lắng về dịch bệnh này. Việc thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm vi rút Zika theo khuyến cáo của Bộ Y tế là rất cần thiết, đặc biệt là phụ nữ mang thai và dự định có thai. Các trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika theo khuyến cáo của Bộ Y tế cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và quản lý sức khỏe.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Xin cho biết hiện tại có bao nhiêu tỉnh, thành có ca bệnh do Zika? Dự báo về diễn biến dịch do Zika trong thời gian tới?

Thu Hà

Từ tháng 3.2016 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận 11 trường hợp xét nghiệm dương tính tại 6 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bình Dương, Đắk Lắk, Long An, Phú Yên và TP.HCM.

Muỗi vằn truyền vi rút Zika lưu hành rộng tại nhiều địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Các trường hợp nhiễm vi rút Zika tại VN cũng đã được phát hiện trong thời gian vừa qua. Với việc mở rộng và tăng cường giám sát, trong thời gian tới số trường hợp nhiễm vi rút Zika có thể sẽ tiếp tục được phát hiện thêm.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trong trường hợp nào thì người dân nên xét nghiệm Zika? Nếu xét nghiệm thì cần đến đâu, thưa chuyên gia?

Kiều Thanh

Người dân nếu có dấu hiệu phát ban hoặc sốt nhẹ kèm theo ít nhất một trong số các triệu chứng như: đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt, cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán xác định bệnh, đặc biệt với phụ nữ đang mang thai.

Phụ nữ đang mang thai có chồng hoặc bạn tình xác định nhiễm vi rút Zika hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm vi rút Zika nên đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Qua thăm khám, trong trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika, cơ sở y tế sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Bộ Y tế nâng mức cảnh báo đối với Zika, cụ thể là đang thực hiện những biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh này?

Thanh Phương

Để chủ động phòng chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo tích cực tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện vi rút Zika, bao gồm:

Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo địa phương thực hiện công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 5.8.2016 Thủ tướng Chính phủ, công điện số 939/CĐ-BYT ngày 22.9.2016, công văn số 6606/BYT-DP ngày 5.9.2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết. Phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết” lần 2, trên phạm vi cả nước.

Tăng cường công tác giám sát bệnh nhân, giám sát đối với các phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghi ngờ để có các tư vấn và khuyến cáo kịp thời, điều tra ổ dịch bao gồm cả véc tơ truyền, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và lấy mẫu chẩn đoán xác định, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Đẩy mạnh việc thông tin tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hoang mang lo lắng, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới, trong nước và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; phổ biến các thông điệp hướng dẫn cho cộng đồng và riêng cho phụ nữ mang thai, người dự định có thai và tư vấn xét nghiệm khi cần thiết. Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hướng dẫn người dân về phòng chống dịch do vi rút Zika.

Tổ chức các đoàn công tác của Bộ Y tế do lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các Vụ/Cục/Viện làm trưởng đoàn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, hoặc có sự gia tăng bệnh dịch sốt xuất huyết.

Sẵn sàng các nguồn lực để phục vụ việc giám sát, xử lý ổ dịch và thu dung, điều trị bệnh nhân; sử dụng hiệu quả kinh phí phòng chống dịch từ các nguồn lực có sẵn, huy động các tổ chức trong nước, quốc tế; hướng dẫn sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cho việc thanh toán chi phí khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm vi rút Zika có thẻ bảo hiểm y tế.

Phối hợp chặt chẽ với WHO, US-CDC và các tổ chức quốc tế khác, để chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống và đề nghị hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm chẩn đoán xác định vi rút Zika tại nước ta.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Mới đây, ngành y tế cho biết, xét nghiệm muỗi ở Khánh Hòa có phát hiện muỗi mang vi rút Zika. Tại sao chỉ thực hiện xét nghiệm tại 1 địa phương này? Có nên mở rộng xét nghiệm để biết được mức độ của vi rút này tại Việt Nam hay không?

Thục Linh

Để đánh giá sự lưu hành của vi rút Zika, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, ngoài việc giám sát bệnh nhân và quần thể muỗi đã triển khai, từ đầu tháng 10 năm 2016, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường, mở rộng giám sát sự lưu hành của vi rút Zika trên quần thể muỗi; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong việc giám sát véc tơ, lấy mẫu muỗi để xét nghiệm vi rút Zika, đặc biệt tại các khu vực có trường hợp bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Để triển khai công tác phòng chống Zika, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika, theo hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do vi rút Zika ban hành kèm theo Quyết định số 3792/QĐ-BYT ngày 25.7.2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chú ý các trường hợp nghi ngờ tại các phòng khám bệnh ngoại trú, các trường hợp bệnh nhân nhẹ, không nghĩ đến mắc bệnh sốt xuất huyết; quản lý, theo dõi sức khỏe tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika tại cộng đồng.

Tổ chức thu thập tất cả các mẫu bệnh phẩm từ các trẻ sơ sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ và những người mẹ, để xét nghiệm xác định nhiễm vi rút Zika, đặc biệt từ các bệnh viện chuyên khoa sản, bệnh viện sản - nhi, bệnh viện nhi. Thực hiện việc lồng ghép các hoạt động giám sát bệnh do vi rút Zika, bệnh Chikungunya và bệnh sốt xuất huyết tại các điểm giám sát trọng điểm, để kịp thời xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, triển khai kịp thời việc xử lý ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thưa chuyên gia, có khi nào thai phụ nhiễm vi rút Zika nhưng không có biểu hiện bệnh? Nếu có thì nguy cơ như thế nào với bà mẹ và thai nhi?

Thu Hà, TP.Hồ Chí Minh

Có khoảng 60 - 80% người nhiễm vi rút Zika là không có biểu hiện bệnh, kể cả phụ nữ mang thai. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về khả năng nhiễm và biểu hiện bệnh vi rút Zika giữa người bình thường và phụ nữ mang thai.

Trên phụ nữ mang thai khi nhiễm vi rút Zika thì thời gian tồn tại của vi rút trong máu lâu hơn so với người khác. Nghiên cứu cho thấy trên phụ nữ mang thai không có biểu hiện lâm sàng vi rút trong máu có thể tồn tại đến 53 ngày kể từ lần phơi nhiễm. Còn với phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng thì vi rút tồn tại trong máu lên đến 62 ngày sau khi khởi phát. Khi có vi rút Zika trong máu ở phụ nữ mang thai thì đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh.

Do đó, cộng đồng cần vào cuộc diệt muỗi, lăng quăng nhằm cắt đứt đường lây truyền chủ yếu từ muỗi, giúp giảm số mắc Zika, cũng như sốt xuất huyết và làm giảm nguy cơ lây vi rút Zika sang phụ nữ dự định mang thai và đang mang thai.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế

Tôi có bầu được 2 tháng, làm thế nào để phòng tránh Zika vì nếu bôi thuốc xua muỗi tôi sợ gây độc cho con? Xin cảm ơn.

Ngọc An, Hà Nội

Bạn nên sử dụng các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên nhãn, cũng như hạn sử dụng.

Thuốc thoa ngoài da chống muỗi đối có tác dụng tạm thời, khi thuốc bay hết sẽ không còn tác dụng chống muỗi.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế

Xin cho biết, muỗi truyền Zika có hình dạng thế nào? Chúng thường khu trú ở đâu?

Một bạn đọc ở Nam Định

Muỗi truyền bệnh Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, những nơi tối, thường đậu, nghỉ ở dây mắc quần, áo, mùng; quần áo phơi trong nhà. Muỗi phát triển tối ưu ở điều kiện nhiệt độ là 25 o C - 30 o C và độ ẩm là 70% - 90%.

Muỗi đẻ trứng trong nước sạch. Một con muỗi cái trưởng thành trong vòng đời khoảng 1 tháng của muỗi, có thể đẻ được 850 trứng. Lăng quăng của muỗi vằn cũng sống trong nước sạch và phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ 25 o C - 28 o C. Các ổ chứa lăng quăng chủ yếu là:

- Dụng cụ chứa nước sinh hoạt: lu, khạp, hồ chứa nước.

- Các vật dụng linh tinh trong nhà: chân chén, bình bông, chậu kiểng.

- Vật phế thải xung quanh nhà: vỏ xe, lon nước ngọt, vỏ dừa, máng nước, chén hứng mủ cao su,….

Do vậy, để phòng ngừa được bệnh sốt xuất huyết và Zika, cộng đồng cần dành 10 phút hằng tuần để kiểm tra, phát hiện và loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà, ngoài nhà, và khu vực công cộng xung quanh. Công việc này cần được thực hiện kiên trì, trách nhiệm, thường xuyên vì muỗi vằn có quanh năm bên cạnh chúng ta.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế

Bệnh nhân nhiễm Vi rút Zika có thể cùng lúc nhiễm cả vi rút cúm không? Nếu xảy ra thì có làm cho bệnh nặng hơn không?

Tâm An

Trên thực tế, một người có thể cùng lúc nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm (vi rút, vi khuẩn, nấm) bao gồm cả vi rút cúm. Tuy vậy, đến nay chưa có trường hợp đồng nhiễm hai loại vi rút cúm và Zika được ghi nhận.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Bộ Y tế có lưu ý về các trường hợp nào dễ bị biến chứng nặng do vi rút Zika không? Nếu có, biến chứng đó là gì?

Mỵ Nương

Khoảng 60% - 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện như: phát ban dát sần, sốt (thường sốt nhẹ), viêm kết mạc mắt, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường nhẹ và kéo dài từ 2 - 7 ngày.

Từ trước năm 2007 không có vụ dịch vi rút Zika lớn nào được ghi nhận, hiểu biết về các biến chứng của bệnh này còn rất hạn chế. Trong thời gian dịch Zika đầu tiên diễn ra tại Polynesia thuộc Pháp vào năm 2013 - 2014, trùng với khoảng thời gian xảy ra dịch sốt xuất huyết, cơ quan y tế quốc gia này đã có báo cáo về sự gia tăng bất thường đối với hội chứng Guillain-Barré.

Hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh. Nó có thể do việc nhiễm một số loại vi rút và có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng chính bao gồm: yếu cơ và cảm giác kiến bò (tê và ngứa) ở tay và chân. Các biến chứng nặng có thể xảy ra nếu các cơ hô hấp bị ảnh hưởng, cần phải nhập viện. Hầu hết các trường hợp bị ảnh hưởng bởi hội chứng Guillain-Barré sẽ phục hồi, mặc dù một số người có thể tiếp tục trải qua các ảnh hưởng như suy yếu.

Chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1 - 10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ thai nghén, nên có thể tại Việt Nam sẽ có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do vi rút Zika (hiện Thái Lan cũng đã ghi nhận 2 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với vi rút Zika).

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Hiện nay các ca bệnh do Zika phát hiện rất rải rác, nếu số mắc tăng cao, rộng hơn thì chúng ta sẽ đối phó như thế nào?

Phượng Hồng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/giao-luu-truc-tuyen-ngan-chan-dich-benh-do-vi-rut-zika-759018.html