Giao lưu nhân dân Việt Nam-Ấn Độ: Triển vọng trong phát triển du lịch

Đó là tên buổi thông tin khoa học do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức vào ngày 18/3 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Diễn giả của buổi thông tin khoa học là Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nhiệm kỳ 2014-2018, hiện là giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao.

Đến tham dự sự kiện, về phía Ấn Độ có ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ; bà Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ.

Về phía Việt Nam, có Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ thành phố Hà Nội, các lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Viện Thông tin Khoa học, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Văn hóa và phát triển cùng nhiều giảng viên, sinh viên, học viên trong và ngoài hệ thống Học viện.

Đại sứ Tôn Sinh Thành giới thiệu cuốn “Cẩm nang du lịch Ấn Độ” do ông chủ biên. (Ảnh: Lan Anh)

Mở đầu buổi nói chuyện, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân trong thời điểm hiện nay bởi nó mang lại chiều sâu tính bền vững cho mối quan hệ của hai quốc gia. Đây là điều có thể nhận thấy được qua chủ trương ngoại giao toàn diện của Đại hội Đảng XIII cũng như kinh nghiệm thực tiễn lịch sử hai cuộc kháng chiến giành độc lập.

Đánh giá quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng hai nước đều có truyền thống quan hệ và ủng hộ nhau lâu đời, song trùng nhiều lợi ích chiến lược và đều có tiềm năng, vị thế trên trường quốc tế. Ngoài ra, độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước được thể hiện trong việc Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á-Thái Bình Dương mà Ấn Độ nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chỉ sau Nhật Bản.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những điểm nghẽn khiến quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực chưa phát huy hết tiềm năng. Từ trải nghiệm của hơn 8 năm công tác nhiệm kỳ tại đất nước sông Hằng, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng có hai thách thức lớn trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Thứ nhất, đó là khó khăn trong vấn đề kết nối giao thông giữa hai nước. Xuất phát từ lo ngại không có đủ lượng khách để duy trì đường bay của các hãng hàng không, dẫn tới việc không có chuyến bay thẳng phục vụ giao lưu nhân dân, thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, nhìn vào những tiềm năng của nhóm khách đến từ Ấn Độ và quá trình đàm phán giữa hai nước, năm 2018, giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có những cam kết đầu tiên về các chuyến bay thẳng và khai trương các đường bay thẳng từ năm 2019. Kết nối thông suốt như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ giao lưu với nhau nhiều hơn nữa.

Thứ hai, vấn đề đến từ khác biệt văn hóa. Từ thực tế đón tiếp khách du lịch Ấn Độ tại Việt Nam và phản hồi từ các hãng lữ hành, có thể thấy sự khác biệt rõ ràng văn hóa giữa hai nước. Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành nhận xét, tuy nhà nước Ấn Độ đã có nhiều nỗ lực để xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, nhưng tàn dư của hệ thống phân chia đẳng cấp ảnh hưởng lớn tới du lịch, do du khách Ấn Độ vẫn coi những người phục vụ dịch vụ nhà hàng, khách sạn là ở tầng lớp dưới.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, đây đơn thuần là những khác biệt văn hóa cần phải được hiểu đúng chứ không so sánh để đánh giá văn hóa nơi nào ưu việt hơn. Việc coi văn hóa của bản thân là tốt nhất sẽ dễ dẫn đến xu hướng vị chủng văn hóa, nhìn nhận, giải thích văn hóa nước khác bằng các tiêu chuẩn của văn hóa nước mình, sô vanh văn hóa, ảo tưởng về văn hóa nước mình và coi thường văn hóa nước khác. Nếu để điều này diễn ra có thể gây nên xung đột văn hóa, ảnh hưởng không nhỏ tới thỏa thuận, hợp tác và mối quan hệ giữa các quốc gia.

Để giải quyết những vấn đề liên quan tới văn hóa, Đại sứ cho rằng: “Cần phải nhìn nhận các nền văn hóa khác bằng chính các tiêu chuẩn của các nền văn hóa đó, phải hiểu được các điều kiện sinh ra nó, thì tốt nhất là hãy thích nghi với nó, thậm chí chấp nhận nó. Hơn nữa, cần phải khai thác chính sự khác biệt đó để tranh thủ đối tác, mở ra cơ hội hợp tác”.

Trong khuôn khổ buổi thông tin khoa học, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã giải đáp một số câu hỏi liên quan đến du lịch và văn hóa hai nước. Về xu hướng của người Việt khi đến Ấn Độ là du lịch tâm linh, Đại sứ cho rằng, Ấn Độ không chỉ có Đất Phật mà còn sở hữu nhiều địa điểm khác đáng để tham quan và chiêm ngưỡng.

Nhân đây, Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng giới thiệu và trao tặng cuốn “Cẩm nang du lịch Ấn Độ” do ông làm chủ biên cho thư viện Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Các đại biểu tại buổi thông tin khoa học. (Ảnh: Lan Anh)

Sau phần chia sẻ của Đại sứ Tôn Sinh Thành, bà Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ cho rằng giữa Việt Nam và Ấn Độ tuy có thể thấy nhau qua những phương tiện truyền thông, như hình ảnh, sách, báo, nhưng không thể đem lại những câu chuyện với nhiều giá trị đầy đủ phía sau. Vậy nên việc kết nối du lịch giữa hai quốc gia sẽ giúp nhân dân hai phía hiểu nhau hơn.

Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Subhash Gupta nhấn mạnh du lịch đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Nhà ngoại giao Ấn Độ nhắc lại mối quan hệ lâu đời, tương trợ lẫn nhau trong suốt thời gian khó khăn của hai quốc gia và những nét tương đồng trong văn hóa hai nước điển hình đó là lúa gạo và văn hóa trầu cau.

Ông cũng giải thích sự đa dạng trong các phong cách ẩm thực của Ấn Độ, đặc biệt là các quan điểm khác nhau về việc ăn chay. Thời gian tới đây, Ấn Độ sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa các chương trình quảng bá du lịch để tăng số lượng người Việt đến thăm Ấn Độ, hứa hẹn tương lai quan hệ giữa hai nước thêm lâu dài, bền chặt.

Ngân Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-luu-nhan-dan-viet-nam-an-do-trien-vong-trong-phat-trien-du-lich-264609.html