Giáo dục những phẩm chất cơ bản cho học sinh

Góp ý cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo tôi, chương trình cần giáo dục, rèn luyện cho học sinh những phẩm chất cơ bản như lòng trung thực, có lương tâm, bản lĩnh, cũng như năng lực tự học, sáng tạo, biết hợp tác.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải được chuẩn bị thật kỹ trước khi triển khai vì “dục tốc bất đạt”. Ảnh: THÀNH HOA

Học sinh mà trung thực thì vấn đề thi cử sẽ không còn nặng nề như bấy lâu với nhiều vòng giám sát, ra đường sẽ ít thấy hiện tượng học sinh vượt đèn đỏ... Học sinh có lương tâm thì sẽ có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, các em sẽ yêu thương, quý trọng con người, sự sống, đất nước và nhân loại. Người học sinh bản lĩnh sẽ là người tự chủ, không ỷ lại người khác, không ngại khó khăn, không nản chí khi thất bại, sẽ chăm chỉ học tập, lao động vì mục đích, lý tưởng của mình... Những lớp học sinh trung thực, lương tâm, bản lĩnh ngày hôm nay hứa hẹn sẽ là những lớp công dân trong sạch, uy tín, là nhà sáng nghiệp của mai sau.

Học sinh mà biết tự học thì vấn nạn dạy thêm - học thêm sẽ giảm mạnh và tiến tới dứt hẳn; tình trạng học vẹt, làm văn mẫu sẽ không còn; việc học sẽ thực chất và hiệu quả hơn rất nhiều. Học sinh biết sáng tạo thì sẽ không rập khuôn, đi theo lối mòn. Nền giáo dục muốn học sinh biết sáng tạo thì không áp đặt mà gợi mở cho các em tư duy phản biện và tìm kiếm những điều mới từ nền kiến thức cũ.

Năng lực hợp tác bao hàm cả giao tiếp, vì thông qua giao tiếp, sự hợp tác giải quyết vấn đề sẽ tốt hơn, sẽ làm được những chuyện ngoài khả năng của bản thân. Từ đó, học sinh có khả năng giải quyết nhiều vấn đề trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

Song song với các phẩm chất và năng lực cơ bản nêu trên, chương trình giáo dục phổ thông cần giúp học sinh có được năng lực nhận thức cuộc sống xung quanh từ nguồn tri thức tinh hoa của nhân loại (trong sách giáo khoa và đặc biệt từ Internet); năng lực giải quyết những vấn đề cơ bản trong cuộc sống của bản thân và gia đình; năng lực quản lý sức khỏe bản thân để có một thể chất và tinh thần tốt; năng lực xác định nghề nghiệp tương lai phù hợp với bản thân...

Từ các phẩm chất và năng lực mong muốn hình thành cho học sinh, các tiêu chí cụ thể hay chuẩn đầu ra tương ứng áp dụng cho từng cấp học cần phải được xác định và thể hiện như trong phần phụ lục của dự thảo. Hệ thống các chuẩn đầu ra này rất quan trọng, là cơ sở để hình thành nên các môn học, do vậy, cần được đầu tư viết kỹ hơn, tham vấn các bên liên quan, có tính đến mức độ khả thi và đánh giá được.

Thời lượng học tập của học sinh cần được nghiên cứu bố trí phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Học sinh cấp 1 cần được học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi để thể chất và tinh thần các em phát triển hài hòa, do vậy, chỉ nên bố trí học ở trường 1 buổi/ngày, không quá 5 ngày/tuần. Học sinh cấp 2, 3 cũng tương tự nhưng buổi kia trong ngày là thời gian tự học dưới sự hướng dẫn, đánh giá của thầy cô.

Việc chuyển mô hình giáo dục từ hướng tiếp cận nội dung sang hướng phát triển phẩm chất và năng lực là một sự thay đổi rất lớn về tư duy, có thể xem như một cuộc cách mạng trong giáo dục. Một thời gian dài, việc tích lũy kiến thức là tất yếu trong hầu hết các nền giáo dục trên thế giới. Nay kiến thức tăng nhanh như vũ bão, đồng thời công nghệ thông tin phát triển, máy tính và Internet làm thay chức năng ghi nhớ cho bộ não người thì việc cần hơn của giáo dục là phát triển năng lực sử dụng kiến thức, rèn kỹ năng cho người học!

Và như vậy, việc giáo dục học sinh cách học, biết tự học là quan trọng và khéo chọn nhất, vì từ đó học sinh sẽ có khả năng tiếp cận và chiếm lĩnh những tri thức nhân loại mà các em quan tâm. Điều này cũng có nghĩa cần loại trừ giáo dục bằng cách “nhồi nhét” kiến thức cho học sinh như bấy lâu. Với việc thay đổi tư duy như vậy, những người có trách nhiệm sẽ có cơ sở để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hài hòa, không quá tải đối với học sinh.

Theo tôi, chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải được chuẩn bị thật kỹ trước khi triển khai vì “dục tốc bất đạt”, nhất là trong vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160169/giao-duc-nhung-pham-chat-co-ban-cho-hoc-sinh.html/