Giáo dục nhân cách, đạo đức để ngăn chặn bạo lực

GD&TĐ - Thời gian gần đây, bạo lực dường như có chiều hướng lây lan trong xã hội. Chưa khi nào lại xảy ra nhiều vụ trọng án thảm sát tàn bạo, mất tính người như những vụ án vừa qua.

Thông tin về các vụ thảm sát ở Bình Dương, Nghệ An và Yên Bái chưa kịp lắng dịu thì thông tin về vụ án 4 bà cháu bị giết ở Quảng Ninh lại tiếp tục lan tỏa trên báo chí và các trang mạng xã hội, khiến dư luận xã hội vô cùng hoang mang, phẫn nộ.

Cho đến nay đã có rất nhiều ý kiến được nêu ra để lý giải sự gia tăng các hành vi bạo lực. Tất nhiên, những nguyên nhân được đưa ra có khác nhau tùy theo từng bối cảnh và vụ việc, nhưng có thể thấy sự gia tăng những vụ thảm án là một điều đáng lo ngại, phản ánh sự tàn nhẫn trong các mối quan hệ xã hội giữa con người với con người. Đáng lo ngại hơn bởi số vụ phạm tội trong những người trẻ tuổi đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng trên diện rộng, có xu hướng trẻ hóa.

Hiện tượng này là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của những đối tượng phạm tội. Chúng hành động theo sự thúc đẩy vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội, cho chính bản thân cũng như gia đình và người thân của mình. Đây cũng là dấu hiệu báo động về việc giá trị đạo đức và nhân cách của một bộ phận giới trẻ đã bị xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến tội phạm.

Chính vì thế để “nâng cao sức đề kháng cho xã hội”, ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ bạo lực khỏi cuộc sống, chúng ta cần áp dụng nhiều giải pháp trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cần bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ.

Ngoài ra, vai trò giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội rất quan trọng. Nhất là việc giáo dục đạo đức, nhân cách, của mỗi gia đình. Bởi ở lứa tuổi thanh niên thường có nhiều mối quan hệ phức tạp, có sức khỏe mạnh mẽ, có khát vọng, hoài bão, song lại thiếu kinh nghiệm, thiếu khả năng làm chủ, tâm lý còn xốc nổi, liều lĩnh, tùy tiện.

Do đó ở lứa tuổi này, các gia đình phải thường xuyên quan tâm, vì dù đã bước vào tuổi trưởng thành nhưng vẫn cần được sự uốn nắn điều chỉnh từ cha mẹ, vẫn cần có sự động viên, khuyên bảo, nhắc nhở hàng ngày, nếu không sẽ dễ dẫn đến các hành vi tùy tiện và vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, trong gia đình cha mẹ phải thực sự là tấm gương cho con học tập. Tất cả lời nói và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Nếu cha mẹ thường xuyên sống tình nghĩa, yêu thương con cái và cả những người xung quanh, thì con cũng từ đó mà thẩm thấu trong suy nghĩ và hành động. Nếu như cha mẹ thường xuyên xung đột, thì con cái sau này lớn lên cũng bộc lộ khuynh hướng xung đột. Hình ảnh xung đột giữa cha và mẹ bao giờ cũng để lại vết hằn trong tâm trí của trẻ, khi gặp điều kiện thì mầm mống đó sẽ có cơ hội bộc phát.

Bên cạnh đó, nhà trường và các địa phương cần tăng cường giáo dục pháp luật, hình thành kỹ năng sống. Đã có nhiều vụ án xảy ra ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu am hiểu pháp luật và thiếu kỹ năng sống. Cần lựa chọn những kiến thức luật đáp ứng yêu cầu cơ bản, cụ thể, dễ hiểu phù hợp với trình độ nhận thức của các đối tượng, đừng quá mang nặng tính hình thức, lý thuyết.

Các tổ chức như đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phải thực sự nắm bắt tâm lý, tư tưởng của quần chúng nhân dân; thường xuyên tổ chức các cuộc nói chuyện, hướng dẫn kỹ năng sống thiết thực, gần gũi qua các tình huống giả định cho các đối tượng nhất là thanh niên nông thôn.

Ngoài ra cũng cần khắc phục tình trạng buông lỏng, thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật ở một số địa phương khiến một số thanh thiếu niên tỏ ra liều lĩnh, coi thường pháp luật; chú trọng việc cảm hóa, xử lý những thanh niên hay quấy rối trật tự công cộng, chửi bới, đánh đập người khác.

Nhất là cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, để có những nhận thức, hành vi trong ứng xử đúng đắn, từ đó đề cao truyền thống nhân ái, yêu thương nhau giữa con người với con người - một truyền thống quý báu của người Việt Nam.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/giao-duc-nhan-cach-dao-duc-de-ngan-chan-bao-luc-2392706-b.html