Giáo dục nghề nghiệp: Những bước chuyển từ 'chất' Kỳ cuối: Tạo đà chuyển mình mạnh mẽ

Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về đào tạo và dạy nghề là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Thời gian qua, Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh đã có nhiều thay đổi trong công tác tuyển sinh, đào tạo, nhất là từ khi triển khai Nghị quyết số 09. Ông Nguyễn Xuân Tạo - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, tạo lập những video ngắn để tuyên truyền bằng nhiều hình thức về lợi ích của học nghề; đồng thời lập các tổ thường xuyên đến các trường THCS, THPT để tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp. Vì vậy, trường tuyển sinh đào tạo năm học 2022 - 2023 được 342 học sinh và năm học 2023 - 2024 được 344 học sinh, vượt chỉ tiêu được giao”.

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang còn tích cực tham gia các gian hàng trong những hoạt động của tỉnh, tổ chức các cuộc thi kỹ năng nghề… để quảng bá hình ảnh nhà trường. Ông Nguyễn Doãn Thành - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường nhận định, gắn kết với doanh nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đầu ra, đáp ứng ngay vị trí việc làm, doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Tại trường, các doanh nghiệp tham gia từ quá trình xây dựng, điều chỉnh, cập nhật bổ sung chương trình, cùng với nhà trường đánh giá kết quả thực hành, thực tập của sinh viên, ghi nhận phản hồi để có những thay đổi phù hợp. Để thu hút sinh viên, bên cạnh việc các trường nỗ lực khẳng định thương hiệu của mình, các cấp, ngành cần đổi mới hơn nữa trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Còn theo ông Mạc Tiến Hưng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và định hướng phát triển của tỉnh là nhiệm vụ xuyên suốt của trường. Do đó, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, không ngừng đổi mới công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, trường sẽ mở thêm các nhóm nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là ở Khu Kinh tế Vân Phong để học sinh được tiếp cận công nghệ, trực tiếp thực hành, vận hành máy móc, quy trình sản xuất; đồng thời liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng ngành nghề cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng thêm 13 giáo viên; tạo điều kiện, cử các nhà giáo đi học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; mời gọi các kỹ sư, chuyên gia đầu ngành trong các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, biên soạn giáo án, xét thi tốt nghiệp.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra các thiết bị đào tạo thực hành của Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nội dung về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đảng bộ, chi bộ của các trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo tại đơn vị, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Thực hiện Chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, thời gian qua, ngân sách Trung ương đã bố trí mua sắm thiết bị đào tạo và sửa chữa nhà xưởng cho 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 95 tỷ đồng. Qua đó, từ tháng 1 đến tháng 6-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 15.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,2%. Trong tháng 7, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp khảo sát nắm tình hình và giải quyết những vướng mắc trong thủ tục, mặt bằng để chuẩn bị khởi công Dự án xây mới Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh, với tổng nguồn vốn gần 80 tỷ đồng; triển khai xây dựng, sửa chữa Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh,với tổng vốn hơn 20 tỷ đồng.

Đào tạo nghề công nghệ ô tô từ hoạt động liên kết, chuyển giao của Đức tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang.

Theo ông Tạ Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về đào tạo và dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Đảng ủy sở và cấp ủy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quán triệt những nhiệm vụ then chốt đến toàn bộ đảng viên, cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ tổ chức lại các trường trung cấp công lập để hình thành các trường cao đẳng đa ngành ở các vùng kinh tế động lực của tỉnh, chỉ giữ lại các trường trung cấp dân tộc nội trú ở 2 huyện miền núi. Bên cạnh đó, tiến tới thực hiện tự chủ hoàn toàn các trường cao đẳng và trung cấp (trừ các trường trung cấp dân tộc nội trú). Mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố, trong đó các huyện đồng bằng đều có trường hoặc cơ sở đào tạo của trường cao đẳng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường cao đẳng, trung cấp công lập đạt chuẩn theo quy định; bổ sung trang thiết bị đào tạo các nghề mũi nhọn phục vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn vay ưu đãi ODA…

Để thực hiện mục tiêu đó, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề; xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp song hành với học văn hóa chương trình THPT. Bên cạnh đó, chuyển cơ chế cấp kinh phí theo dự toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo; xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút, tuyển dụng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề cao; xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động. Song song đó, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo nguồn nhân lực của địa phương và cả nước để xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh liên kết giữa gia đình - nhà trường - doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp…

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh sẽ được đầu tư phát triển toàn diện.

Ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Giáo dục nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới toàn diện, lấy chất lượng, hiệu quả là hàng đầu. Từ nay đến cuối năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, thuê đơn vị tư vấn xây dựng Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Đề án phải có lộ trình, giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp sát với thực tế, đồng bộ với giáo dục phổ thông và phù hợp với hiện trạng, nhu cầu lao động của tỉnh; chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở, trang thiết bị thực hành hiện đại.

VĂN GIANG - HOÀNG NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202308/giao-duc-nghe-nghiepnhung-buoc-chuyen-tu-chat-ky-cuoi-tao-da-chuyen-minh-manh-me-32268a7/