Giáo dục nghề nghiệp: Những bước chuyển từ 'chất' Kỳ 2: Còn vướng nhiều rào cản

Thực tế, nhu cầu xã hội đối với lao động có tay nghề ngày càng cao, những lợi thế của học nghề đã được khẳng định. Song tỷ lệ theo học nghề vẫn còn rất thấp so với mục tiêu đề ra, trong khi nhiều doanh nghiệp luôn “khát” lao động qua đào tạo.

Doanh nghiệp “khát” lao động qua đào tạo

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (bìa trái) kiểm tra giáo trình đào tạo của Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh.

Những năm gần đây, Khánh Hòa có tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng cao của cả nước, kéo theo số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng từng năm; công nghệ, kỹ thuật có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm, tay nghề, bằng cấp luôn ở mức cao. Lãnh đạo Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam cho biết, mặc dù đơn vị đã liên kết với Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa và Trung cấp Nghề Vạn Ninh và một số trường khác trong tỉnh để đào tạo lao động cho đơn vị song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Có thời điểm, đơn vị đã tuyển cả lao động phổ thông để đưa sang Hàn Quốc đào tạo, hoặc tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sản xuất.

Ông Đinh Văn Thiệu kiểm tra mô hình, thiết bị đào tạo tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa.

Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Những năm qua, nhờ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chỉ tính từ ngày 1-1 đến 30-6, toàn tỉnh có 964 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đồng thời, mỗi quý, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 8.900 lao động, trong đó ưu tiên tuyển dụng lao động có bằng cấp, trình độ đã qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, nguồn cung lao động có tay nghề, bằng cấp hiện nay chưa đáp ứng đủ. Dự báo thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong”.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Có thể nói, hầu hết lao động đã qua đào tạo đều được các doanh nghiệp săn đón, trọng dụng và ưu tiên tạo việc làm. Điều này đã được minh chứng qua những năm dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn lao động có trình độ, bằng cấp, lành nghề đều được doanh nghiệp giữ lại và duy trì việc làm, còn lao động phổ thông đều phải cắt giảm hoặc cho nghỉ chờ việc. Tuy nhiên, số lao động có tay nghề vẫn còn rất thấp. Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 11.100 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số đó chỉ có 4,5% lao động đã qua đào tạo nghề. Từ đầu năm 2023 đến nay, trong số hơn 5.400 trường hợp đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ có khoảng 1.000 lao động đã qua đào tạo nghề…

Còn nhiều khó khăn

Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Vạn Ninh vào năm 2009. Từ đó đến nay, trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Các thiết bị đào tạo cũng được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Thế nhưng, việc đầu tư trang thiết bị vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, hạn chế. Nhiều máy móc, thiết bị đào tạo qua thời gian sử dụng bị lỗi thời, cũ kỹ, không còn phù hợp với sự phát triển về khoa học - kỹ thuật hiện nay. Chẳng hạn, tại Khoa Kỹ thuật - Công nghiệp của trường, có nhiều máy tiện kim loại đầu tư trước năm 2007 đến nay đã lỗi thời, các doanh nghiệp không còn sử dụng loại máy này trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng vì thiếu thiết bị đào tạo nên trường vẫn giữ lại để dạy cho học sinh về cấu tạo và không còn vận hành được nữa. Còn tại phòng học thực hành kỹ thuật điện lạnh, một số thiết bị máy điều hòa lạc hậu đã mua sắm từ trước năm 2007. Hiện nay, trên thị trường không còn mua bán, sử dụng, sửa chữa những loại máy này nhưng do thiếu thiết bị đào tạo nên nhà trường vẫn tận dụng để giảng dạy cho học sinh. Ông Lê Viên Ngọc Bàng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trung Trung cấp Nghề Vạn Ninh cho biết: “Hiện nay, thiết bị đào tạo các môn nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn... không thuộc nghề trọng điểm nên nhà trường phải tự mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư chỉ mang tính nhỏ lẻ, đơn giản, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo”.

Những chiếc máy tiện kim loại phục vụ đào tạo tại Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh đã cũ kỹ, lỗi thời.

Đó cũng là thực trạng chung ở hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Kiều Xuân Khiêm - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, nhà trường đào tạo 7 nghề trình độ trung cấp, 15 nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Thế nhưng, cơ sở vật chất xuống cấp, nhà xưởng hư hỏng nặng; máy móc, thiết bị đầu tư từ năm 2006 đến nay đã cũ, lỗi thời, hư hỏng và thiếu rất nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Cùng với đó, nhận thức của một số gia đình, học sinh còn hạn chế dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình, mặc dù nhà trường đã sử dụng mọi biện pháp để giữ chân các em ở lại học tập”. Còn ông Nguyễn Xuân Tạo - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh chia sẻ: “Ngoài thiết bị đào tạo lạc hậu, thiếu thốn, nhiều năm nay trường vẫn phải hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù cơ sở mới đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư đã lâu song đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo của trường”.

Trong khi cơ sở vật chất xuống cấp, những khó khăn về nguồn lực con người cũng đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của các trường nghề. Do công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, định biên viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tăng. Trong khi đó, số lượng tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tăng hàng năm, cơ cấu ngành nghề đào tạo thay đổi thường xuyên để phù hợp với thị trường lao động đã gây khó khăn trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Đồng thời, công tác bồi dưỡng nhà giáo còn phụ thuộc chủ yếu từ các chương trình của tỉnh và dự án của Trung ương, trong khi lộ trình thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách còn thấp…

Thiết bị dạy điện lạnh đầu tư trước năm 2007, không còn sử dụng trên thị trường vẫn được Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh tận dụng để đào tạo.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm đầu thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp ở địa bàn có điều kiện thuận lợi chỉ 9%, còn ở địa bàn khó khăn là 25%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng từ 24 đến 29%. Với kết quả này, việc đạt mục tiêu của đề án (đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng) sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Doãn Thành - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, tâm lý khoa cử và việc coi trọng tấm bằng đại học vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người. Trong khi đó, cánh cửa vào đại học ngày càng rộng mở, nhiều em chỉ cần xét học bạ là đã trúng tuyển, nếu không được mới nghĩ đến việc xét tiếp cao đẳng, học nghề.

Những khó khăn trên xuất phát từ nhiều phía, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, nhất là triển khai đồng bộ, quyết liệt những giải pháp đổi mới, phát triển toàn diện công tác dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

VĂN GIANG - HOÀNG NGÂN

Kỳ 1: Chạm đến thành công
Kỳ cuối: Tạo đà chuyển mình mạnh mẽ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202308/ky-2-con-vuong-nhieu-rao-can-41e4356/