Giáo dục khai phóng, làn sóng mới với giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Mô hình giáo dục khai phóng (liberal arts education) có xuất phát điểm từ Hy Lạp nhưng hiện nay lại phát triển thịnh vượng nhất ở Hoa Kỳ. Nền giáo dục khai phóng không hẳn là phù hợp với mọi đối tượng người học nhưng ít ra sẽ cho người học thêm sự lựa chọn. Và sự lựa chọn ấy đang được chứng minh có thể tạo ra hiệu quả khá ấn tượng so với mô hình giáo dục truyền thống.

Giáo dục khai phóng là gì?

Giáo dục khai phóng thực chất là quan điểm theo đuổi mô hình giáo dục đề cao tính tranh biện giữa người dạy và người học. Mô hình giáo dục khai phóng hiện đã “phủ sóng” ở rất nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên… Tuy nhiên, nếu như giáo dục truyền thống hướng đến việc đào tạo cho người học một ngành nghề cụ thể - như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… thì mô hình giáo dục khai phóng chỉ cung cấp cho người học những kỹ năng về cách thức tư duy, phân tích, phản biện và triển khai vấn đề trong thực tế.

Theo TS Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng trường ĐH Fulbright Việt Nam, giáo dục khai phóng có thể tránh cho học sinh phải đưa ra quyết định nghề nghiệp cụ thể ngay từ khi mới vào đời, tức người học có một vài năm đầu tiên để tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác nhau – những thứ mà nhiều khi học sinh chưa được tiếp xúc khi còn ở bậc phổ thông, cho đến khi người học có thể tự phát hiện ra năng khiếu, sự say mê và sự khao khát thực sự cho nghề nghiệp tương lai của mình. Còn cách nói ví von của TS Trần Xuân Thảo từ ĐH Văn Lang cho rằng “nếu cứ chú trọng dạy cho người ta một nghề cụ thể nào đó thì cả xã hội đều chỉ là những trường dạy nghề!”.

Tất nhiên, trong bối cảnh môi trường công việc ngày càng cạnh tranh và áp lực không nhỏ của đời sống kinh tế thì sự theo đuổi giáo dục khai phóng là không dễ dàng với nhiều người học. Chính vì lẽ ấy mà mô hình giáo dục khai phóng được nhiều học giả cho là đã bước qua thời điểm ở “đỉnh vinh quang” trong lòng nền giáo dục Hoa Kỳ. Thế nhưng, ở nhiều nền văn hóa phương Đông với hàng nghìn năm chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, cùng rất nhiều quan niệm về thứ bậc, tôn ti trật tự, giáo dục khai phóng lại bắt đầu được chào đón ngày càng nồng nhiệt.

Nếu như ĐH Tổng hợp Tokyo kiên trì mô hình này suốt mấy chục năm qua thì Singapore - quốc gia rất đáng tự hào về điểm số PISA, đến năm 2011 cũng đã quyết định đưa giáo dục khai phóng quay lại bằng cách lập hẳn một trường đại học theo đuổi mô hình này. Tương tự, giáo dục khai phóng cũng dần xuất hiện ở Ấn Độ, Việt Nam và nhiều nền giáo dục khác ở Châu Á dưới những hình thức khác nhau.

Giáo dục khai phóng cần sự vận dụng đúng đắn

Thực tế, giáo dục khai phóng đã được áp dụng ở Việt Nam từ lâu. Và mô hình giáo dục đại cương ở các trường đại học trong nước chính là một thể hiện của hình thức này. Dù vậy, theo TS Trần Xuân Thảo thì giáo dục đại cương tại Việt Nam chưa du nhập được “phần hồn” của quan điểm giáo dục khai phóng. Các lớp học ở những môn đại cương lên tới cả trăm người tham gia cùng lúc. Trong khi mô hình giáo dục khai phóng đòi hỏi sự tương tác cao và liên tục giữa người dạy – người học, tức lớp học không thể có quá nhiều người như vậy.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu quốc hội khóa XIV, giáo dục khai phóng đang rất cần cho Việt Nam để có những thế hệ nhân lực giàu khả năng tư duy, nghiên cứu, phản biện, điều hành… Tuy nhiên, ở nhiều ngành nghề, quan điểm giáo dục truyền thống lại có thể cực kỳ hữu ích với những ngành nghề ưu tiên cho sự kỷ luật, khuôn mẫu và chuẩn xác. Do đó, khi khuyến khích giáo dục khai phóng cũng rất cần sự thận trọng để đạt được cân bằng và ổn định xã hội, làm sao để những phân tích, phản biện và quyết định riêng của một cá thể không ảnh hưởng tiêu cực lên cộng đồng chung.

Nhà giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh thì tin rằng “làn gió mới” có tên Fulbright Việt Nam với thế mạnh về giáo dục khai phóng nên chăng cần đứng ra nhận lấy sứ mệnh kêu gọi nhiều cơ sở giáo dục cùng tham gia, tạo tính lan tỏa cho mô hình giáo dục này tại Việt Nam, không chỉ ở bậc đại học mà cả ở các cấp phổ thông.

Giáo dục khai phóng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Vậy trong thế giới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với rất nhiều sản phẩm cụ thể thì giáo dục khai phóng liệu có còn chỗ đứng khi không đào tạo chuyên sâu bất cứ ngành nghề cụ thể nào? Câu trả lời cũng nằm ngay chính tại Hoa Kỳ, với khảo sát cho thấy số trường đi theo mô hình giáo dục khai phóng chỉ là 230 trên tổng số 4.500 trường đại học. Còn số lượng sinh viên đào tạo được chỉ tương đương 3% tổng số sinh viên tại Mỹ. Tuy nhiên, có đến 20% số tổng thống Mỹ từng học tập từ các trường giáo dục khai phóng; 20% số người đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá cũng đến từ nhóm trường trên. Và cũng có 20% sinh viên thành công đến từ các trường đại học đi theo mô hình khai phóng. Trong đó, có tên tuổi của các nhà điều hành và sáng lập ra Walt Disney, Youtube, Facebook… Cha đẻ của Apple - Steve Jobs chính là sản phẩm thành công điển hình của nền giáo dục khai phóng. Nhà sáng lập của đế chế công nghệ ấy thậm chí từng nói “công nghệ mà không kết hôn với giáo dục khai phóng thì công nghệ đó không bao giờ chạm đến trái tim người tiêu dùng”.

Tất nhiên, giáo dục khai phóng không phải là cây đũa thần để cải tổ quan điểm giáo dục chỉ có “thầy nói – trò nghe” theo lối rập khuôn. Bởi mỗi con người là một cá thể duy nhất và khác biệt. Vì vậy, có thể giáo dục khai phóng phù hợp với người này nhưng lại không hiệu quả với người khác. Do đó, giáo dục khai phóng có lẽ nên được khuyến khích nhằm đa dạng hóa mô hình giáo dục, thay vì chỉ hiểu đơn giản là để phủ nhận hay từ bỏ các quan điểm giáo dục truyền thống.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-khai-phong-lan-song-moi-voi-giao-duc-viet-nam-3638134-l.html