Giáo dục Giáo dục Trường học, nơi người dân an tâm trú bão

Thay vì mở cửa đón học sinh, nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh sẵn sàng đón người dân tới tránh bão. Các trường học đã chu đáo trong việc tổ chức sinh hoạt ăn, ở, vệ sinh cho người dân địa phương.

Tối 27/9, Huế bắt đầu có mưa to và những đợt gió rít mạnh, tôi nhận được hàng loạt ảnh về cảnh đón người dân đến trú bão mà ở các trường gửi về.

Nhiều trường mầm non, tiểu học khá khang trang và đẹp mắt, đèn điện sáng choang, mỗi phòng được bố trí những chiếc bàn đâu lại với nhau có chăn, gối hẳn hoi và từng tấm thảm trải sẵn dưới nền nhà sạch bóng. Thứ tự ưu tiên cũng có trong các phòng khi dành cho người già và em nhỏ, nơi đặt lưng dễ chịu nhất trong đêm bão đầu tiên.

Trường mầm non Phú Hồ, (Phú Vang), nơi dành cho nhiều phụ nữ có con nhỏ tránh bão

Trong các bức ảnh thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Tiến, Trần Tiến Quốc gửi về là hình ảnh một em bé mới 14 ngày tuổi, hối hả được bế đi trong đêm. Thầy Quốc kể, mẹ em là phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn trong xã nên đây cũng là đối tượng được quan tâm. Hai mẹ con có giấc ngủ xa nhà bình yên khi được bố trí ở phòng kín gió và thuận tiện nhất.

Rất nhiều hình ảnh khác nữa khi có những người khuyết tật, già cả neo đơn cũng đã được đưa đến các trường học tránh bão. Nhưng tôi vẫn thích hình ảnh nhiều em bé đem theo những thùng mì tôm rất to nhưng khi mở ra thì toàn sách, vở. Các trường đã bố trí cho các em để đồ dùng học tập ở các tủ của lớp để những cô cậu học trò yên tâm. Hy vọng sẽ không gặp lại hình ảnh học sinh ràn rụa nước mắt khi sách vở ngập chìm trong đống bùn non như ở trận lụt lịch sử 1999.

Huyện Phú Vang là địa phương có nhiều trường (14 trường) học từ bậc mầm non đến THCS được trưng dụng để đón người dân đến tránh bão. Bởi, đây có đến 45/55 trường (tỷ lệ trên 81%) đạt chuẩn quốc gia. Với cơ sở vật chất khang trang, các phòng học, nhà vệ sinh đều đảm bảo các tiêu chí chống bão và chống dịch. Ngay khi biết thông tin mở cửa đón dân, nhiều trường đã chủ động chuẩn bị các phòng ở tầng trệt, phòng nhân viên, phòng y tế để người dân thuận tiện ở lại.

Lãnh đạo huyện Phú Vang đến thăm hỏi người dân trú tại Trường tiểu học Phú Xuân 2

Theo ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, các vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết, như chiếu, chăn màn, mì gói, nước uống đóng chai... cũng được nhiều trường chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, bữa ăn của người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ 100%, riêng các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, nơi ăn, ngủ và nhất là chú ý đến khâu vệ sinh trong trường học tránh dịch bệnh lây lan.

Đi trú bão ở những ngôi trường cao tầng, kiên cố hóa người dân thực sự yên tâm. Nhớ những ngày trước, khi những cơn bão có tính cấp giật mạnh, nhà tôi ở gần trường tiểu học nên chứng kiến cảnh người dân đến trường học để trú ẩn. Lúc ấy, người ta xô lấn, chen chúc nhau vì thực ra cơ sở vật chất của trường học nhếch nhác và xuống cấp. Có được nơi ngồi đã khó, nói chi đến chuyện ngả lưng... Thế nên, nhiều người không chủ động khi đi tránh bão mà đã có lúc chính quyền phải đến cưỡng chế.

Từ câu chuyện trú bão số 4, tôi nhận ra nhiều ngôi trường mới đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn từ ngân sách Nhà nước cùng nhiều nguồn kinh phí xã hội hóa. Toàn tỉnh có 2.411 phòng học, trong đó, phòng học kiên cố là 1.895 phòng, tỷ lệ 78,6%. Ấy là nhờ vào chương trình kiên cố hóa trường học, các trường đạt chuẩn quốc gia. Tất nhiên, điều này thuận tiện hơn khi các em học chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng cũng thiết thực không kém khi là nơi để phụ huynh đến trú ẩn vào mùa mưa bão.

Bài: Huế Thu; Ảnh: Các trường cung cấp

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/truong-hoc-noi-nguoi-dan-an-tam-tru-bao-a118158.html