Giáo dục cần nhân tài để cải cách toàn diện

Ngoài triết lý 'giáo dục phải tạo ra con người biết làm việc hiệu quả và biết sống có nhân cách' thì còn cần một đội ngũ thực sự có tài và tâm huyết để hoạch định và thực thi các chiến lược 'trăm năm trồng người' đã được Đảng và Nhà nước vạch ra.

Những tuyên bố chính trị về “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” với phương châm coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được phát đi từ Đại hội XI của Đảng.

Những gì đang diễn ra trong giáo dục hiện nay, ngoài những thành tựu thì có thể coi là những “dư địa” để giáo dục tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện.

Những vị giáo sư, tiến sĩ “thất thập cổ lai hy” có mặt tại hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý về chương trình, sách giáo khoa phổ thônghôm 2-8 đã đề cập đến hàng loạt “điểm nóng” của giáo dục. Sách giáo khoa, chương trình phổ thông, đội ngũ nhà giáo, chính sách tiền lương, chế độ thi cử áp lực… đều được mổ xẻ để góp ý với mong muốn giáo dục thực hiện sứ mệnh “trăm năm trồng người”.

Vì là “trăm năm trồng người” nên giáo dục cũng có những yếu tố khác các lĩnh vực mà ở đó việc “đứng trên vai người khổng lồ” có thể giúp rút ngắn thời gian hội nhập, phát triển. Đương nhiên lịch sử đã từng chứng kiến những quốc gia bên cạnh ta đã “nhập khẩu” chương trình giáo dục của một nước phát triển và thực thi, áp dụng; để rồi đúng 20 năm sau quốc gia đó vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của thế giới.

Ở Việt Nam, Đại hội XIII cách đây mấy năm đã xác định những nội dung quan trọng về giáo dục.

Đó là “chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Và “đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

Những định hướng đúng đắn, bao trùm trên đây thực ra luôn có những khó khăn khi triển khai trong một nền kinh tế đang phát triển. Lời giải cho bài toán quan trọng của giáo dục, ngoài triết lý “giáo dục phải tạo ra con người biết làm việc hiệu quả và biết sống có nhân cách” thì còn cần một đội ngũ thực sự có tài và tâm huyết. Chính họ sẽ hoạch định và thực thi các chiến lược theo định hướng tốt lành đã được vạch ra.

Thủ tướng mới đây đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Có lẽ chiến lược này phải áp dụng ngay trong giáo dục. Bởi như TS Võ Đại Lược, người từng làm cố vấn, tham mưu cho nhiều đời Tổng Bí thư, Thủ tướng, đã nói với Pháp Luật TP.HCM: “Chỉ có nhân tài mới sản sinh ra được thể chế tốt, cơ chế kiểm soát tốt và cơ chế thực thi tốt”.

Khi đã xác định được gốc rễ vấn đề như vậy thì còn lo gì sự nghiệp “trăm năm trồng người” sẽ không đạt kết quả như Đảng đã vạch ra.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-duc-can-nhan-tai-de-cai-cach-toan-dien-post745148.html