"Giao dịch vô hiệu, ngân hàng không có căn cứ phát mại tài sản"

(Nguoiduatin.vn) - Hiện nay ngày càng nhiều người dân bị các đối tượng cò mồi đưa vào bẫy nhượng quyền sử dụng đất cho chúng, để chúng đứng ra vay hộ tiền ngân hàng khiến nhiều gia đình đứng trước nguy cơ bị mất nhà.

Để tìm hiểu rõ hơn những trò ảo thuật tinh vi này, PV đã có cuộc trao đổi với thượng tá Xuân Hùng (Văn phòng Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội) về vấn đề này.

Thưa ông, thời gan gần đây liên tục nhiều gia đình bị các đối tượng lừa ủy quyền sử dụng sổ đỏ, để đem thế chấp ngân hàng, khiến họ rơi vào cảnh điêu đứng. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng?

Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là cơ chế thị trường mở ra, việc ủy quyền cầm cố tài sản được nhà nước cho phép. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp và hộ gia đình là rất lớn, ngân hàng không đáp ứng được hết. Nếu làm đúng chính sách thì cán bộ ngân hàng không được hưởng tiền lót tay, vì vậy một số cán bộ biến chất sẽ tìm cách gây khó khăn, cản trở cho việc tiếp cận nguồn vốn.

Thượng tá Xuân Hùng

Khó tiếp cận nguồn vốn một cách hợp pháp thì nhiều người chọn cách thông qua đám cò mồi. Lúc này cò mồi sẽ ép người muốn vay vốn phải ủy quyền cho chúng việc quản lý, định đoạt tài sản thế chấp. Trong đó, điển hình nhất là ủy quyền cầm cố, chuyển nhượng sổ đỏ.

Khi đã có sổ đỏ trong tay, cò mồi thông qua quan hệ không minh bạch với một số cán bộ tín dụng của các ngân hàng để thế chấp tài sản của người khác để vay tiền. Người chủ sở hữu sổ đỏ thực sự thì họ chỉ có nhu cầu vay vốn với số lượng tiền vừa phải thôi, nhưng đám cò mồi lại lợi dụng giấy tờ để vay một khoản tiền lớn hơn rất nhiều lần. Như vậy, số chênh lệch còn lại là rất lớn, chúng sẽ chiếm đoạt số này và đẩy trách nhiệm thanh toán cho chủ tài sản với ngân hàng.

Nói như vậy thì lỗi là do bên nào?

Về lỗi có cả từ phía những người chủ tài sản, nhẹ dạ cả tin. Tài sản của mình lại ủy quyền cho người khác định đoạt. Nhận thức pháp luật của những bị hại hầu hết hạn chế, đặc biệt là những bà con ở vùng nông thôn, ngoại thành hoặc những người nghèo ở thành thị. Khi thế chấp ruộng vườn nhà cửa, họ không lường được hậu quả sau này có thể mất nhà, mất cửa nếu đối tượng được ủy quyền mang đi thế chấp tài sản. Lúc cần vốn thì các đối tượng cò mồi đưa giấy gì ra bảo ký cũng ký, nội dung đã được soạn thảo sẵn hết rồi, thậm chí là đọc không hiểu gì cũng ký nên các đối tượng mới lợi dụng hoạt động được.

Còn về phía ngân hàng thì cũng muốn cho vay để có hoạt động kinh doanh sinh lãi nhưng việc quản lý tiền cho vay, nhìn chung là còn hạn chế. Ở đây, trách nhiệm thực tế của các cán bộ tín dụng chưa đến nơi đến chốn, thậm chí một số cán bộ còn thông đồng với đám cò mồi để trục lợi bất chính. Nếu không có sự thông qua cò mồi thì sẽ định giá tài sản thế chấp rất thấp và cho vay ít, nhưng khi thông qua đám cò mồi vì đã có sự thỏa thuận được hưởng hoa hồng trong đó nên cán bộ tín dụng ngân hàng định giá tài sản thế chấp rất cao, thậm chí là cho vay quá hạn ngạch cho phép.

Chính vì những lý do đó, tài sản của người dân cũng như tài sản của ngân hàng đã bị đám cò mồi và cán bộ tín dụng thiếu tư cách xâm hại đến.

Và hệ lụy sẽ ra sao khi xảy ra tranh chấp, thưa ông?

Khi xảy ra tranh chấp, ngân hàng cứ nghĩ là có thế chấp rồi thì cứ đòi tiền và yêu cầu phát mại tài sản hoặc có đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp dân sự lên tòa án. Tuy nhiên, căn cứ pháp lý để đòi lại tài sản là rất khó, bởi vì thực tế các hợp đồng dân sự từ lúc người ta ủy quyền đến lúc thế chấp vay ngân hàng đều có sự gian dối. Theo quy định của pháp luật, giao dịch trong trường hợp đó là vô hiệu. Khả năng mất tiền của ngân hàng khá hiện hữu.

Một vài trường hợp tòa án dựa vào căn cứ chưa đầy đủ của ngân hàng đưa ra và có phán quyết cho rằng người thế chấp tài sản phải trả tiền cho ngân hàng, nhưng thực tế họ sẽ không chịu những phán quyết đó và sẽ phải kháng án. Từ đó sẽ phát sinh khiếu kiện kéo dài, gây ra hệ lụy rất phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Vậy những trường hợp trục lợi trong các giao dịch gian dối này sẽ bị xử lý ra sao?

Với trường hợp cò mồi, nếu xác định họ có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản và đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo hoặc lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Còn không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, giao dịch dân sự vay tài sản giữa họ và ngân hàng là hợp đồng vô hiệu do có sự gian dối hoặc do vi phạm pháp luật khác, họ có trách nhiệm phải trả lại tiền cho ngân hàng.

Với cán bộ ngân hàng nếu làm rõ được hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng. Còn nếu không chứng minh được họ cố ý nhưng hành vi của họ đã gây thất thoát tài sản của ngân hàng, doanh nghiệp có thể sẽ truy cứu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành ngân hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chí Công

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/giao-dich-vo-hieu-ngan-hang-khong-co-can-cu-phat-mai-tai-san-a47345.html