Giao dịch điện tử có giá trị pháp lý như giao dịch trong môi trường thực

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khi giới thiệu về những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về đạo luật này.

Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, có giá trị như bản gốc và có giá trị dùng làm chứng cứ, tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế. “Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu là nội dung rất mới, bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, đáp ứng nhu cầu của xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng. Ảnh H.Ngọc

Luật cũng đưa ra khái niệm chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử. Đồng thời, bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này. Đây là bước đột phá lớn nhằm thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội.

Về chữ ký điện tử, Luật năm 2023 cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, chỉ khái quát, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số (gồm chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng). Đồng thời, bổ sung quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải chữ ký điện tử để phù hợp với thực tiễn triển khai. Luật công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. “Một trong những điều kiện quan trọng được quy định trong Luật lần này là chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài phải cập nhật trạng thái của chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài vào hệ thống chứng thực dịch vụ tin cậy của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ.

Quy định trách nhiệm chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật năm 2023 bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, đặc biệt là các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hàng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn; trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng áp dụng chính sách quản lý này để bảo đảm an toàn trong giao dịch trên môi trường điện tử.

Đồng thời, Luật năm 2023 đã quy định rõ về dịch vụ tin cậy - đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Thời hạn của giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy là 10 năm. Chính phủ quy định chi tiết hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy, điều kiện kinh doanh và quy trình, thủ tục cấp phép.

Luật cũng quy định giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Luật xác định rõ các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật giao Chính phủ quy định việc chia sẻ dữ cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu của các cơ quan khác của Nhà nước. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định danh mục cơ sở dữ liệu; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương mình. Dữ liệu mở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, được cập nhật mới nhất, có khả năng truy cập và sử dụng trên mạng Internet, bảo đảm khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận và lữu trữ, xử lý được, tuân thủ định dạng mở và miễn phí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, “Luật quy định cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hàng năm để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu. Quy định này bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hệ thống thông tin, gồm thuê tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn an ninh mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước”.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao để đưa Luật vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/giao-dich-dien-tu-co-gia-tri-phap-ly-nhu-giao-dich-trong-moi-truong-thuc-i337363/