Giáo dân Long Thành kính Chúa, yêu nước bằng những việc làm cụ thể

Với phương châm 'kính Chúa, yêu nước' và đường hướng hành đạo 'Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào', bằng những việc làm cụ thể, các chức sắc và đồng bào Công giáo ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã và đang góp phần giúp cho vùng đất này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo Ban Đoàn kết Công giáo huyện Long Thành, thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tiếp tục được duy trì và phát triển sâu rộng.

“Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt

Đồng bào Công giáo trong huyện luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, đóng góp cho công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”,các chức sắc, giáo dân ở Long Thành đã có những hành động thiết thực.

Ban Đoàn kết Công giáo huyện Long Thành cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 497 đảng viên là người Công giáo. Đồng thời, có gần 1,6 ngàn người Công giáo tham gia công tác ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

Giáo xứ Long Thành, ở khu phố Phước Thuận, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) được xem là điển hình tiêu biểu trong số đó. Bí thư Chi bộ khu phố Phước Thuận Võ Tuấn Ngọc chia sẻ, thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội, xã hội hóa giao thông…của địa phương luôn được linh mục Chánh xứ giáo xứ Long Thành tích cực phối hợp lồng ghép tuyên truyền sâu rộng đến bà con giáo dân tại các buổi lễ của nhà thờ.

Linh mục Phạm Quốc Tuấn, Chánh xứ giáo xứ Long Thành bày tỏ, với tinh thần “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, ông luôn cố gắng hết mình để chung sức cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đến mỗi giáo dân.

Với đường hướng hành đạo “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”, đồng bào Công giáo trong huyện đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Nhà nước, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.

Ông Võ Tuấn Ngọc đã dành nhiều lời khen đối với linh mục Phạm Quốc Tuấn khi luôn đi đầu trong việc vận động bà con giáo dân chung tay đóng góp, hỗ trợ chính quyền địa phương bằng những hành động thiết thực.

Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội, xã hội hóa giao thông… luôn được linh mục Tuấn tích cực phối hợp lồng ghép tuyên truyền sâu rộng trong bà con giáo dân trong các buổi lễ của nhà thờ. Mối quan hệ, sự phối hợp giữa cấp ủy, địa phương với linh mục luôn chặt chẽ và nhịp nhàng.

Những hành động thiết thực

“Chúng tôi luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò của linh mục Tuấn trong việc phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Cũng nhờ khơi dậy, huy động được sự đoàn kết, đồng lòng từ nhiều nguồn lực, trong đó có đồng bào tôn giáo, thời gian qua, khu phố Phước Thuận luôn thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, được biểu dương lá cờ đầu trong các phong trào của thị trấn Long Thành” - ông Ngọc phấn khởi chia sẻ.

Xứ đạo Thái Lạc đã góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu.

Thời gian qua, bằng việc làm cụ thể, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện Long Thành đã đóng góp kinh phí, vật liệu và ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa 14 tuyến đường giao thông nông thôn. Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên 7 tuyến đường, điều này góp phần tạo sự thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Ở huyện Long Thành có Thái Lạc (xã Long An) là một xứ đạo lớn với hơn 3.200 giáo dân, trong đó tập trung nhiều tại Ấp 4. Nếu có về Ấp 4 của xã Long An mọi người sẽ phải ngỡ ngàng trước sự đẹp đẽ, yên bình của một vùng quê ngay bên tuyến quốc lộ 51 ồn ào xe chạy.

Sau cổng chào lớn là tuyến đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ, thoáng đãng, có gờ giảm tốc, có kênh thoát nước kín, có thùng đựng rác chung, có camera an ninh. Hai bên đường là hàng cây xanh, cây cảnh mát mắt, nhà xây kiên cố khang trang, bề thế. Ấp có 1 nhà văn hóa, 2 cơ sở mầm non tư thục, 1 Bách hóa Xanh và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Đặc biệt, Nhà thờ Giáo xứ nằm trong khuôn viên rộng. Linh mục Bùi Sĩ Phước đã vận động bà con giáo dân trong và ngoài nước đóng góp xây dựng mới toàn bộ các công trình gồm nhà thờ, khu nhà giáo lý, nhà xứ, khuôn viên..., với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Nhà thờ mới có kiến trúc bề thế, cảnh quan gần gũi thiên nhiên. Hiện Nhà thờ Giáo xứ Thái Lạc đang là điểm đến của nhiều khách du lịch thập phương.

Linh mục Phước được đánh giá là người nhiệt thành tham gia các phong trào ở địa phương, đã góp phần cùng bà con giáo dân đưa Ấp 4 từng bước vươn lên hoàn thành tất cả các tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu. Với việc hoàn thành tốt 7 tiêu chí chủ yếu, vào tháng 10/2022 Ấp 4, xã Long An vinh dự là 1 trong 3 ấp của huyện Long Thành được công nhận danh hiệu “Khu dân cư kiểu mẫu”.

Trong đó, Ấp 4 đã hoàn thành một số tiêu chí nổi bật, như: 100% đường ngõ xóm bê tông hóa hoặc trải nhựa; hơn 90% tuyến đường bảo đảm chiếu sáng, xanh, sạch; 100% số hộ sử dụng nước sạch; 100% số hộ có hàng rào cây xanh, cổng, ngõ được xây dựng cải tạo sạch sẽ, hài hòa với cảnh quan chung; 100% số hộ thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; trong ấp không có gia đình có học sinh bỏ học, học sinh vi phạm kỷ luật tại nơi học tập, trên 98% số dân tham gia bảo hiểm y tế.

Vươn lên cùng hợp tác xã

Thời gian qua, huyện Long Thành đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng ít đất nhưng hiệu quả kinh tế cao. Điều này được bà con giáo dân ủng hộ nhiệt thành vì phù hợp với thực tế đô thị hóa và định hướng trở thành thành phố sân bay. Đồng thời, góp phần duy trì sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người dân, giáo dân.

Long Thành đã có không ít mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị được hình thành với vai trò của kinh tế hợp tác và sự tham gia nhiệt tình của đồng bào Công giáo.

Đến nay, Long Thành đã có không ít mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị được hình thành với vai trò của kinh tế hợp tác và sự tham gia nhiệt tình của đồng bào Công giáo. Đơn cử như mô hình trồng nấm rơm kết hợp sản xuất rau mầm của HTX Nông nghiệp xanh tại xã Lộc An.

Sản phẩm của HTX đã trở thành mặt hàng ở hầu hết các vùng, miền trên cả nước và từng bước xâm nhập vào thị trường Campuchia. Giai đoạn cao điểm, HTX cung cấp cho thị trường 300kg nấm rơm tươi/ngày, 6-7 tấn nấm rơm giống/tháng.

Hoặc như ở lĩnh vực chăn nuôi, trong huyện Long Thành có HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát được xem là HTX tiên phong trong chăn nuôi công nghệ cao, hiện đang hợp tác với hàng chục hộ nông dân nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Nằm trong chuỗi sản xuất gà sạch có truy xuất nguồn gốc giá trị cao của tập đoàn De Heus Hà Lan tại Việt Nam, HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát có tất cả 7 khu chăn nuôi. Theo đó, HTX này có công suất 1,5 triệu con gà/lứa, cho ra 7,5 triệu gà thịt mỗi năm, thu lại lợi nhuận tối thiểu 30 tỉ đồng/năm.

Đến nay, HTX có 17 thành viên trực tiếp sản xuất, 8 thành viên liên kết chủ yếu là doanh nghiệp; trong đó có Công ty Koyu & Unitek để xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản.

Như chia sẻ của ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Long Thành Phát, cái gốc của hệ thống liên kết HTX đang tập trung xây dựng là thu hút người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, tham gia nhiệt thành vào các phong trào thi đua, phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương như nêu trên, bà con giáo dân Long Thành đã và đang giúp cho vùng đất Long Thành ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở nên đáng sống.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/giao-dan-long-thanh-kinh-chua-yeu-nuoc-bang-nhung-viec-lam-cu-the-1093333.html