'Giăng soi giá nến, gió lùa khói hương'

Tôi nhớ phố Hàng Đường đầu tiên trong ba con phố liền kề nhau. Tuyến đường này đều thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người ta thường đi từ phố Hàng Đào tới Hàng Ngang rồi mới đến Hàng Đường. Nhưng tôi dạo chơi ngược lại vì theo la bàn chỉ từ Bắc về Nam (theo số nhà từ thấp lên cao). Hay có thể là từ cái món ô mai thơm lừng trên phố chăng? Ký ức tôi sống dậy với tuổi học trò khi hay lang thang tới nhà bạn ở ngay ngã tư Ngõ Gạch - Hàng Đường.

Lòng mơ về dòng sông xưa

Tôi chợt ngẩn ngơ khi tới góc vỉa hè giữa Hàng Đường và Hàng Cá liền kề. Bởi bất ngờ xuất hiện một cô gái mặc áo dài đỏ xinh xắn dẫn khách đi mua ô mai. Họ dừng lại đúng ngay tại đầu phố Ngõ Gạch. Chỗ cô gái đứng chính là mép của dòng sông Tô Lịch xưa. Một dáng đỏ thướt tha dịu dàng trong tà áo dài Thăng Long cổ kính làm tôi bần thần. Dòng sông tưởng tượng của tôi quanh co uốn lượn qua những con phố.

Các cụ nói Hàng Đường nằm trên một con đê cao bị dòng sông Tô chảy cắt ngang. Để đi bộ qua sông người ta đã xây một chiếc cầu (Cầu Đông). Họ còn cho biết ở đây còn có bến Đá để tàu thuyền cập bờ đổ hàng vào các phố chợ. Đường thủy sông Tô xưa chạy từ cửa sông phố Chợ Gạo (bên sông Hồng) xuôi đường Nguyễn Siêu vào Ngõ Gạch. Dòng sông tiếp tục chảy qua Hàng Đường sang phố Hàng Cá, rồi ngoặt về Hàng Lược chạy thẳng xuống Quán Thánh. Sau đó dòng sông Tô xuôi về Bưởi và trôi về phía Nam ra khỏi Thành Thăng Long. Thế là tôi hình dung ra bức ảnh Cầu Đông với những con thuyền chở đầy mật cùng tơ lụa bập bềnh trên sóng nước vời vợi: "Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm quán Giò trăng khuya".

Góc phố Hàng Đào.

Góc phố Hàng Đào.

Dấu tích còn lại trên phố chính là chùa Cầu Đông (ở số nhà 38B). Ngôi chùa là một trong hai trạm quân y của mặt trận Liên khu 1 trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946). Bên cạnh cầu còn có chợ Cầu Đông nữa nên đây chính là bến cảng sầm uất nhất trong ba con phố nằm trên một con đê của khu phố cổ. Nay phố Cầu Đông lùi về trong phố chợ Đồng Xuân cách cầu cũ chừng 50 mét. Dòng nước sông Tô chạy vòng quanh bên bến Đá văng vẳng tiếng chuông chùa cùng với câu ca dao: "Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa/ Giăng soi giá nến, gió lùa khói hương/ Mặt ngoài có phố Hàng Đường…".

Giờ đây phố Hàng Đường (dài 180 mét) chỉ còn bốn, năm nhà bán mứt, kẹo bánh, ô mai. Nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán quần áo vải vóc hoặc đồ lưu niệm du lịch như phố Hàng Đào vậy. Tết đến những cửa hàng ô mai ở đây mới đông khách. Tất nhiên chỉ những khách quen ở Hà Nội mới tường tận cái vị thơm ngọt hay chua cay đến độ nồng nàn của nó. Tôi thả hồn với bóng dáng cô gái trong tà áo dài trên một con thuyền đang cập bến Đá. Chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng trong gió bay một thuở với cảm khoái bâng khuâng: "Biết nhà cô ở đâu đây/ Hỏi trăng Tô Lịch, hỏi mây Tây Hồ…".

Phố Ngang bất thường

Không ít người hỏi tôi vì sao gọi là phố Hàng Ngang? Vậy phố này bán gì. Tôi thẫn thờ đi dọc con phố cổ trong một buổi sớm mai và bỗng nhớ đến câu thơ của Vũ Quần Phương đã viết: "Hàng Đường, Hàng Ngang cái thời voi ngựa/ Xa đã rất xa, gần lại rất gần/ Chân đi trong phố hồn trên mái xưa" (Đi trong phố cổ). Một cảm giác huyễn mộng trên những ngôi nhà khép nép với cửa hàng nhỏ xinh sâu hút gió lùa. Tôi rẽ vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm trong đó có những con rối nước ngộ nghĩnh. Bà chủ nói cửa hàng bán bưu ảnh hay đồ trang sức thứ gì cũng có. Rồi bà hồ hởi kể một mạch về con phố Hàng Ngang của mình. Bà kể rằng phố ngắn lắm chỉ độ hơn 150 mét. Xưa là phố tập trung dân Hoa kiều chạy loạn về đây (thế kỷ XVII).

Những người Hoa phải ở tập trung hai nơi để chính quyền dễ kiểm soát. Cụm phố được đặt gọi là Việt Đông (tên cũ phố Hàng Ngang) và Hàng Buồm. Có nhiều nhà họ chia nhau ở rất hẹp. Thậm chí có nhà chỉ rộng 2 mét (số 9 hay 21). Một thời gian dân phố Việt Đông làm ăn khấm khá và giầu có nên họ chẳng muốn đi đâu nữa. Ai dè nạn trộm cắp, loạn lạc các nơi hội tụ dồn về các bến bãi bắt đầu phát triển vì khu chợ Đông Kinh (phía Đông thành cổ) quá bề bộn. Những gia đình người Hoa ở phố bàn với nhau cần xây cổng bảo vệ ở hai đầu phố và thuê người đứng canh. Bởi lẽ phố chợ thời đó những dãy cửa hàng đâu có cửa đóng then cài quy củ. Có nhà giầu còn xây cả tường chắn phía sau nữa. Thậm chí bờ tường cổng lính canh còn đi lại ở phía trên để quan sát phòng kẻ trộm dọc phố được. Sáng sớm họ mới mở cổng cho người vào mua bán. Cũng chỉ vì hai cái cổng chắn ngang hai đầu phố mà thương hồ và dân kẻ chợ đều gọi là phố Hàng Ngang. Dần dần tên Việt Đông bị quên lãng.

Cổng chắn ngang phố Hàng Ngang ngày xưa (Ảnh tư liệu của Pháp).

Cổng chắn ngang phố Hàng Ngang ngày xưa (Ảnh tư liệu của Pháp).

Sau đó bà chủ cửa hàng chỉ hướng cho tôi sang thăm ngôi nhà số nhà 48 Hàng Ngang. Tôi gặp được anh Doãn Thành một thuở cộng tác với nhau trong công việc báo chí nên câu chuyện rất sôi nổi. Anh kể đây là ngôi nhà nổi tiếng của ông Trịnh Văn Bô mà ai cũng biết. Tại đây, Bác Hồ đã chủ tọa một cuộc họp của Thường vụ Hà Nội để tổ chức mít tinh ra mắt Chính phủ lâm thời (2/9/1945). Đồng thời cũng tại nơi đây Bác đã viết bản "Tuyên ngôn Độc lập" để đọc trước quốc dân đồng bào cả nước. Ngôi nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ bề thế sâu rộng và có cửa sau thông sang phố Hàng Cân.

Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người

Tôi còn nhớ nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có lần kể chuyện về phố Hàng Đào (dài 260 mét). Ông nói xưa phố Hàng Ngang còn có một cái tên là Hàng Lam trước khi người Hoa tới sinh sống. Khi đó phố Hàng Đào chuyên nhuộm lụa, vải màu đào như hồng, đỏ, hay vàng để dùng may áo vua quan. Còn phố Hàng Lam chỉ nhuộm vải xanh, đen và bán vải cho dân thường. Sau đến thời Hậu Lê bộ mặt phố phát triển và đổi thay. Giá đất ở phố Hàng Lam và Hàng Đào đắt đỏ hẳn lên. Nhiều người có tiền đổ xô lên mua đất phố dọc con đường này. Hầu hết những người thợ nhuộm bán nhà chuyển về phố Hàng Bông và Thợ Nhuộm ngày nay vì có đất rộng lại bên cạnh lạch nguồn sông Tô. Vì thế tên phố Hàng Lam mất đi khi người Hoa tới. Khi đó phố Hàng Đào chuyển sang bán tơ lụa vải vóc cùng đồ trang sức và mỹ phẩm. Hiện ở số nhà 90A vẫn còn lưu bia ghi dấu từ năm 1706 tôn vinh ông tổ nghề nhuộm của làng nghề trên phố Hàng Đào.

Đáng chú ý từ thập niên 60 thế kỷ XX, trên cả ba phố này còn phát triển nghề vẽ truyền thần. Hiện nay chỉ còn một cửa hàng duy nhất tại số 51 Hàng Đào của họa sĩ Thế Dung. Xem ra phố Hàng Đào được coi là trung tâm giao lưu nhiều ngành nghề và mặt hàng nhất hiện nay. Vậy nên xưa có câu ca rằng: "Trên Hàng Đào, dưới lại Hàng Đào/ Ai đem nhân ngãi tôi vào Tràng Thi". Hay những người xẩm mù còn hát trên tàu điện: "Ba mươi sáu mặt phố phường/ Hàng Giày, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào/ Người đài các, kẻ thanh cao…". Đó là những con phố được gánh hát bao giờ cũng réo rắt đầu tiên.

Một cảm giác bâng khuâng trong tôi khi vừa tới cuối phố Hàng Đào nhìn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Những lớp học Đông Kinh Nghĩa Thục xưa ở nhà số 4 hay 10 Hàng Đào không còn dấu vết nhưng quảng trường vẫn còn đó. Hình ảnh hiệu trưởng, danh nhân Lương Văn Can đứng diễn thuyết trên quảng trường kêu gọi lòng yêu nước và kháng Pháp (vào năm 1907) hiển hiện thật lung linh. Người dân Hà Nội tập họp đông đúc và hô vang khẩu hiệu trước mũi súng kẻ thù xâm lược. Cụ Lương Văn Can đã bị giặc Pháp bắt đầy đi Côn Đảo. Sau đó con cụ là Lương Ngọc Quyến cũng hy sinh anh dũng trong cuộc Khởi nghĩa ở Thái Nguyên (1917). Tôi như mơ thấy hình ảnh cụ ung dung cắp sách đi trên phố. Cụ như vừa bước ra khỏi nhà số 10 Hàng Đào với ánh mắt sáng ngời đi về phía quảng trường với phong thái trầm hiên ngang quả quyết. Lúc này các loại xe qua lại như mắc cửi nơi ngã sáu quảng trường. Đài phun nước bên hồ Hoàn Kiếm bay tung trong gió tạo thành những quầng ngũ sắc cầu vồng. Thật đúng là: "Thăng Long - Hà Nội đô thành/ Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/giang-soi-gia-nen-gio-lua-khoi-huong-i695447/