Giang Kim Đạt: Tôi bị ép cung, và cáo trạng đang đi ngược lại sự thật

Trong ngày xét hỏi thứ 2 (17.2) tại TAND TP.Hà Nội, bị cáo Giang Kim Đạt khai do bản thân bị ép cung trong quá trình điều tra nên cáo trạng đã đi ngược lại sự thật.

Giang Kim Đạt và đồng phạm tại phiên xét xử

Sáng nay 17.2, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đại án tham ô, rửa tiền tại Công ty Vinashinlines với trình tự xét hỏi với 2 bị cáo Giang Kim Đạt (SN 1977, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) bị truy tố về tội Tham ô tài sản, và bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950, bố của Giang Kim Đạt) bị truy tố về tội Rửa tiền.

Làm việc không hợp đồng lao động

Khai trước tòa, Giang Kim Đạt cho biết trước khi làm việc tại Vinashinline bị cáo đã làm việc liên quan tới môi giới hàng hải. Qua người bạn có môi giới tàu cho ông Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlies giới thiệu, tôi có sự quen biết, do nhanh nhẹn và có năng lực nên được ông Liêm mời về làm việc. Đạt bắt đầu làm việc từ năm 2006 theo lời mời của ông Liêm nhưng lại không có quyết định bổ nhiệm, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội.

“Khi mới vào làm việc tại Vinashinlies, tôi làm Trợ lý giám đốc, sau đó làm chuyên viên. Khi thực hiện chủ trương mua tàu, khai thác tàu, sau khi ổn định chủ trương nên ông Liêm giao cho từng người một công việc đi tìm khách hàng mua tàu. Giữa tháng 8.2006, tôi được bổ nhiệm quyền Trưởng phòng Kinh doanh và quan hệ quốc tế, công việc chủ yếu tập trung vào việc đi tìm tàu để mua và một phần quản lý khai thác tàu”.

Tuy nhiên, từ tháng 5.2006 - tháng 10.2007, Đạt có xin nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động do quá nhiều quy định ràng buộc, gò bó nên đã rời bỏ công ty. Tuy nhiên, khi làm việc tại Vinashinlies, Đạt khai nhận chỉ lĩnh lương một vài lần với số tiền khoảng 5 - 6 triệu và hầu hết là không lĩnh lương.

Cũng tại tòa, luật sư Phan Trung Hoài – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Đạt đã nêu ra chi tiết: vào ngày 13.4.2008, Đạt có quay trở lại làm việc tại Vinashinlies nhưng trước tòa, Đạt khai nhận không quay lại làm việc mà chỉ được ông Liêm nhờ sang London (Anh quốc) do tàu bị bắt giữ tại London. Việc quay lại này chỉ nhằm làm thủ tục, giấy tờ xuất cảnh để giải quyết các công việc tại nước ngoài theo lời mời của ông Liêm.

Giang Kim Đạt bị dẫn giải tới tòa

Chỉ là tiền thù lao

Trong cáo trạng thể hiện, trong quá trình thỏa thuận cho thuê, mua bán tàu, Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping Ltd mua tàu Vinashin Sumer của Panama với giá 6,25 triệu USD và sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu. Trong số 2%, công ty môi giới giữ lại 10%, số tiền còn lại hơn 1,9 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.

Chiếc tàu Vinashin Island được Vinashinline mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia. Đạt thỏa thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% tổng số tiền hoa hồng. Số tiền lần này chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển là hơn 3 tỉ đồng. Đối với tàu VinashinPhoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thỏa thuận để được hưởng 2% hoa hồng.

Số tiền Marvin Shipping Ltd chuyển vào tài khoản của Giang Văn Hiển là gần 6,5 tỉ đồng. Tổng số tiền “hoa hồng” từ hợp đồng mua 3 con tàu nêu trên mà công ty môi giới gửi vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển là gần 11,5 tỉ đồng.

Từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiểm đoạt tiền của Vinashinlines với tổng số tiền hơn 249 tỉ đồng. Cáo trạng cho rằng trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỉ đồng. Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỉ đồng, Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỉ đồng, Trần Văn Khương chiếm đoạt 110.000 USD.

Khai tại phiên tòa, Đạt cho biết khai thác tàu chỉ qua môi giới sẽ không đảm bảo chất lượng khai thác nên bản thân phải làm việc với công ty thương mại mới vẽ được lộ trình khai thác mới có hiệu quả. Tất cả công việc đều được thực hiện qua email và ông Liêm hoàn toàn không giao dịch, chỉ có các phòng ban chức năng mới tham gia hoạch toán lỗ lãi rồi mới trình lên Tổng giám đốc.

Trước câu hỏi về số tiền được chuyển vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển, bị cáo Đạt khẳng định: “Tôi hoàn toàn không được hưởng tiền gì liên quan tới việc thuê tàu. Số tiền chuyển vào tài khoản của bố tôi là tiền bị cáo ứng cho đại lý ở nước ngoài về tiền vật liệu, kiểm dịch và giờ được trả lại cho bị cáo. Nếu bị cáo không ứng ra, công ty sẽ bị thiệt hại rất nhiều”.

Tiếp tục dẫn ra các hợp đồng mua bán, Hội đồng xét xử cho biết khi lệnh về thì công ty nước ngoài nói đây là tiền hoa hồng, thì nhận được câu trả lời từ Đạt rằng đó chỉ là tiền thù lao chứ không phải là tiền “hoa hồng”.

Phiên xét xử sẽ được tiếp tục vào chiều nay 17.2

Trước đó vào phiên xét hỏi đầu tiên ngày 16.2, các bị cáo Trần Văn Liêm (SN 1955), nguyên Tổng giám đốc Công ty Vinasin cho biết đã đưa số tiền 110.000 USD cho Trần Văn Khương (SN 1950), nguyên kế toán trưởng nhưng trong suốt quá trình xét hỏi, bị cáo Khương phủ nhận hoàn toàn số tiền trên đồng thời cả 2 bị cáo đều phủ nhận hoàn toàn cáo trạng.

Cụ thể, về các tài sản được cơ quan tố tụng xác định là sử dụng tiền tham ô để mua bất động sản và xe ô tô, cựu Tổng giám đốc khai nhận: “Biết bố của Đạt có hiểu biết trong lĩnh vực bất động sản, biết nhiều mảnh đất, căn hộ đẹp nên nhờ mua. Trong số bất động sản này có một số bất động sản mà Liêm và Đạt cùng chung sở hữu nhưng đều đứng tên Trần Văn Liêm. Trong khoảng thời gian từ tháng 10.2006 – 2008, tôi chưa hề bảo Đạt mua đất và xe cho tôi và bản cáo trạng đang chỉ dựa vào lời khai ban đầu của Đạt để cáo buộc tôi”.

Cuối ngày xét xử 16.2, bị cáo Trần Văn Khương vẫn một mực khẳng định không phạm tội Tham ô: “Trong quá trình điều tra, khi nhận biên bản kết luận điều tra sơ bộ tôi vẫn không nhận tội vì bản thân không hề hay biết số tiền đó ở đâu ra. Khi đọc cáo trạng, tôi vẫn cho rằng mình không tham ô”.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/giang-kim-dat-toi-bi-ep-cung-va-cao-trang-dang-di-nguoc-lai-su-that-56657.html