Gian nan tìm xác chết trôi sông

Vốn xuất thân từ làng chài, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông, nhưng ít ai biết rằng chính từ nghề này đã đưa nhiều người đến với công việc tìm kiếm xác người chết ở sông, hồ.

Ông Vũ Xuân Quảng cùng nhóm người tìm kiếm thi thể 3 mẹ con ở xã Cẩm Văn

Ông Vũ Xuân Quảng cùng nhóm người tìm kiếm thi thể 3 mẹ con ở xã Cẩm Văn

Không ngại nhọc nhằn

Khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) sát đê sông Thái Bình. Đây là khu định cư của hơn 600 hộ dân làng chài Kim Lai chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Làng chài hiện nay vẫn còn hơn nửa số bà con ở thuyền và đi làm nghề trên khắp các con sông. Công việc sông nước đã đưa nhiều người đến với việc vớt xác từ khi nào không hay.

Theo lời giới thiệu của Trưởng khu 16, chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Minh (sinh năm 1970) - người được bà con làng chài hay gọi với cái tên Minh "lặn". Từ đầu ngõ, chúng tôi đã nhận được những ánh mắt ái ngại cùng lời hỏi han: "Nhà có người trôi sông hay sao?". Không lấy làm lạ bởi chúng tôi được biết cái tên Minh "lặn" từ lâu đã nổi tiếng, gắn liền những vụ đuối nước, tìm xác người trên sông. Gặp được anh Minh không dễ bởi ngoài việc tìm, vớt thi thể trôi sông, người đàn ông 52 tuổi với nước da rám nắng, khỏe mạnh vẫn tất bật với con lưới, mái chèo đánh bắt tôm cua kiếm sống.

Rót chén trà mời khách, anh Minh bắt đầu câu chuyện bằng giọng đặc trưng của người vùng sông nước: "Tôi sinh ra và lớn lên trên thuyền. Năm lên 6, tôi đã bơi rất giỏi. Tuổi thơ gắn liền với sông nước, theo cha mẹ đi đánh bắt cá, ngoài học được nghề chài lưới tôi cũng nhiều lần chứng kiến cha mình cứu người nhảy sông, vớt xác và cái việc đó vận vào tôi từ ấy".

Bao năm kiếm sống bằng nghề đánh cá là ngần ấy thời gian anh Minh cùng con thuyền nhỏ của mình thêm sứ mệnh vớt xác, cứu người trên sông. Anh vẫn nhớ đầu năm 2007, có người nhờ anh tìm một cháu gái mất tích khi đi tắm ở sông Thái Bình thuộc huyện Nam Sách. "Sông nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán hướng con nước lên, xuống để định vị chỗ tìm. Tôi lặn sâu xuống 15 m khu vực được khoanh vùng gần nhất để lùng sục. Lùng nhão hết khu vực mà không tìm ra, lại tiếp tục mở rộng phạm vi. Sau hơn 2 tiếng lặn ngụp dưới lòng sông trong thời tiết giá rét, tôi đã tìm được thi thể cháu bé chừng 8-9 tuổi, bàn giao cho gia đình. Mặc dù lạnh cóng bởi mưa rét nhưng niềm hy vọng cuối cùng của gia đình là tìm được thi thể cháu bé đã được hoàn thành nên tôi cũng cảm thấy ấm lòng", anh Minh bùi ngùi nhớ lại.

Anh Lê Văn Minh bên chiếc máy thở và dụng cụ lặn để tìm kiếm thi thể

Anh Lê Văn Minh bên chiếc máy thở và dụng cụ lặn để tìm kiếm thi thể

Trong số hàng chục vụ tìm kiếm xác người trên sông, anh Minh nhớ nhất vụ xảy ra vào năm 1988 khi anh mới 18 tuổi, vừa lập gia đình. "Trên đường đi xuống Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) tìm mua phương tiện về đánh bắt cá và đồ dùng gia đình, đến khu vực sông Ruột Lợn, tôi bất ngờ thấy 1 chiếc thuyền bị lật úp. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi lập tức bơi ra tiếp cận con thuyền, cứu được 4 người, trong đó có 3 trẻ em. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cứu được nhiều người gặp nạn đến thế. Từ đó tới nay, gia đình ấy vẫn qua lại thăm chơi. Mấy đứa trẻ năm xưa giờ cũng đã lớn cả rồi, chúng vẫn thỉnh thoảng liên lạc hỏi thăm tôi vui lắm...", anh Minh kể.

Ông Vũ Xuân Quảng, 61 tuổi, ở khu 16, phường Ngọc Châu bắt đầu gắn bó cuộc đời mình bên chân cầu Phú Lương (cũ) từ năm 12 tuổi. Ông Quảng có ngót nghét 50 năm kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá và cái việc vớt xác người trên sông cũng bắt đầu từ đó tới nay. Sống trên sông nước từ nhỏ nên ông Quảng thuộc từng khúc nông, sâu của hầu hết con sông lớn trong tỉnh. Nhiều hôm nửa đêm, thuyền ông ghé vào bờ thì hay tin có người nhảy cầu, ông lại nhanh chóng chèo thuyền đi tìm xác. Đối với ông, mạng người là quan trọng nhất. Khi có người cần mình thì dù đêm hay ngày, mưa lạnh rét buốt ông đều không quản ngại nhọc nhằn.

Đến nay, ông Quảng không nhớ mình đã tìm được bao nhiêu xác, cứu được bao nhiêu người. Ông nhớ nhất vụ tìm xác 3 mẹ con ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) vào đầu tháng 5 vừa qua, là một trong những vụ tìm kiếm gian nan nhất mà ông từng làm và khiến ông phải rơi nước mắt xót xa. "Hôm đó vào gần 10 giờ sáng, tôi đang chuẩn bị cho thuyền ra sông thì nhận được cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ tìm kiếm 3 mẹ con bị mất tích tại khu vực bến đò Giám, khu vực ven sông Thái Bình đoạn qua xã Cẩm Văn. Tôi lập tức cho thuyền vào bờ, huy động anh em đến khu vực tìm kiếm. Cái khó của trường hợp này là không ai biết rõ 3 mẹ con bị mất tích bằng hình thức nào. Nhiều khả năng đặt ra là nhảy sông tự tử, song do không ai chứng kiến nên việc định vị khu vực tìm kiếm cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Sau 2 ngày tìm kiếm, sáng sớm 10.5 chúng tôi đã tìm thấy thi thể đầu tiên là cháu lớn, đến gần trưa cùng ngày tìm được 2 mẹ con", ông Quảng nhớ lại.

Để tìm kiếm được 3 mẹ con, ông Quảng đã huy động hơn 10 người cùng làm nghề đánh bắt cá, có kinh nghiệm tìm kiếm xác trên sông nhiều năm, 3 thuyền nhỏ cùng với nhiều dụng cụ dò tìm khác. Ông và đội thợ lặn thay nhau tìm kiếm, lặn tìm liên tục trong nhiều giờ, có người lả đi vì mệt nhưng khi nhìn thấy người thân của 3 mẹ con xấu số đang từng giây, từng phút mong chờ điều kỳ diệu ông cùng anh em lại bảo nhau nhanh chóng tìm kiếm.

Tinh thần "thép"

Theo lời ông Quảng, hiện toàn tỉnh có 3 - 4 tốp thợ lặn chuyên tìm xác người trên sông, mỗi tốp có khoảng 8 - 10 người, đều là dân sống bằng nghề chài lưới. Những tốp thợ lặn không chỉ vớt xác ở Hải Dương mà còn được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Lào Cai... nhờ tìm. Với những địa bàn xa, vùng nước lạ, người vớt thường phải đo độ nông sâu, xem chỗ nước hầm chão, nước xoáy rồi mới tính toán xem mình có đủ hơi lặn xuống đáy không. Nhiều khi đuối sức, đói và lạnh, gặp phải những khu vực có nhiều hộc đá ngầm, nước xoáy sâu chính người lặn cũng gặp nguy hiểm.

Anh Phạm Văn Bích mô tả cách rà câu tìm xác người chết

Anh Phạm Văn Bích mô tả cách rà câu tìm xác người chết

Anh Phạm Văn Bích (sinh năm 1971, ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, Thanh Hà) có hơn 30 năm làm công việc tìm xác trên sông, từng đi nhiều nơi, cho biết nhiều vụ tìm kiếm 5 - 7 ngày mới thấy xác nhưng có những vụ tìm cả tuần không thấy. Lắm lúc đuối sức, đói và lạnh vì nhiều ngày lặn sông liên tục, không ít anh em muốn bỏ cuộc nhưng phía gia đình vì quá đau buồn nên năn nỉ, anh em lại cố gắng tiếp tục. Với công việc này, không có sức khỏe, không có sự kiên trì và đặc biệt là tinh thần "thép" thì không thể làm được.

Theo anh Bích, việc tìm người mất tích, nhảy sông tự tử rất khó khăn bởi hầu hết các vụ nhảy sông đều không biết chính xác địa điểm nhảy, khi người nhảy sông gặp nước lớn chảy xiết có khi bị đẩy đi xa cả cây số. Người chết dưới nước toàn thân trắng bệch, chân tay co quắp, mắt mở trừng trừng, người không cứng "vía" thì không dám đến gần. Việc đưa xác người chết lên bờ cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Phải dựng xác thẳng đứng, ôm ngang hông, nắm một tay choàng qua vai, tay kia vịn vai còn lại rồi mới kéo lên được. Đưa xác lên bờ, dân lặn cởi quần áo xác, tắm rửa bằng xà phòng, lau lại bằng rượu, chải đầu tóc, thay đồ khô rồi lấy mền, chiếu đắp lên hoặc cho thi thể vào quan tài, bàn giao cho gia đình...

Mỗi khi lên đường tìm thi thể người trôi sông, anh Minh lại phải bắt taxi để có thể chở được chiếc máy thở nặng gần 30 kg. Đây là chiếc máy hỗ trợ lặn sâu tới 30 m. Khi khoanh vùng lặn tìm kiếm đến đâu, anh Minh lại đưa thuyền cùng máy thở đến đó. Quá trình lặn sâu, áp lực nước lớn khiến người lặn rất mệt và mất sức. Cùng với việc lặn sâu để tìm kiếm, những người tìm xác trên sông còn dùng thuyền để rà câu trên sông. Trước đây, việc tìm kiếm xác người trên sông hoàn toàn là lặn và chèo thuyền dọc bờ sông nhưng hơn 10 năm trở lại đây, họ đã đầu tư máy móc, thiết bị và quần áo lặn nên việc tìm kiếm bớt vất vả hơn.

Làm việc bằng cái tâm

Vớt xác người trên sông là một công việc đặc biệt vì không phải ai cũng biết, ai cũng có thể làm được. Vì khó khăn và gian nan nên nhiều người nghĩ công việc này sẽ kiếm được nhiều tiền bởi không có sự cạnh tranh nhưng thực tế với anh Minh, anh Bích, ông Quảng... họ chỉ coi đó là cái duyên vì bản thân có năng khiếu bơi lặn. Anh Minh cho biết trong tất cả các vụ mà anh đã tìm kiếm chưa bao giờ anh ra giá với bất kỳ gia đình nào và việc tìm kiếm cũng không hề có giá chung cho mỗi vụ việc. Tất cả đều chỉ là sự cảm ơn và tấm lòng của gia đình có người thân bị mất. "Chúng tôi làm việc trước hết bằng cái tâm, nỗ lực tìm kiếm hết sức để người thân nạn nhân sớm nhận lại được thi thể. Khi tìm được, gia đình họ bao giờ cũng gửi tiền công, chúng tôi cũng luôn gửi lại một phần để thắp hương. Có những gia đình hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi chỉ nhận một chút bù vào tiền xăng xe đi lại. Cũng có những vụ thi thể không có người nhận, chúng tôi coi như đó là mình làm phúc đưa họ lên bờ. Đồng tiền ai cũng quý nhưng phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người thân nạn nhân, họ mất người đã đau buồn lắm rồi. Mình cứ làm việc bằng cái tâm trước nhất thì sẽ không ai để mình thiệt thòi", anh Minh nói.

VY ÐẠT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/gian-nan-tim-xac-chet-troi-song-213408