Gian nan thử sức

Đối với nhiều doanh nghiệp, năm 2023 là một trong những năm sóng gió nhất trên hành trình kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp còn loay hoay trong dòng xoáy, trong khi số khác đang hướng tới bến bờ thành công trong một chu kỳ mới.

Để tạo dư địa tăng trưởng, Haxaco mở rộng danh mục sản phẩm và hệ thống phân phối.

Năm nhiều sóng gió

Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2023, có tới 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 71.833, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 41.064, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Sau 2 năm 2021 - 2022 suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bước sang năm 2023, nhiều doanh nghiệp không thể gượng dậy nổi bởi cạn kiệt dòng tiền. Như nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì “trong hơn 30 năm kể từ khi bắt đầu công cuộc cải cách, tôi thấy đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Từ phía “người trong cuộc”, ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà (mã chứng khoán SHE) trải lòng, doanh nghiệp ngành bán lẻ tiêu dùng nói chung và Sơn Hà nói riêng đang gặp nhiều khó khăn khi sức cầu giảm.

Thực tế, do hàng hóa tiêu thụ chậm, để giảm hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã chấp nhận chiết khấu sâu giá bán, thậm chí chấp nhận bán lỗ để giải phóng hàng tồn, thu tiền về. Thị trường thời gian qua đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bước vào cuộc đua giảm giá để tồn tại.

Mặt hàng ô tô, không thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu càng không tránh được ảnh hưởng tiêu cực từ sức cầu thấp. Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, mặc dù có động lực từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng sức mua năm nay trên thị trường ô tô vẫn chậm so với năm ngoái.

Mười năm gần đây, Công ty cổ phần Nhựa Đông Á (mã chứng khoán DAG) đều kinh doanh có lãi và tăng trưởng qua mỗi năm, nhưng sự khốc liệt của thị trường đã khiến doanh nghiệp này ghi nhận số lỗ 102 tỷ đồng trong quý II/2023 và 33 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi tiêu thụ chậm, tồn kho lớn.

Với tác động “kép” từ thị trường bất động sản trầm lắng và khủng hoảng thanh khoản (xuất phát từ ảnh hưởng dây chuyền của một số vụ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu, lãi suất ngân hàng tăng cao từ giữa năm 2022 tới đầu năm nay), các doanh nghiệp bất động sản trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng thấy. Nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán TDH) thua lỗ gần 20 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 51 tỷ đồng. Từ ngày 18/9, cổ phiếu HPX cũng đã bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch sau khi liên tiếp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội - một trong hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước - chưa có dự án nào được triển khai. Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tính đến quý I/2023, có đến 30% doanh nghiệp nhà thầu phải đóng cửa, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nỗ lực vượt lên

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thị trường vẫn đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nỗ lực vượt qua sóng gió thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest cho biết, các nhà thầu xây dựng đang rất khó khăn do thị trường bất động sản gặp khó, không có dự án mới triển khai, trong khi tại các dự án đã và đang thi công dở dang bị nợ đọng. Nhiều công ty đã chuyển hướng sang đấu thầu các dự án đầu tư công để có doanh thu và dòng tiền.

Tại Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán HUT), điểm sáng trong hoạt động gần đây là việc thâu tóm SVC Holdings. Mới đây, Hội đồng quản trị Tasco đã thông qua kế hoạch phát hành 543,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi cổ phần với 21 cổ đông cá nhân của SVC Holdings. Tỷ lệ hoán đổi là 1:1, tương đương 1 cổ phần SVC Holdings được hoán đổi 1 cổ phần HUT. SVC Holdings là công ty sở hữu cổ phần chi phối Savico - doanh nghiệp phân phối ô tô chiếm 12% thị phần trên cả nước. Tasco đã thể hiện tham vọng mở rộng lĩnh vực kinh doanh khi lấn sân vào mảng phân phối ô tô.

Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán GEX) đã có kết quả kinh doanh khả quan khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Công ty hoàn thành gần 80% kế hoạch về lợi nhuận đề ra với kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 1.014 tỷ đồng.

Sức cầu sụt giảm, hoạt động phân phối ô tô trên toàn thị trường gặp khó khăn. Tuy nhiên, với riêng Haxaco đây là thời điểm để Công ty tập trung kiện toàn hệ thống cũng như danh mục sản phẩm phân phối. Cuối năm 2022, Haxaco đã chi khoảng 100 tỷ đồng để sở hữu hơn 60% vốn tại Công ty cổ phần Xe khách và dịch vụ miền Tây (Mitaco).

Mitaco đang sở hữu lô đất mặt tiền đường số 54 Kinh Dương Vương với diện tích 7.077 m2 thương mại dịch vụ; khu đất tại số 464 Kinh Dương Vương rộng 9.799 m2 (gồm cả đất thương mại dịch vụ và kho bãi). Công ty con của Mitaco là Công ty cổ phần Ô tô An Thái đang là đại lý kinh doanh xe ô tô Vinfast lớn nhất tại khu vực phía Nam tại địa chỉ 464 Kinh Dương Vương với bình quân doanh thu 350 tỷ đồng/năm.

Ngoài phân phối Mercedes-Benz, Haxaco đang phân phối xe MG. Ngày 23/9/2023, Haxaco phối hợp cùng Công ty TNHH SAIC Motor Việt Nam khai trương showroom Flaship của MG tại 54 Kinh Dương Vương. Đây là showroom có quy mô lớn và hoành tráng nhất của MG tại Việt Nam.

Tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), sau khi thiết lập lại “hòa bình” trong Hội đồng quản trị, Công ty đã tiến hành tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo, bổ nhiệm Tổng giám đốc mới và thoái vốn ở những công ty không có thế mạnh, kinh doanh chưa hiệu quả, dồn lực cho hoạt động kinh doanh lõi… Mới đây, Hòa Bình đã ký kết hợp tác với Primetech

Constructions Pty, một tập đoàn xây dựng đến từ Úc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác thi công dự án lớn tại quốc đảo Vanuatu, do Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư. Hòa Bình là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây trị giá khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương 900 triệu USD.

Dẫu tình hình tài chính hiện tại vẫn rất khó khăn, khi 6 tháng đầu năm báo lỗ hơn 711 tỷ đồng, nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2023 là gần 5.232 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, song Tập đoàn Hòa Bình đang nỗ lực xử lý những vấn đề nội tại, cũng như vươn ra thị trường quốc tế.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gian-nan-thu-suc-post330472.html