Gian nan đường đến Olympic

Với nhiều người và nhiều quốc gia, tấm vé tham dự Olympic có thể là giấc mơ cuộc đời và thể thao Việt Nam hiện vẫn khắc khoải với chỉ tiêu giành quyền tham dự Thế vận hội Paris mùa hè 2024

Dù giành được tấm huy chương đồng hạng 67 kg nữ tại vòng loại Olympic khu vực châu Á diễn ra ở Trung Quốc hôm 15-3, võ sĩ Bạc Thị Khiêm vẫn lỗi hẹn với giấc mơ đến Paris khi "vé vàng" chỉ giành cho 2 võ sĩ có thứ hạng cao nhất. Cô đã để thua võ sĩ người Uzbekistan Ozoda Sobirjonova ở bán kết, không lọt vào được trận chung kết hạng cân đồng thời để vuột mất một trong 2 suất vé dự Olympic.

Mức thưởng "nóng" 100 triệu đồng mà Liên đoàn Taekwondo Việt Nam hứa tặng võ sĩ giành được vé dự Olympic như vậy vẫn không thể tìm thấy chủ nhân. Bởi lẽ, ngoài Bạc Thị Khiêm lọt vào đến bán kết, các đồng đội của cô là Nguyễn Hồng Trọng (hạng 58 kg nam), Lý Hồng Phúc (hạng 68 kg nam) và Trương Thị Kim Tuyền (hạng 49 kg nữ) đều dừng bước ngay từ vòng ngoài.

Thất bại của taekwondo sẽ tác động không nhỏ đến chỉ tiêu chung 12-15 suất tham dự Olympic 2024 của thể thao Việt Nam. Là một trong những đội thể thao đăng ký chỉ tiêu giành suất chính thức đến Pháp, tuyển taekwondo đã nỗ lực tập huấn tại Hàn Quốc và sau đó dự các giải quốc tế ở Canada, Mỹ trong tháng 2 vừa qua. Sự chuẩn bị của đội tuyển và tinh thần thi đấu của các võ sĩ rất tốt. Chỉ tiếc là qua thực tế thi đấu, taekwondo Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định và không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Trịnh Văn Vinh đang hướng đến suất tham dự Olympic. (Ảnh: IWF)

Tính cả suất vé mới nhất của môn quyền Anh, tính đến giữa tháng 3-2024, thể thao Việt Nam mới chỉ có thể cử 5 thành viên tham dự Olympic. Đó là Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Võ Thị Kim Ánh (quyền Anh).

Những ai lạc quan có thể "điểm danh" thêm vài ứng viên được coi là đã đặt một chân lên chuyến bay sang Pháp mùa hè này. Chẳng hạn, tay vợt Nguyễn Thùy Linh vươn lên hạng 22 thế giới sau ngôi á quân tại Giải Cầu lông Đức mở rộng 2024 - Super 300 với 50.300 điểm. Cô cũng đồng thời xếp vị trí 16 trên bảng xếp hạng "Road to Paris", chỉ cần củng cố thứ hạng bằng điểm số tích lũy ở một số giải quốc tế sắp tới là bảo đảm suất vé đến Pháp.

Ở môn cử tạ, Trịnh Văn Vinh nằm trong Top 10 Olympic hạng 61 kg nam trước khi tham dự giải đấu vòng loại cuối cùng IWF World Cup 2024 tại Thái Lan. Phạm Thị Hồng Thanh xếp hạng 12 Olympic ở hạng 71 kg nữ, vẫn còn hy vọng nếu đạt thành tích tốt ở giải vòng loại tại Thái Lan.

Ở môn judo, võ sĩ Chu Đức Đạt vươn lên Top 10 Olympic khu vực châu Á - vị trí nhận suất liên đoàn tham dự Thế vận hội với 230 điểm tích lũy. Vòng loại Olympic Paris 2024 của môn judo sẽ kết thúc vào ngày 23-6.

Việc phải ngồi đếm từng suất vé trong khi quỹ thời gian dành cho cuộc đua tranh cứ cạn dần là điều "chẳng đặng đừng" với thể thao Việt Nam. Hy vọng vẫn còn có thể đến ở nhiều tuyển thủ, nhiều môn trọng điểm như cử tạ, rowing, canoeing, cầu lông, bắn súng, vật, đấu kiếm, thể dục dụng cụ…, nhất là ở cao điểm tháng 4 khi vòng loại Olympic tiếp tục tranh tài ở nhóm môn này.

Nhìn rộng ra khu vực Đông Nam Á, thể thao Việt Nam dường như đang "hụt hơi" so với các đối thủ cạnh tranh. Thái Lan hiện đã có 23 suất chính thức đến Olympic, trong khi Singapore có 9 suất, Indonesia 7 suất và Philippines cũng đã có 6 suất.

Việt Nam, với hai lần xếp nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và SEA Games 32, hiện chỉ mới có 5 suất dự Olympic, ngang bằng với Malaysia. Xem ra, với tình hình hiện nay, sẽ vô cùng khó khăn để thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu giành 12-15 suất tham dự Thế vận hội Paris 2024.

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gian-nan-duong-den-olympic-196240317204532276.htm