Gian nan đường đến hòa bình

Trái với những kỳ vọng về viễn cảnh hòa bình tươi sáng sau khi Chính phủ và Lực lượng vũ trang Cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) đạt được đồng thuận về bản thỏa thuận hòa bình, kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua với phần lớn câu trả lời là “không” đã vẩy gam mầu xám lên tiến trình hòa bình tại Cô-lôm-bi-a. Song, nỗ lực tái khởi động đàm phán của Chính phủ và FARC cũng phần nào khiến chặng đường đến với hòa bình bớt chông gai.

Sau bốn năm kiên trì đàm phán và nhượng bộ, văn kiện hòa bình lịch sử giữa Chính phủ và FARC đã bị bác bỏ với tỷ lệ sít sao: 50,23% số cử tri phản đối so 49,76% số phiếu ủng hộ. Điều này đồng nghĩa thỏa thuận hòa bình giữa Bô-gô-ta và nhóm vũ trang lớn nhất Cô-lôm-bi-a đã không được chấp nhận. Giấc mơ hòa bình của quốc gia có hơn 50 năm chìm trong nội chiến một lần nữa trở nên dang dở. Không chỉ người dân Cô-lôm-bi-a, dư luận thế giới cũng bất ngờ với kết quả cuộc trưng cầu ý dân và cho rằng, kết quả này như “dội gáo nước lạnh” vào những nỗ lực của các bên tham gia thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Cô-lôm-bi-a M.Xan-tốt sau đó đã tiến hành các cuộc gặp con thoi với đại diện phe phản đối thỏa thuận nhằm hóa giải những khác biệt, đồng thời vẫn duy trì lệnh ngừng bắn song phương với FARC và tiếp tục các vòng đàm phán mới với nhóm vũ trang này.

Thực tế rất nhiều người dân Cô-lôm-bi-a bày tỏ ý nguyện muốn chấm dứt chiến tranh và thực thi lệnh ngừng bắn với FARC. Tuy nhiên, quá trình FARC tham gia chính trường và cách thức tái hòa nhập cộng đồng cho gần 7.000 cựu tay súng du kích là một câu hỏi còn để ngỏ. Bởi, vẫn tồn tại luồng ý kiến không khoan hồng những vụ bắt cóc và thảm sát dân thường mà các tay súng FARC từng gây ra trong thời gian xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, phe đối lập tại Cô-lôm-bi-a do cựu Tổng thống A.U-ri-bê đứng đầu cho rằng, văn bản thỏa thuận hòa bình quá “mềm mỏng”, khi Chính phủ chấp thuận ân xá cho các thành viên của FARC và cam kết dành 10 ghế trong Quốc hội cho nhóm vũ trang này. Dư luận quốc tế đánh giá, dù nỗ lực bị đổ sông, đổ bể vào phút chót, bản thỏa thuận vẫn là thành tựu đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Xan-tốt, bởi chưa bao giờ người dân quốc gia Nam Mỹ này lại chạm gần đến hòa bình như vậy.

Tuy nhiên, tiến trình đi tới nền hòa bình lâu dài tại Cô-lôm-bi-a không chỉ tập trung vào FARC. Với cam kết trả tự do cho các con tin bị bắt cóc của Quân đội giải phóng quốc gia Cô-lôm-bi-a (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai ở nước này sau FARC, các bên ở Cô-lôm-bi-a tiếp tục cho thấy quyết tâm lập lại hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ từng trải qua hơn nửa thế kỷ chìm trong khổ đau và chết chóc. Rút kinh nghiệm từ thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận hòa bình với FARC, lần này, Bô-gô-ta và ELN thống nhất chương trình đàm phán với điểm tiên quyết, là người dân có quyền tham gia vào tiến trình xây dựng hòa bình. Hai bên đồng thời nhất trí thực hiện các bước đi cần thiết, cũng như các nghĩa vụ nhân đạo như thả con tin bị bắt cóc, để tạo dựng niềm tin trong quá trình đàm phán. Ngay lập tức, quyết định này nhận được sự ủng hộ của dư luận khu vực Mỹ la-tinh và quốc tế. Các nước Bra-xin, Ê-cu-a-đo… khẳng định sẵn sàng đóng góp và ủng hộ quyết tâm vì hòa bình của nước láng giềng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun nhấn mạnh, đây là nỗ lực quan trọng của Tổng thống Xan-tốt và kêu gọi các bên tiếp tục đàm phán. Trong khi đó, hàng nghìn người dân Cô-lôm-bi-a, gồm cả những nạn nhân của cuộc nội chiến, cũng xuống đường trong một cuộc tuần hành lớn hối thúc nước này sớm đạt cam kết hòa bình.

Với những khó khăn trước mắt, chặng đường đến tương lai không tiếng súng của người dân Cô-lôm-bi-a vẫn còn lắm gian nan. Đối với FARC, Bô-gô-ta cần tiếp tục điều chỉnh và sửa đổi thủ tục pháp lý cần thiết để tạo ra sự đồng thuận lớn hơn tại quốc gia vốn đang chia rẽ sâu sắc này. Nhưng chắc chắn rằng, Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC sẽ không để nỗ lực của bốn năm ròng rã theo đuổi tiến trình hòa bình trôi theo dòng nước. Mới đây, giải Nô-ben Hòa bình danh giá năm 2016 được trao cho Tổng thống Xan-tốt được dư luận thế giới đánh giá như một “cú huých”, không chỉ để ghi nhận sự kiên định chấm dứt cuộc nội chiến của một cá nhân, mà còn để vực dậy tinh thần ủng hộ thỏa thuận hòa bình của cả một dân tộc. Các nhà phân tích nhận định, lệnh ngừng bắn song phương giữa Chính phủ và FARC vẫn được duy trì, chiến sự sẽ không bùng phát và dần dần, với sự tham gia của những người dân vừa bỏ phiếu “không”, con đường tiến tới hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ này sẽ lại được tiếp tục.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/31248902-gian-nan-duong-den-hoa-binh.html