Giãn dân phố cổ Hà Nội: Người dân sẽ kiếm thu nhập từ đâu?

Mô hình ở mới phải đảm bảo kinh doanh để có thu nhập là một trong những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện giãn dân phố cổ Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội.

Khu phố cổ Hà Nội được biết đến là nơi có nhiều nhà rất nhỏ, thậm chí có những con ngõ siêu nhỏ vì chiều rộng chưa đầy 50cm và có nơi ở của người dân chưa tới 5m2. Theo Tổng điều tra dân số lần thứ 5, mật độ dân số tại khu phố cổ là 39.830 người/km2, gấp 138 lần mật độ dân số toàn quốc.

Năm 2013, đề án giãn dân phố cổ đã được thành phố Hà Nội phê duyệt với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020.

Việc giãn dân phố cổ được thực theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I phải hoàn thành vào cuối 2016 với việc di dời gần 1.200 hộ dân sang phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn II phải thực hiện xong trong năm 2020 với việc di dời gần 5.000 hộ dân sang vị trí 30ha tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Tuy nhiên, đề án gần như rơi vào tình trạng bế tắc với hàng loạt vướng mắc về chính sách đền bù, tái định cư, duy trì sinh kế cho người dân... Người dân thuộc diện giãn dân không chịu rời xa phố cổ, trong khi hàng loạt khu chung cư tái định cư phục vụ cho việc giãn dân phố cổ rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp.

Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề giãn dân phố cổ, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết đây là vấn đề rất quan trọng, đã được đặt ra hơn 30 năm nay, từ quy hoạch năm 1992. "UBND quận Hoàn Kiếm được giao làm quy hoạch giãn dân và đã được thành phố phê duyệt thế nhưng không thực hiện được", ông nói.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng nguyên nhân dẫn đến đề án giãn dân không thực hiện được do mô hình ở mới để phục vụ giãn dân không phù hợp. "Người dân khu phố cổ chỉ ở vài m2 nhưng thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng. Bây giờ chuyển đến ở Long Biên tuy rộng nhưng mà không biết thu nhập bằng cách nào", ông Nghiêm nêu vấn đề.

Theo ông Nghiêm, nơi ở mới để phục vụ giãn dân không phải chỉ để ở mà phải đảm bảo có thể kinh doanh để có thu nhập.

Bên cạnh đó, mô hình này phải là khu chất lượng cao, bởi những người giãn dân ở trong khu phố cổ là những người có thu nhập, do đó phải đảm cho họ một cuộc sống đầy đủ. "Phải có khu không gian công cộng, trường học chất lượng cao, mẫu giáo, nhà trẻ", ông Nghiêm cho hay.

Một vấn đề cũng quan trọng mà KTS Đào Ngọc Nghiêm đề cập đến là về giá trị văn hóa. "Những người dân ở khu phố cổ là những người đã mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, mô hình ở mới cũng phải giữ lại được nét văn hóa mang tính đặc trưng của phố cổ", ông Nghiêm nói.

Ngoài ra, ông Nghiêm cũng cho rằng quận Hoàn Kiếm chưa cho chính sách, cơ chế thuận lợi để khuyến khích người dân tự nguyện rời đi.

Theo tìm hiểu, để phục vụ đề án giãn dân phố cổ giai đoạn II, thành phố Hà Nội đã xây dựng 5 tòa nhà chung cư với quy mô cả nghìn căn hộ từ 2012 trên vị trí 30ha "đất vàng" bám mặt đường Lý Sơn thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Tuy dự án đã được hoàn thành từ nhiều năm nay những vẫn không có người về ở khiến nhiều hạng mục đã xuống cấp, vỡ nát, nhếch nhác.

Anh Hùng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/gian-dan-pho-co-ha-noi-nguoi-dan-se-kiem-thu-nhap-tu-dau-20180504224294614.htm