Giảm tình trạng tham nhũng trong chính nội bộ doanh nghiệp, cách nào?

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến không ít trường hợp doanh nghiệp có hàng tồn kho ảo, kết quả kinh doanh ảo…, dẫn đến sự thua lỗ và mất mát của nhà đầu tư. Tăng cơ chế giám sát doanh nghiệp cho cổ đông có thể là một cách để hạn chế nguy cơ lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm.

Nên có cơ chế giám sát quản trị của một tổ chức độc lập tại những doanh nghiệp có tỷ lệ cổ đông đại chúng hóa quá lớn

Nỗi đau của một ước mơ

Một doanh nhân chia sẻ, ông có đam mê mãnh liệt với doanh nghiệp mà mình gây dựng, nhưng bị thâu tóm bởi một doanh nhân khác. Và khi người đi thâu tóm bị sa cơ, ông khao khát được trở về, nắm lại quyền điều hành doanh nghiệp.

Mua lại doanh nghiệp không quá khó. Nhưng cái khó hơn mà vị doanh nhân này đang đau đầu suy nghĩ là liệu ông có thể vực lại doanh nghiệp, khi mà theo con số ước tính, doanh nghiệp hiện đang âm vốn chủ sở hữu khoảng 2 lần so với vốn điều lệ. Sau vài năm kể từ khi bị thâu tóm, những thành quả hàng chục năm trời mà ông gây dựng đã bay đi, vì sự trục lợi của người chủ mới. Tuy nhiên, thứ mà doanh nghiệp vẫn còn là một thương hiệu mạnh, một đội ngũ nhân viên chất lượng cao.

Ước mơ của ông về lĩnh vực kinh doanh này chưa từng thay đổi, Nếu đầu tư lại vào lĩnh vực này, ông có một cánh tay nối dài hoàn chỉnh cho hoạt động kinh doanh khác. Nhưng hệ quả tài chính nặng nề của người đang điều hành khiến ông ngần ngại. Và hơn hết, ông cảm nhận bị thiếu một cơ chế thực sự cho một cuộc vực dậy. Có điều gì đó chưa gọi được tên, cũng không hẳn là một nỗi đau, nhưng là sự trăn trở, tiếc nuối và gần như bất lực.

Cần cơ chế kép để tăng chất lượng quản trị doanh nghiệp

Doanh nghiệp trên trước khi bị thâu tóm có một số điểm yếu kém, nhưng được đánh giá là một “chĩnh vàng”. Giờ đây, doanh nghiệp đã trở thành một bãi lầy mà những cổ đông khác đang chán ngán, sau những gì cổ đông lớn thay thế ông đã làm.

Câu chuyện cổ phiếu DVD của CTCP Dược phẩm Viễn Đông, cổ phiếu JVC của CTCP Vật tư Thiết bị y tế Việt Nhật, hay cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành… với hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa bỗng chốc bị thổi bay cho thấy những hệ quả rất lớn về mặt tài chính cho nhà đầu tư. Và đi kèm với nó, lớn hơn, là hệ quả về mặt niềm tin thị trường. Nguyên nhân của tình trạng này là sự gian dối về số liệu, báo động đỏ về chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Từ 10 năm trước, một nội dung được Công ty Quản lý quỹ Vietnam Holding đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết để truyền tải là corporate governance - quản trị doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, hoạt động quản trị doanh nghiệp được cải thiện, nhưng không đáng kể, dù có những nỗ lực không ngừng của cơ quan quản lý và nhiều cơ quan, tổ chức khác trong việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin.

Doanh nghiệp hạch toán doanh thu, lợi nhuận ảo, nhiều nhà đầu tư mất tiền vì giá cổ phiếu sụt giảm khi sự việc bị phát hiện. Những cổ đông đến sau có thể không bị mất tiền bởi mua cổ phiếu khi giá đã giảm, nhưng nguy cơ phải chịu hệ quả vẫn cao, vì uy tín doanh nghiệp sụt giảm, thậm chí là nghĩa vụ thuế còn nợ.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của JVC, tân Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Huy cho biết: “Doanh thu ảo, lợi nhuận ảo, nhưng thuế thì thật. Và không chỉ phải nộp thuế cho những số liệu ảo cũ, chúng ta còn phải chịu phạt vì nợ thuế nữa. Đó là hệ quả thực”.

“Đừng trách D.I (cổ đông lớn của JVC), đó là lỗi của tất cả chúng ta vì đã không giám sát tốt hoạt động của Ban lãnh đạo cũ”, ông Huy nói.

Thực tế đang đòi hỏi phải có chế tài mạnh hơn cho những vi phạm của ban lãnh đạo doanh nghiệp, bởi nếu chỉ rời bỏ vị trí là xong, hoặc vào tù là hết trách nhiệm, thì sẽ khó có thể hạn chế được những hành vi vi phạm. Tội phạm tham nhũng khi bị phát hiện phải đền bù về mặt tài chính, vậy sai phạm của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên xem xét có chế tài đền bù cho cổ đông, nhà đầu tư.

Thị trường có rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để tham gia vào quản trị doanh nghiệp. Họ đang thiếu một công cụ thực sự để giám sát chặt hơn chất lượng hoạt động quản trị doanh nghiệp. Về vấn đề này, từ lâu đã có ý kiến đề xuất thành lập Hiệp hội Nhà đầu tư nhỏ lẻ, hoặc tính đến việc ủy quyền cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán để nâng cao khả năng giám sát doanh nghiệp.

Trước tình trạng “tham nhũng” trong chính nội bộ doanh nghiệp ngày càng phổ biến, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ra một cơ chế kép để tăng chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp, như cơ chế giám sát quản trị sâu của một tổ chức độc lập tại những doanh nghiệp mà tỷ lệ cổ đông đại chúng hóa quá lớn và có chế tài cấm vĩnh viễn những người từng có hành vi vi phạm tương tự như trên tham gia vào quản trị doanh nghiệp đại chúng.

Hoàng Hương

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/giam-tinh-trang-tham-nhung-trong-chinh-noi-bo-doanh-nghiep-cach-nao-167128.html