Giảm thuế giúp doanh nghiệp nâng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh

Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN xung quanh đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng: 'Việc tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp giảm được giá thành hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước'.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

PV:Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất tiếp tục cho giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024. Ông đánh giá ra sao về động thái này của Bộ Tài chính?

Ông Mạc Quốc Anh

Ông Mạc Quốc Anh: Trước tiên, tôi đánh giá đây là một trong những chính sách, giải pháp kịp thời của Bộ Tài chính trong thời gian qua, cũng như thời gian tới.

Như chúng ta đã biết, hiện nay nền kinh tế toàn cầu, trong khu vực và Việt Nam đang đối diện rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng ta đã giãn, hoãn và giảm rất nhiều các loại thuế, các loại phí, trong đó đã trực tiếp giảm các loại thuế trực thu và thuế gián thu cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% làm cho tổng cầu của nền kinh tế được nâng lên.

Việc giảm thuế, đặc biệt là giảm thuế suất thuế GTGT trong thời gian qua, cũng như thời gian tới, giúp cộng đồng DN có thêm một khoản vốn để tái đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong chuỗi cung ứng, các ngành nghề mang tính chất dịch vụ cao, giá trị gia tăng cao, khi được giảm thuế họ sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Đối với các DN nhỏ và vừa, họ đánh giá khi được giảm thuế DN có sự tăng trưởng bền vững hơn. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, lợi nhuận trên mỗi đầu sản phẩm của các DN nhỏ và vừa đã có sự tăng nhẹ từ 3 - 5%.

Ngoài ra, giảm thuế sẽ giúp chúng ta kiểm soát được kinh tế vĩ mô, đảm bảo vấn đề tài chính, về tài khóa giúp cho thị trường thu hút thêm được nguồn đầu tư từ phía bên ngoài. Minh chứng rõ nét nhất là 9 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD.

PV:Theo ông, việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giảm 50% thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tác động ra sao đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sự phục hồi của nền kinh tế?

Ông Mạc Quốc Anh: Trong chuỗi giá trị của các DN chúng tôi nhận thấy, tổng vốn đầu tư của các DN so với cùng kỳ của của năm 2022 đã tăng trưởng trên 10%. Một phần đến từ chính sách giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí, lệ phí. Điều này cho thấy việc giảm thuế giúp DN có thêm dòng vốn mở rộng sản xuất, đầu tư kinh doanh.

Thị trường đang dần khởi sắc trở lại, điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà các nhà đầu tư quốc tế đang quay trở lại. Họ sẽ đầu tư những khoản tài chính mang tính bền vững vào một số ngành, lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, dệt may, da giầy… là những ngành nghề có hàng loạt chính sách giảm, giãn, hoãn nộp thuế và các loại phí. Với cách tiếp cận như vậy, tôi cho rằng sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững.

PV: Nhiều ý kiến đánh giá, các chính sách giảm thuế như “mũi tên trúng nhiều đích”. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về lợi ích mà người dân, DN thụ hưởng từ những chính sách này, những chính sách này tác động ngược trở lại với nền kinh tế ra sao?

Ông Mạc Quốc Anh: Tôi được biết, với chính sách giảm thuế GTGT, thì các thủ tục hành chính đều bằng 0 (không). Khi thực hiện chính sách này, DN không phải kê khai, không phải nộp các hồ sơ mới được giảm thuế mà chỉ phải thực hiện giảm giá hàng hóa, dịch vụ trực tiếp trên hóa đơn. Do đó, tôi đánh giá rất cao chính sách giảm thuế GTGT. Đây là giải pháp rất an toàn.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, chính sách giảm thuế GTGT là chính sách linh hoạt, hiện đại và thông minh, chính sách này giúp giảm nhiều thủ tục hành chính rườm rà cho người dân, DN, tiết kiệm được thời gian và công sức. Hiện nay 100% DN đã áp dụng hóa đơn điện tử, như vậy đã tiết kiệm được cả nguồn lực và tài chính để sử dụng hóa đơn.

Khi nền kinh tế còn khó khăn, việc được giảm thuế, giá bán hàng hóa, dịch vụ được giảm, khi đó DN có được giá bán cạnh tranh, sẽ chiếm lĩnh được thị trường, nâng quy mô của DN.

Vấn đề rất quan trọng được DN đánh giá là giảm thuế GTGT giúp chi phí về dịch vụ vận tải logictics trong DN cung cấp dịch vụ cũng được giảm tối đa, vì hiện nay với chi phí vận tải, logictics của DN chiếm từ 10 đến 15% doanh thu. Do đó, khi chúng ta giảm thuế GTGT xuống, thì chi phí vận chuyển vận tải của họ được giảm xuống 2%, chắc chắn lượng sản xuất sẽ được bung ra rất lớn, tránh lượng hàng tồn kho quá nhiều, sẽ ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của Việt Nam.

PV:Vậy theo ông, DN cần tận dụng và nắm bắt cơ hội này như thế nào?

Ông Mạc Quốc Anh: Đối với DN, ngoài việc đang cung cấp và sản xuất những sản phẩm hiện có, sản xuất những hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, thì việc tận dụng chính sách giảm thuế là vô cùng quan trọng.

Tôi cho rằng, việc giảm thuế chính là nhà nước đã chi ngân sách để kích cầu tiêu dùng. Do đó, bản thân DN cũng phải có những chương trình kích cầu, đó là phải chủ động tham gia những chương trình như: tháng khuyến mại tập trung, các hội chợ, hội thảo, các chương trình, các diễn đàn của trung ương, của thành phố của các sở, ban ngành để thúc đẩy đầu ra cho hàng hàng hóa. Cùng đó, DN cũng cần luôn luôn đổi mới, sáng tạo trong từng lĩnh vực, trong từng ngành nghề, phải nghiên cứu thị trường rất tốt, bởi hiện nay sau dịch bệnh Covid thì nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Đặc biệt, về công tác thanh khoản, công tác thanh toán, rồi cả vấn đề về vận chuyển, logictics đã có nhiều thay đổi.

PV: Xin cảm ơn ông!

BÀ VŨ THỊ THÚY HƯƠNG - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH CHI NHÁNH CÔNG TY THỰC PHẨM ORION VINA (BẮC NINH):

Giảm thuế giúp hàng hóa rẻ hơn, kích thích sức mua

Bà Vũ Thị Thúy Hương

Việc giãn, hoãn thời gian thu thuế, miễn giảm tiền thuê đất…, đã tạo ra năng lực tài chính tại chỗ, giúp doanh nghiệp (DN) có nguồn vốn với chi phí thấp nhất, từ đó kéo giảm giá thành sản phẩm hàng hóa. Cùng với đó, việc miễn giảm 36 loại phí, lệ phí đã góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN.

Chính sách giảm thuế GTGT giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua. Ngoài ra, DN cũng có thể sử dụng nguồn vốn đó để tái đầu tư sang các lĩnh vực khác tiềm năng hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho xã hội và nền kinh tế. Chính sách này phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như tăng trưởng kinh tế./.

ÔNG ĐINH VĂN ĐOÀN - GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VẬN TẢI DU LỊCH H&D:

Chủ trương đúng đắn, phát huy ngay tác dụng

Ông Đinh Văn Đoàn

Là DN vận tải khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam, với hơn 50 đầu xe, mỗi tháng DN phải trả trên 200 triệu đồng phí cầu, đường, bến bãi. Khi thuế GTGT giảm xuống 8%, mỗi tháng DN sẽ tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng. Khoản tiền này DN đã giảm trực tiếp vào phí vận chuyển cho khách hàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc giảm thuế, đã giảm giá các loại dịch vụ, phần nào kích thích người dân sử dụng dịch vụ, hàng hóa, qua đó kích cầu tiêu dùng.

Không chỉ riêng với DN vận tải hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT, DN sản xuất cung ứng hàng hóa cũng được hưởng lợi rất nhiều. Khi được giảm thuế GTGT, chi phí vận tải, logictics hàng hóa của DN cũng được giảm tương ứng. Như vậy có thể thấy, việc thực hiện giảm thuế GTGT 2% là một chủ trương đúng đắn, phát huy ngay tác dụng đến người dân, DN.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-giup-doanh-nghiep-nang-quy-mo-san-xuat-tang-kha-nang-canh-tranh-138598.html