Giảm thuế giá trị gia tăng như hiện hành nhằm giảm áp lực cho ngân sách

Chiều 20/11, tại Quốc hội, giải trình ý kiến đại biểu nêu về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho nửa năm 2024 như hiện hành, nhằm đảm bảo sự nhất quán trong chính sách và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Cân nhắc mở rộng đối tượng giảm thuế

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu phát biểu bày tỏ thống nhất cao với việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, ông tán thành, thống nhất cao với ý kiến của cơ quan thẩm tra, cũng như sự cần thiết của việc giảm thuế GTGT.

Theo đại biểu, thời gian qua, việc tập trung chỉ đạo điều hành của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội là rất quyết liệt, căn cơ, đồng bộ với các giải pháp về tài chính, ngân sách. Các chính sách đã có tác động tương đối tích cực và mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Nguyễn Tạo: Nghị quyết của Quốc hội là rất quyết liệt, căn cơ, đồng bộ với các giải pháp về tài chính, ngân sách.

Nhờ đó, doanh nghiệp đã từng bước ổn định được sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại tương đối bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Theo đại biểu, phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết như phạm vi áp dụng của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, bối cảnh ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là thời điểm của dịch bệnh Covid-19, đã tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau.

Vì vậy, Nghị quyết số 43/2022/QH15 chỉ giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số này cũng đang rất khó khăn, như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán...

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.

Như vậy, phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành, vừa có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến giảm thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng.

Áp dụng cả năm sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách

Liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế, đại biểu Dương Khắc Mai tán thành với ý kiến được nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là “Trong trường hợp Chính phủ đến thời điểm giữa năm 2024 mới xác định rõ nhu cầu cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho nửa cuối năm 2024 thì đề nghị bảo đảm các quy trình thủ tục ban hành văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Về tác động của việc giảm thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Bởi theo nữ đại biểu, tờ trình của Chính phủ cần phân tích rõ hơn hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này. Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ tác dụng của chính sách này với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.

Trong khi có ý kiến đề nghị cân nhắc thời gian giảm thuế, nếu kéo dài có thể gây tác động xấu tới thu ngân sách nhà nước, có một số ý kiến đề nghị cần kéo dài thời gian cả năm 2024, thay vì nửa năm theo đề xuất của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề nghị cân nhắc giảm thuế GTGT cho cả năm 2024. Đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế GTGT tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tăng nhu cầu tiêu dùng.

“Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023 bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập việc làm và niềm tin tiêu dùng chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị cần thiết được tiếp nối trong năm 2024” - đại biểu Nguyễn Duy Thanh nói.

Theo đại biểu, đề xuất giảm 2% thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, năm 2024 có thể giảm thuế cho tất cả các đối tượng và cân nhắc áp dụng cho cả năm.

Giải trình ý kiến đại biểu về đề xuất tại sao giảm thuế GTGT đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực cho NSNN.

Theo Bộ trưởng, việc giảm thuế GTGT chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Bộ trưởng cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, gỡ vướng trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường, hỗ trợ vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động…

Lý giải tại sao không giảm thuế cho tất cả các đối tượng, mà chỉ thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội như hiện nay, Bộ trưởng cho biết, đó là nhằm đảm bảo sự nhất quán trong chính sách và giảm áp lực cho ngân sách. “Nếu giảm thuế cho cả năm 2024 sẽ gây khó khăn cho ngân sách” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Một lần nữa, người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh đến việc cần thiết thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với các giải pháp về giảm thuế, phí.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận, Chính phủ sẽ đánh giá, tiếp thu và giải trình, báo cáo Quốc hội.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế GTGT chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP.

"Để thúc đẩy tăng trưởng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, gỡ vướng trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường, hỗ trợ vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động…" - Bộ trưởng nói.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-nhu-hien-hanh-nham-giam-ap-luc-cho-ngan-sach-139833.html