Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Tênh Phông

Xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có 305 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu, 100% người dân tộc Mông. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại. Nhằm ngăn ngừa, giảm dần tình trạng trên, Ðảng ủy, chính quyền xã Tênh Phông đã tích cực, đẩy mạnh kết hợp cùng các tổ chức, đơn vị trên địa bàn, tổ chức các cuộc truyền thông nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Viên chức dân số Trạm Y tế xã Tênh Phông và cộng tác viên dân số phối hợp tuyên truyền, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại bản Ten Hon, xã Tênh Phông.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại từ lâu trong cộng đồng các dân tộc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó chủ yếu là do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến và hủ tục tồn tại, bám rễ từ đời này sang đời khác của người dân. Các hộ dân thường sống cách biệt, phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc giới trẻ vùng cao phát triển sớm, tiếp cận sớm với các loại phim ảnh, thông tin tiêu cực từ các thiết bị thông minh cũng là một phần nguyên nhân, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý của các em.

Em H.T.Ð, sinh năm 2007, bản Ten Hon, xã Tênh Phông chia sẻ: Trước kia em có đi học nên được gia đình mua điện thoại để tiện liên lạc. Ngoài gọi điện, nhắn tin về cho gia đình, em còn nói chuyện với bạn bè trong trường. Em thấy ông, cha đều yêu sớm nên cũng tìm bạn trên mạng xã hội và có quen chồng hiện tại. Mặc dù biết còn tuổi đi học nhưng lỡ yêu và có bầu nên đành bỏ học lấy chồng năm 2022. Hiện tại gia đình có 3 người, sau khi sinh sức khỏe của em yếu nên chỉ trông con và quanh quẩn ở nhà. Nhiều khi nhìn bạn bè tới trường em buồn lắm. Là hộ nghèo của xã, trong gia đình trụ cột kinh tế chủ yếu là chồng; mặc dù cố làm quanh năm suốt tháng nhưng chỉ đủ ăn. Mỗi khi gia đình có việc cần tiền thì phải giật gấu vá vai...

Ðể hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể, như Trạm Y tế, Hội Phụ nữ, Tư pháp xã… đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, truyền thông, cũng như áp dụng các chế tài xử lý hành chính những trường hợp vi phạm. Từ sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Tênh Phông những năm gần đây đã có chuyển biến. Năm 2021 toàn xã có 10 trường hợp, năm 2022 còn 8 trường hợp, trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ còn 4 trường hợp; tất cả đều là tảo hôn, không có trường hợp nào là hôn nhân cận huyết thống.

Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: Thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết phổ biến ở vùng cao, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn do phong tục và trình độ dân trí không đều của người dân. Những năm qua việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật được xã đẩy mạnh, xuyên suốt theo từng tháng, từng quý trong năm. Các buổi tuyên truyền, truyền thông trong nhà trường, ở tại bản, đến từng nhà sẽ góp phần nâng cao nhận thức cũng như dần thay đổi cách nghĩ của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Song hành cùng công tác tuyên truyền, xã còn áp dụng các chế tài xử lý vi phạm từ 1 - 3 triệu đồng đối với các trường hợp tảo hôn. Từ đó ngăn ngừa, giảm dần vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Có thể thấy những thay đổi tích cực qua việc áp dụng, kết hợp các biện pháp xử lý vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Tênh Phông. Mặc dù vậy, việc thay đổi, xóa bỏ hoàn toàn không thể trong một sớm một chiều. Ðể vấn nạn này hoàn toàn được xóa bỏ còn cần sự chung tay, góp sức và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan; đặc biệt cốt lõi vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức, phá bỏ rào cản từ phong tục, tập quán lạc hậu hiện hữu trong đời sống cộng đồng các dân tộc vùng cao.

Bài, ảnh: Trần Nhâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/210392/giam-thieu-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong-o-tenh-phong