Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Đa dạng mô hình phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi' thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 9 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), đang được các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai tích cực bằng nhiều cách thức khác nhau. Từ những mô hình đó, ý thức của bà con DTTS từng bước được nâng lên.

Sân khấu hóa mô hình thanh niên Lào Cai nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hiệu quả từ những mô hình sân khấu hóa

Vui, dễ nhớ, dễ làm, thu hút được đông đảo các bạn trẻ tham gia, Chương trình “Rung chuông vàng” đang được Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn triển khai với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Tại Chương trình “Rung chuông vàng” do Trường PTTH Bình Trung, huyện Chợ Đồn tổ chức đã thu hút đông bảo thầy và trò tham gia.

Khắp sân trường là những tiếng hò reo cổ vũ trước những tiểu phẩm bi hài, “dở khóc, dở cười” về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các em học sinh. Tất cả các tiểu phẩm đều phản ánh chân thực về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang xảy ra tại chính nơi các em đang sinh sống. Các đội thi đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem bằng lối diễn mộc mạc, tự nhiên cùng cốt truyện hấp dẫn. Mỗi tác phẩm đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi thanh niên.

Em Sàng Thì Giang - học sinh lớp 11B, Trường PTTH Bình Trung, huyện Chợ Đồn chia sẻ, thông qua hội thi, em đã hiểu hơn các quy định về độ tuổi kết hôn, cũng như hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Vì vậy, nếu có cơ hội em sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè và bà con trong bản “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Còn tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng, chống tảo hôn và phát triển du lịch cộng đồng. Thông qua các buổi giao lưu, những cách làm hay, mô hình tốt đã được nhân rộng ra toàn huyện. Thành công từ những mô hình đó đã cho thấy bước đi và cách làm phù hợp từ chính quyền cơ sở.

Ông Sùng A Chênh - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bắc Hà cho biết, huyện thường xuyên tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh dân số, Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015-2025”. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng chữ Việt - Mông; tổ chức các phiên tòa giả định; giao lưu, tọa đàm “nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn quy trình, các bước, trình tự, thủ tục xử lý các trường hợp tảo hôn và nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn… qua đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Bắc Hà đã giảm theo từng năm.

Cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng

Từ cách làm sáng tạo, bằng hình thức sân khấu hóa và những mô hình tuyên truyền khác đã thực sự mang lại hiệu quả, người xem dễ nhớ, dễ hiểu và nhớ lâu thông qua các nhân vật hùng biện thuyết phục và những tiểu phẩm thú vị, ý nghĩa.

Theo bà Triệu Thị Thu Phương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, rất cần sự vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhằm tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719.

Còn tại tỉnh Cao Bằng, trong năm 2023, tỉnh sẽ duy trì mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đó là huyện Hạ Lang, Bảo Lạc, Thạch An. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm bình quân 2 - 3%/ năm số cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chia sẻ vấn đề này, ông Bế Văn Hùng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình MTQG 1719, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Để giải quyết triệt để vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất cần có các giải pháp cụ thể, thường xuyên liên tục từ chính quyền các cấp. Từ những giải pháp đó, bà con mới có nền tảng để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, bền vững với hôn nhân lành mạnh.

Minh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-thieu-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong--da-dang-mo-hinh-phong-chong-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-5728321.html