Giảm thiểu nguy cơ mắc rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Rối loạn ngôn ngữ đang có xu hướng ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề đáng báo động ở trẻ nhỏ. Ngày nay, nhờ ảnh hưởng sâu rộng của truyền thông nên bố mẹ sớm nhận thức được những vấn đề bất thường trong sự phát triển của con để có sự hỗ trợ kịp thời. Nhiều trung tâm hỗ trợ trẻ em phát triển năng lực trên địa bàn tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu tham vấn của phụ huynh, cũng như hỗ trợ chức năng cho trẻ có các rối loạn phát triển.

 Một tiết học trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tại Trung tâm Phục hồi chức năng Thiện Nhân-Ảnh: THU THẢO

Một tiết học trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tại Trung tâm Phục hồi chức năng Thiện Nhân-Ảnh: THU THẢO

Tại Công ty TNHH Phát triển năng lực Hiểu Tâm, cứ 2 em được đưa đến trung tâm nhờ hỗ trợ thì có 1 em gặp vấn đề về phát triển năng lực ngôn ngữ. Trong khi đó, tại Trung tâm Phục hồi chức năng Thiện Nhân thuộc Hội Từ thiện tỉnh ở TP. Đông Hà, trong tổng số 25 em đang được hỗ trợ tại trung tâm thì có đến 10 em tham gia can thiệp rối loạn ngôn ngữ riêng biệt. “Độ tuổi của các bé tham gia can thiệp ở đây thường từ 3 - 6 tuổi. Sau khi cùng các cô giáo có chuyên môn, nghiệp vụ giáo dục đặc biệt tham gia đánh giá, trẻ được phân nhóm và tùy theo mức độ nặng nhẹ của rối loạn mà lựa chọn hình thức can thiệp theo giờ hay toàn thời gian”, chị Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Thiện Nhân cho biết.

Từ 6 tháng tuổi, trẻ đã tích cực bắt chước theo những âm thanh lời nói của người lớn. Từ 1- 3 tuổi là giai đoạn quan trọng để hình thành và phát triển ngôn ngữ, lời nói cũng như khả năng giao tiếp của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trẻ có biểu hiện chậm nói, cụ thể như khi 12 tháng tuổi bé vẫn chưa biết bắt chước lời nói của bố mẹ và chưa bập bẹ; 18 tháng tuổi vẫn chưa thể nói được từ đơn hoàn chỉnh hay 24 tháng tuổi chỉ nói được vài từ đơn giản, chưa biết nói từ có hai âm tiết và giao tiếp chủ yếu thông qua cử chỉ. Một số bé 30 tháng có vốn từ ít, thậm chí 36 tháng mới nói được một số từ phức đơn giản, không biết sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý muốn.

Chị N. B. (trú tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh), phụ huynh của 2 bé 6 tuổi và 3 tuổi đang theo học các lớp học giáo dục chuyên biệt ở TP. Đông Hà cho biết, con gái đầu của chị lúc 3 tuổi rưỡi chỉ nói một vài từ đơn, nói từ vô nghĩa, sai cấu trúc câu, kèm theo sự hiếu động, khó kiểm soát hành vi. Sau đó, chị đưa con đi tham vấn thì được khuyên nên đưa trẻ đi tiến hành can thiệp sớm.

Theo các tài liệu về rối loạn phát triển ở trẻ, rối loạn ngôn ngữ riêng biệt thường có một hoặc một vài dấu hiệu như khó khăn dai dẳng trong hình thành và sử dụng ngôn ngữ dẫn đến suy giảm khả năng hiểu hoặc giảm vốn từ, hạn chế cấu trúc câu, làm hỏng cuộc nói chuyện; khả năng ngôn ngữ thấp đáng kể so với lứa tuổi, dẫn đến hạn chế hiệu quả giao tiếp, tham gia xã hội, thành tích học tập kém. Trong khi đó, việc nói chậm, bất thường, không phát triển ngôn ngữ có thể là biểu hiện đi kèm của các rối loạn khác như khiếm thính, bại não, chậm phát triển trí tuệ hay tự kỷ.

Chị Hiểu chia sẻ rằng, rất khó để xác định một bạn nhỏ có rối loạn ngôn ngữ đơn thuần hay không, bởi vì không phải chỉ dựa vào 1 đến 2 dấu hiệu để có thể chẩn đoán vấn đề của trẻ. Do đó, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến các bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để được kiểm tra kỹ càng hơn. Không thể lơ là, chủ quan hay quy chụp những biểu hiện trên để thờ ơ hay trì trệ việc can thiệp cho trẻ.

“Do không có kiến thức nên bố mẹ dễ nhầm lẫn, đánh đồng giữa tăng động và hiếu động. Đồng thời, phụ huynh cũng chỉ suy nghĩ đơn giản việc chậm nói như một sự phát triển tự nhiên của trẻ. Người lớn thường cho rằng, tùy khả năng và nhu cầu của từng đứa trẻ mà có bé biết nói sớm, bé nói muộn, có đứa nói nhiều, đứa nói ít hay “Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu”. Nhưng họ không hề biết rằng chậm nói tức là chậm phát triển ngôn ngữ, dẫn đến chậm hiểu, chậm tiếp thu kiến thức, rất khó khăn cho con khi đến tuổi đi học”, chị B. chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ chỉ trẻ em thành thị mới thường gặp phải những vấn đề này do thiếu tiếp xúc với môi trường xung quanh, thường bị chi phối bởi các thiết bị điện tử thông minh. Tuy nhiên, đó là cách nhìn phiến diện, một chiều. Đến nay, vẫn chưa có một báo cáo nào chỉ ra rõ nguyên nhân chính xác, rõ ràng dẫn đến rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Các chuyên gia chỉ khoanh vùng tập trung nghiên cứu vào hai nhóm nguyên nhân chính: bên trong (rối loạn não bộ, bẩm sinh, di truyền..) và bên ngoài (thiếu cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ), nguyên nhân tâm bệnh. Có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân cụ thể.

Tham gia tập huấn cho các giáo viên hỗ trợ trẻ đặc biệt tại TP. Đông Hà, Thạc sĩ Giáo dục học - Khuyết tật học, cán bộ Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia Nguyễn Trọng Dần cho biết: Về phương pháp hỗ trợ, không có phương pháp nào là vạn năng. Vì vậy, bố mẹ cần kết hợp nhiều hoạt động, nhiều môi trường để hỗ trợ con phát triển. Điều cần thiết nhất là đưa trẻ đến thăm khám ở các cơ sở y tế, các chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt uy tín để xác định chính xác mức độ của con. Tiến hành các hoạt động ngôn ngữ trị liệu, can thiệp sớm cho trẻ với kế hoạch, nội dung, phương pháp rõ ràng, khoa học. Kết hợp các phương pháp khác như điều trị y tế, âm nhạc trị liệu, tâm vận động, trị liệu cảm giác nếu cần thiết.

Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình là môi trường xã hội tương tác nhiều nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ từ 0-6 tuổi. Vì vậy, để ngăn ngừa và giảm thiểu những nguy cơ rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, cần hỗ trợ phụ huynh kỹ năng tương tác với trẻ thông qua các trò chơi kết hợp, tăng vốn từ có nghĩa cho trẻ trong các hoạt động sinh hoạt tại nhà và ở trường. Bố mẹ nên hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị thông minh, thường xuyên trao đổi, trò chuyện, gia tăng cơ hội tương tác của trẻ để con sớm hình thành và phát triển ngôn ngữ, tăng kỹ năng giao tiếp xã hội. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của phụ huynh về vai trò của gia đình trong sự phát triển của trẻ, chú trọng giúp trẻ phát huy hết mọi khả năng của mình trong giai đoạn phát triển vàng.

Thu Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=172293&title=giam-thieu-nguy-co-mac-roi-loan-ngon-ngu-o-tre-nho