Giám sát việc thực hiện cam kết, lời hứa

Sáng 6.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một trong những hoạt động của Quốc hội được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Đây cũng là cơ hội để Quốc hội, cử tri và Nhân dân thấy được những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.

Kỳ họp thứ Sáu là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như thông lệ. Với thời lượng 2 ngày rưỡi, phiên chất vấn sẽ tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cụ thể gồm: 10 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Hay nói cách khác, phiên chất vấn lần này thực chất là giám sát việc thực hiện “lời hứa”, cam kết trước Quốc hội, trước cử tri của các tư lệnh trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Dù không chất vấn theo nhóm vấn đề nhưng để bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả của hoạt động chất vấn của Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này tập trung vào lĩnh vực kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước.

Đặc biệt, ở phiên chất vấn lần này, không quy định “cứng” thời gian chất vấn dành cho mỗi nhóm lĩnh vực, mà thời gian sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của phiên chất vấn. Bởi thực tế cho thấy, có những lĩnh vực đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm với nhiều vấn đề còn "nóng" chưa được giải quyết rốt ráo, nhưng cũng có những lĩnh vực cử tri, nhân dân đã thấy rõ sự quyết tâm, quyết liệt của tư lệnh ngành trong thực hiện các cam kết, lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri. Việc không quy định cứng thời gian chất vấn đối với từng lĩnh vực tạo sự chủ động, linh hoạt đối với người điều hành phiên chất vấn. Điều này, góp phần nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thực tế cho thấy, có những bộ trưởng, trưởng ngành có thâm niên trong quản lý điều hành, có những "tư lệnh" ngành đảm trách nhiệm vụ chưa nhiều nhưng đều đã có những nỗ lực trong thời gian qua. Có những lời hứa, cam kết đã được bộ trưởng, trưởng ngành hiện thực hóa bởi những quyết tâm hành động, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những lĩnh vực sự chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, chưa đáp ứng nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân.

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Với phương châm “coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát”, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này là dịp bộ trưởng, trưởng ngành nhìn nhận lại những gì mình đã làm được, chưa làm được theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện cam kết, lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri đến đâu.

Chất vấn không phải là “bới lông tìm vết”. Mấu chốt của chất vấn là chỉ ra được những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém, để cùng bàn bạc, giải quyết, giúp các bộ trưởng, trưởng ngành điều hành, quản lý tốt hơn. Để giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn rất cần sự thẳng thắn, tâm huyết, không né tránh của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là sự lắng nghe, cầu thị và thẳng thắn nhận trách nhiệm, cũng như đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề đang đặt ra của các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/giam-sat-viec-thuc-hien-cam-ket-loi-hua-i348940/