Giám sát theo lĩnh vực phụ trách của ban, địa bàn tổ đại biểu

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện Mường Khương, Lào Cai Nguyễn Thị Thúy Nga, việc Thường trực HĐND giao các Ban, Tổ đại biểu theo dõi giám sát giải quyết ý kiến cử tri theo lĩnh vực phụ trách của ban, theo địa bàn của Tổ đại biểu sẽ giúp việc giám sát giải quyết thuận lợi, chính xác hơn. Đối với ý kiến cần có kết quả giải quyết mà kéo dài, cần đưa vào nội dung làm việc tại phiên họp của Thường trực HĐND hàng tháng; mời cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cơ quan liên quan, các chuyên gia, người có chuyên môn, kinh nghiệm về vấn đề cử tri ý kiến cùng dự họp để ý kiến được giải quyết kịp thời, triệt để hơn.

Cử tri huyện Mường Khương kiến nghị trong một buổt tiếp xúc với đại biểu dân cử. Ảnh: H. Hiền

Thực sự phù hợp, thấu tình, đạt lý

Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những hoạt động thường xuyên của Thường trực HĐND các cấp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua thực tiễn giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện Mường Khương, Lào Cai Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng đây là một nhiệm vụ vô cùng khó, vì kiến nghị của cử tri rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, Thường trực HĐND các cấp có số lượng thành viên ít, mỗi thành viên chỉ có một chuyên môn nhất định nên việc giám sát giải quyết kiến nghị trên tất cả các lĩnh vực cử tri có ý kiến không đơn giản.

Kiến nghị của cử tri không chỉ rộng trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại có nhiều quy định, có ý kiến liên quan đến rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách rất phức tạp đòi hỏi người giám sát giải quyết phải công tâm trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định liên quan đến nội dung kiến nghị, tình hình giải quyết trước đây; không nể nang ngại va chạm, vừa đứng trên lập trường của cử tri, vừa phải tuân thủ pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, có quan điểm đánh giá đúng đắn, khách quan về kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền để từ đó đưa ra quan điểm của mình với kết quả giải quyết; nếu đã đồng thuận thì kết thúc theo dõi đối với ý kiến đó, nếu chưa đồng thuận phải chỉ ra được căn cứ cụ thể khẳng định cách giải quyết của cơ quan chuyên môn chưa đúng quy định, chưa phù hợp và tiếp tục theo dõi giải quyết. Kết quả giải quyết phải thực sự phù hợp với quy định, thấu tình, đạt lý, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của cử tri, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của cử tri, thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm và lời hứa trước cử tri. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan dân cử.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương

Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện Mường Khương Nguyễn Thị Thúy Nga, ngoài những khó khăn khi xem xét đánh giá kết quả giải quyết đối với những ý kiến phức tạp thì việc xác định khi nào một ý kiến được coi là đã giải quyết xong, những ý kiến nào không thể giải quyết được cũng là việc mà có nơi chưa có sự thống nhất về cách xác định. Vì có những ý kiến chỉ cần trả lời mà không cần kết quả giải quyết đã được xác định là giải quyết xong, nhưng có những ý kiến cần phải có kết quả giải quyết cụ thể mới được xác định là giải quyết xong.

Tuy nhiên, có những ý kiến còn phụ thuộc vào nguồn lực thực hiện, những ý kiến này thường liên quan đến đầu tư xây dựng, nếu vì chưa có kết quả giải quyết cụ thể nên đánh giá là chưa giải quyết thì các ý kiến này sẽ tiếp tục phải được theo dõi, nhưng trên thực tế nó không thể giải quyết được do khả năng ngân sách của địa phương. Chính vì vậy, cần căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nếu đơn vị đã trả lời rõ ràng chưa thể có nguồn lực thực hiện, đồng thời qua tìm hiểu nó chưa phải là nội dung cần phải ưu tiên đầu tư thì chúng tôi coi các ý kiến này là đã trả lời rõ ràng, đầy đủ và xếp vào nhóm ý kiến đã giải quyết xong để dừng việc theo dõi - Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện Mường Khương Nguyễn Thị Thúy Nga nhấn mạnh.

Theo dõi hệ thống, nghiên cứu chuyên sâu quá trình giải quyết

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện Mường Khương Nguyễn Thị Thúy Nga trước hết, cần nâng cao chất lượng đại biểu HĐND. Để tổng hợp được đầy đủ chính xác ý kiến cử tri và đủ thông tin cần thiết cho khâu xem xét và giám sát giải quyết thì việc tổng hợp ý kiến cử tri của Tổ đại biểu rất quan trọng. Đại biểu phải có khả năng tổng hợp, sàng lọc ý kiến, nhận định vấn đề cần thiết phải đề nghị cử tri bổ sung thông tin, đồng thời kiểm tra lại độ chính xác của các kiến nghị của cử tri; biết đánh giá chính xác việc trả lời trực tiếp của các đơn vị tại buổi TXCT để tổng hợp. Mỗi đại biểu ngoài phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm với công việc, cần có năng lực làm việc, khả năng nghiên cứu, tư duy độc lập, biết vận dụng quy định để phát huy vai trò trong giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Sau khi ý kiến của cử tri được Tổ đại biểu tổng hợp, Thường trực HĐND chỉ đạo các Tổ đại biểu, các Ban HĐND rà soát lại để bảo đảm tổng hợp chính xác và ý kiến thực sự có cơ sở yêu cầu phải giải quyết hoặc trả lời. Thường trực HĐND giao các Ban, Tổ đại biểu theo dõi giám sát giải quyết ý kiến cử tri theo lĩnh vực phụ trách của Ban, theo địa bàn của Tổ đại biểu. Làm như vậy sẽ có sự theo dõi hệ thống, nghiên cứu chuyên sâu về quá trình giải quyết đối với các ý kiến cùng nhóm, giúp cho việc giám sát giải quyết được thuận lợi, chính xác hơn. Đối với ý kiến cần phải có kết quả giải quyết mà giải quyết kéo dài, Thường trực HĐND cần đưa vào nội dung làm việc tại phiên họp của Thường trực hàng tháng, mời cơ quan có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri và cơ quan có liên quan, các chuyên gia người có chuyên môn và kinh nghiệm về vấn đề cử tri ý kiến cùng dự họp bàn biện pháp giải quyết để ý kiến được giải quyết kịp thời, triệt để hơn.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/giam-sat-theo-linh-vuc-phu-trach-cua-ban-dia-ban-to-dai-bieu-i360395/