Giám sát, quản lý Nhà nước về thanh tra, tiếp dân, giải quyết KN, TC

Hôm nay (14/4), Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ với 2 chủ đề “Quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN): Lý luận, thực trạng và giải pháp” của TS Nguyễn Tuấn Khanh và “Giám sát công tác giải quyết KN, TC hành chính ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp” của TS Trần Văn Long. Phó Tổng Thanh tra - TS Nguyễn Đức Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng Thuyết minh.

Chủ tịch Hội đồng, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho ý kiến về các đề tài. Ảnh: TH

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động quản lý Nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và PCTN còn một số tồn tại, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra còn chồng chéo giữa thanh tra các cấp, các ngành; việc đôn đốc xử lý sau thanh tra có những tiến bộ, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi tài sản qua thanh tra còn thấp.

Công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC, các kiến nghị do cơ quan thanh tra đưa ra thường chung chung, ít chỉ rõ sai phạm trong từng vụ việc cụ thể và không đưa ra chế tài xử lý đối với các trường hợp cụ thể này. Kết quả của hoạt động rà soát mới chỉ dừng lại việc thống nhất với các địa phương về phương án giải quyết. Các cơ quan thanh tra chỉ có thẩm quyền đôn đốc, không có thẩm quyền ra quyết định giải quyết KN hành chính…

Bối cảnh hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cụ thể đòi hỏi tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC và PCTN trên các phương diện: Quản lý Nhà nước về công tác thanh tra là quản lý theo ngành; sự quản lý thống nhất và các cơ quan, cá nhân liên quan thực hiện thống nhất pháp luật, đảm bảo việc áp dụng pháp luật chính sách, hiệu quả, nhất là công tác này cần phải có sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan thanh tra.

Xuất phát từ những lý do trên, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về công tác thanh tra, giải quyết KN, TC và PCTN, việc triển khai đề tài này là cần thiết.

Còn theo TS Trần Văn Long, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng giám sát trong công tác giải quyết KN, TC hành chính là một yêu cầu khách quan đang đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, pháp luật về hoạt động giám sát còn có những bất cập, hạn chế; chất lượng hoạt động giám sát công tác giải quyết KN, TC chưa cao; việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát. Từ những tồn tại, hạn chế, đặt ra vấn đề cần nghiên cứu một cách toàn diện, cả về lý luận và thực tiễn nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát công tác giải quyết KN, TC hành chính.

Ngoài ra, việc triển khai nghiên cứu đề tài nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát, về KN, TC hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát công tác giải quyết KN, TC hành chính.

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết của các đề tài và đồng ý Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục nghiên cứu.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/giam-sat-quan-ly-nha-nuoc-ve-thanh-tra-tiep-dan-giai-quyet-kn-tc_t114c1059n102465