Giám sát lời hứa

Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, với các kiến nghị, lãnh đạo các bộ, ngành còn chậm trả lời hoặc trả lời chung chung, thiếu rõ ràng. Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan, đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri.

ĐBQH Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường, ngày 20/11. Ảnh: Quang Vinh.

Văn bản trả lời vẫn còn chung chung

Dẫn số liệu Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%, ĐBQH Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đánh giá điều này thể hiện sự cầu thị, tiếp thu của các bộ, ngành, địa phương trong việc trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Song, theo ông Dương, vẫn còn một số văn bản trả lời mang tính cung cấp thông tin, mang tính khái quát hướng tiếp cận, tập trung cho việc nghiên cứu để giải quyết sửa đổi bổ sung các quy định mà chưa có giải pháp quyết liệt để giải quyết các vướng mắc bức xúc, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị.

Cùng quan điểm, ĐBQH Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, cử tri còn băn khoăn khi vẫn còn một số vụ việc cử tri kiến nghị trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Về nguyên nhân, theo ông Phước, là bởi công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành.

“Một số vấn đề được Đoàn ĐBQH các tỉnh gửi văn bản riêng tới các bộ, ngành, được Ban Dân nguyện theo dõi, đôn đốc, nhưng chưa được các bộ, ngành trung ương quan tâm trả lời. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH cũng như ĐBQH nói riêng” - ông Phước nêu.

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cũng băn khoăn khi thực tế còn nhiều vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.

Ông Thông nhắc lại vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước.

“Bộ LĐTBXH đã nhiều lần ghi nhận và hứa và sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này” - ông Thông nói.

Còn ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đánh giá: “Phần trả lời kiến nghị của cử tri còn những phần trả lời chưa sát, chưa đúng, chưa trúng, gây khó khăn cho các địa phương thực hiện cũng như còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, một số kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, kỹ lưỡng”.

Theo ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn), cử tri mong trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ có các giải pháp cụ thể và quyết liệt thực hiện như thế nào để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị? Tuy nhiên các bộ, ngành chỉ trả lời về các giải pháp đã thực hiện.

Giải trình về vấn đề thiếu thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận. Bộ Y tế chỉ phụ trách vấn đề đấu thầu tập trung cấp quốc gia, chỉ chiếm khoảng từ 16 đến 18% tổng số, còn lại là đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm cho mình. Do việc triển khai thực tế ở địa phương, nhiều cơ sở giao cho các đơn vị làm nhiệm vụ đấu thầu, các bác sĩ, nhân viên Y tế không hiểu rõ về cơ chế mua sắm nên trong quá trình làm cũng còn lúng túng.

Đôn đốc xử lý việc phản hồi thông tin

“Để nâng cao hơn nữa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kiến nghị ĐBQH, Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát đến cùng trả lời kiến nghị của cử tri. Không chỉ giám sát số lượng các trả lời mà đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân đảm bảo đúng quy trình của pháp luật hay chưa?” - ông Tráng A Dương đặt vấn đề và đề nghị cần theo đến cùng những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành để đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri. Qua đó, Đoàn ĐBQH có cơ sở giám sát, và báo cáo với cử tri.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, ông Dương Văn Phước đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, để nhân dân có thể giám sát.

Về phía Chính phủ, ông Phước kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm, đến nay chưa giải quyết. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ chủ quản.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc cũng cho rằng, Quốc hội cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ, ngành, qua đó có đôn đốc, theo dõi thực hiện. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện.

Giải trình liên quan đến vấn đề hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, một nền nông nghiệp mà những nông sản an toàn thực phẩm, không có chất dư lượng không phải chỉ là câu chuyện để xuất khẩu mà còn cho cả người tiêu dùng Việt Nam. Với một cấu trúc ngành nông nghiệp với nhiều việc diễn ra ở địa phương nên mong rằng các ĐBQH cũng tham gia giám sát giúp cho Bộ NNPTNT.

Từ thực tế theo dõi việc trả lời kiến nghị của cử tri, Phó ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công kiến nghị, Chính phủ, các, bộ, ngành trả lời đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri, giải quyết những tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm những kiến nghị trong lĩnh vực quản lý, nhất là những kiến nghị liên quan đến đời sống dân sinh, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng tiến độ để báo cáo trước cử tri.

Theo ông Công, Quốc hội cần đưa nội dung này vào Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ ngành thực hiện, cũng như để các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ĐBQH triển khai giám sát chặt chẽ đối với việc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiến nghị của cử tri.

ĐBQH Nàng Xô Vi: Việc trả lời và hướng giải quyết kiến nghị cử tri thời gian qua có nội dung còn chậm, như chính sách hỗ trợ, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không còn được hưởng các chính sách này do điều chỉnh danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Giải quyết các kiến nghị kéo dài

Đề cập đến việc trong các đợt tiếp xúc cử tri, cử tri đặc biệt quan tâm đến kết quả các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ĐBQH Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) đề nghị, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện thường xuyên giám sát giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời hơn nữa việc xem xét giải quyết kiến nghị xác đáng của cử tri thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho rằng Quốc hội cần rà soát những kiến nghị và những nhóm kiến nghị đã được các Đoàn ĐBQH kiến nghị nhiều lần mà chưa có quy định, hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn để giao cho các cơ quan có liên quan trả lời cử tri và giải quyết dứt điểm. Đối với những nội dung đủ điều kiện thì đề nghị nghiên cứu để thể chế hóa thành các quy định pháp luật phù hợp.

Trong khi đó, ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị, rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng. Bộ GDĐT đã có rất nhiều những văn bản quy định, đặc biệt là có Thông tư 17 quy định về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường, những quy định về đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo cũng đã rất đầy đủ các quy định với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Với 53.000 trường học và những gì diễn ra trong môi trường ngoài nhà trường, Bộ GDĐT mong chính quyền địa phương phối hợp để có thể kiểm soát việc này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội đã được quy định tại Luật Người cao tuổi là 80 tuổi mới được hưởng. Tuy nhiên, qua ý kiến ĐBQH nêu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận, báo cáo chuyển nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội. Trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, còn việc quyết định cuối cùng là ở Quốc hội.

Đề cập đến độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, đây là vấn đề được quy định tại Luật Người cao tuổi và hiện tại trong luật này quy định 80 tuổi mới được hưởng. Luật quy định như thế, nên bộ cũng không có quyền. Tuy nhiên, trong lúc chưa sửa được Luật Người cao tuổi, Bộ đã chủ động báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với Chính phủ và chuyển nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội. Trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và đưa vào tầng bảo hiểm hưu trí xã hội. Hiện nay Quốc hội đang xem xét và quyết định cuối cùng là do Quốc hội.

M.Loan-H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giam-sat-loi-hua-10267069.html