Giám sát liên thông để quản lý thị trường trái phiếu

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, Bộ Tài chính xác định tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản; tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư…

Niềm tin đã trở lại

Theo Bộ Tài chính, tính đến 24.11.2023, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 214,3 nghìn tỷ đồng (giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022). Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 11 tháng qua là các nhà đầu tư tổ chức (chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành, chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%), còn lại là nhà đầu tư cá nhân.

Nguồn: ITN

Đáng chú ý, kể từ 5.3.2023, khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 08) có hiệu lực thi hành, khối lượng phát hành là 213,5 nghìn tỷ đồng.

Đặt trong bối cảnh suốt quý I năm nay hầu như không có đợt phát hành nào, chỉ từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước, rõ ràng Nghị định số 08 đã tạo tác động rất tích cực, trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên. Nói cách khác, Nghị định số 08 đã tạo cho tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư dần ổn định trở lại, qua đó giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện tích cực.

Tuy vậy, thị trường vẫn còn những khó khăn. Đại diện Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, từ tháng 7.2023 đến nay, chủ yếu vẫn là trái phiếu phát hành riêng lẻ, trong khi lượng phát hành ra công chúng không nhiều, chỉ chiếm hơn 11,4% tổng giá trị phát hành. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp SPE (công ty được thành lập chỉ với mục đích để huy động vốn) phát hành ra thị trường vẫn lớn, lên tới 38 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng giá trị phát hành trong năm nay, vượt con số 29 nghìn tỷ đồng trong năm ngoái; trong đó hơn 50% doanh nghiệp SPE có vấn đề về trả nợ trái phiếu ở giai đoạn sau.

Còn theo báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tăng trở lại trong tháng cuối năm nay, với khoảng 20,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, cao hơn đáng kể so với hai tháng trước đó. Năm 2024, áp lực trả nợ giảm trong hai tháng đầu năm, sau đó nhanh chóng dâng lên và dự báo sẽ đạt gần 34,5 nghìn tỷ đồng vào tháng 4.

Rà soát, sửa đổi quy định liên quan thị trường trái phiếu

Trong thời gian tới, để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ triển khai các nhóm giải pháp chính, bao gồm: thực hiện đồng bộ giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền…

Đối với giải pháp về trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp để rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp). Cùng với đó, tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản; tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư.

Nhấn mạnh ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường đóng vai trò rất quan trọng, Bộ Tài chính lưu ý, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính để bảo đảm uy tín.

Về phía các tổ chức cung cấp dịch vụ, có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Về phía nhà đầu tư, cần tìm hiểu đầy đủ quy định pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cũng phải phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, vì thế rủi ro của trái phiếu gắn trực tiếp với rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải rủi ro của ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.

Thiên An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giam-sat-lien-thong-de-quan-ly-thi-truong-trai-phieu-i355223/