Giám sát chuyên đề tại kỳ họp: Để phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa

Tiếp tục chương trình tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, chiều 12/7, HĐND tỉnh tiến hành giám sát trực tiếp tại kỳ họp về nội dung: Công tác quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Tại phiên giám sát đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả việc phát triển du lịch gắn với các di tích văn hóa lịch sử.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải điều hành phiên giám sát. Ảnh: Khánh Linh

Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý nhà nước, đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, nhất là đã ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư tiềm năng như Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC vào xây dựng, phát triển một số dự án lớn như dự án Flamingo Đại Lải, Tam Đảo II, cáp treo Tây Thiên, dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc

Đồng thời, tỉnh đang vận động, thu hút một số nhà đầu tư để đầu tư vào các khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái, vui chơi giải trí với quy mô lớn…

Du lịch Vĩnh Phúc từng bước được khẳng định với số tăng trưởng bình quân về khách du lịch trên 20%/năm. Một số sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa, du lịch thể thao golf đã để lại dấu ấn đối với du khách.

Đặc biệt, tỉnh đã có tên trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể thế giới, được UNESCO vinh danh nghệ thuật ca trù và trò chơi kéo Song. Hệ thống các di tích được quan tâm đầu tư, một số di tích lớn là điểm đến trong hành trình các tour du lịch.

Đại biểu Trần Việt Cường, Tổ đại biểu huyện Bình Xuyên phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: Khánh Linh

Cho ý kiến trong phiên giám sát tại kỳ họp 11, HĐND tỉnh, đại biểu Trần Việt Cường, Tổ đại biểu huyện Bình Xuyên cho rằng: Hiện nay, mặc dù các chính sách phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã có, nhưng việc phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ làm công tác du lịch còn nhiều hạn chế; nhiều hạ tầng kết nối các khu du lịch với các di tích lịch sử, văn hóa đầu tư còn chậm, nhất là hạ tầng giao thông nhỏ, hẹp, xuống cấp; việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư các khu vui chơi giải trí kết nối với các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách.

Vì vậy, đề nghị tỉnh làm rõ các giải pháp bố trí vốn đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông và các hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, người làm công tác du lịch ở các địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu huyện Lập Thạch phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: Khánh Linh

Nhấn mạnh Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế phát triển du lịch khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc, tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với du lịch tâm linh để hình thành các cụm, tuyến du lịch còn hạn chế; việc kết nối các điểm du lịch nội tỉnh và các khu, điểm du lịch các tỉnh lân cận còn nhiều hạn chế, chưa phát huy lợi thế thu hút du khách trong và ngoài nước, đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu huyện Lập Thạch đề nghị thời gian tới, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển du lịch đồng bộ với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Trong đó, cần quan tâm đến phát triển thương hiệu du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc từng vùng, từng miền trong tỉnh.

Có giải pháp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chất lượng hạ tầng các khu, điểm du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, vốn vay ưu đãi và các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư du lịch…

Đại biểu Bùi Hữu Hưng, Tổ đại biểu huyện Vĩnh Tường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Linh

Đề cập đến vấn đề hạ tầng các cơ sở lưu trú chất lượng cao còn ít, nhất là ở các khu vực gắn với các di tích lịch sử văn hóa; sự kết nối các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương còn nhiều hạn chế; sản phẩm du lịch của tỉnh tuy có nhiều sản phẩm nhưng thiếu những sản phẩm thực sự đặc trưng để phục vụ du khách và kích cầu sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân, đại biểu Bùi Hữu Hưng, Tổ đại biểu huyện Vĩnh Tường cho rằng, tỉnh cần lựa chọn các di tích, danh lam thắng cảnh để tập trung đầu tư đồng bộ, toàn diện, tạo nên các tua, điểm du lịch kết nối chất lượng với những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, tạo ấn tượng mạnh mẽ để thu hút và giữ chân du khách ở lại Vĩnh Phúc lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn khi du lịch tại tỉnh.

Phát biểu ý kiến tại phiên giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; giá trị hệ thống các di tích của tỉnh. Tỉnh có quan tâm, dành nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: Khánh Linh

Tuy nhiên, việc này đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc, nên không thể làm nhanh. Việc mở rộng di tích cũng khó khăn, do hầu hết các di tích nằm trong khu dân cư... UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục có các giải pháp để bảo vệ, tôn tạo phát huy giá trị các di tích.

Kết luận phiên giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải thẳng thắn chỉ ra những hạn chế bên cạnh những kết quả đạt được như nhiều di tích đã được xếp hạng nhưng chưa phát huy hiệu quả, thiếu thông tin quảng bá đến nhân dân và du khách; đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu và thiếu; đầu tư hạ tầng kết nối đến các khu, tuyến, điểm du lịch chưa đồng bộ; chưa thu hút các nhà đầu tư chiến lược đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân...

Để khắc phục những tồn tại kể trên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đề nghị UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai và thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về Luật Du lịch, Luật Di sản, các văn bản của Trung ương, các nghị quyết của HĐND tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng theo Đề án xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.

Tập trung rà soát các chính sách về phát triển du lịch và quản lý di tích đã ban hành, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành những chính sách mới cho phù hợp; tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ cổ vật, di tích... giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích tại các điểm du lịch, di tích; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý du lịch và di tích, đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; môi trường sinh thái; an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, để các khu, điểm du lịch luôn là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách…

Thiệu Vũ - Nguyễn Khánh (lược ghi)

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96290//giam-sat-chuyen-de-tai-ky-hop-de-phat-trien-du-lich-gan-voi-cac-di-tich-lich-su-van-hoa