Giám sát an toàn thực phẩm từ gốc

Triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật, cung cấp nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Chuyển biến nhưng vẫn còn vi phạm

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của thành phố đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản chủ cơ sở đã chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chủ cơ sở sản xuất chè kho Dạ Thảo, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Kiều Cao Quyến cho biết, trong quá trình sản xuất, cơ sở đã được huyện, xã quan tâm, tập huấn về an toàn thực phẩm, hướng dẫn quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, nhờ đó sản phẩm chè kho được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất). Ảnh: Hương Giang

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Trần Hùng, thời gian qua, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả, nên từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn huyện có 2.436 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhưng phần lớn nhỏ lẻ. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện và 21 xã, thị trấn đã kiểm tra 502 cơ sở, thì có 21 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; đã xử phạt vi phạm với số tiền là 79 triệu đồng.

Cũng về vấn đề này, theo Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của thị xã đã kiểm tra 598 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở với số tiền hơn 204 triệu đồng.

Lỗi vi phạm chủ yếu là bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng...

Tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát

Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng thông tin, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm về quy định an toàn thực phẩm; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Huyện cũng đề nghị Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến huyện và tuyến xã. Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các chuỗi cung cấp nông sản an toàn trên địa bàn huyện.

Tại các buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội đều nhắc nhở chủ các cửa hàng, cơ sở sản xuất phải nâng cao ý thức trong việc chế biến thực phẩm để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm đúng thời gian quy định.

Cùng với đó, yêu cầu các cơ sở khắc phục việc sửa chữa, nâng cấp khu chế biến thức ăn, bổ sung giá, kệ để bảo quản cũng như nơi bày bán sản phẩm; nguồn gốc hàng hóa; đồng thời, lập biên bản xử phạt đối với những vi phạm tại các cửa hàng kinh doanh, cơ sở sản xuất theo đúng quy định.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở, cần tích cực triển khai lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để cảnh báo sớm nguy cơ, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, tạo sức răn đe.

Bên cạnh đó, các địa phương định hướng sản xuất theo hướng an toàn, mô hình trang trại, liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã) sản xuất thành chuỗi, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và gắn liền với thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, tăng cường kết nối, quản lý, giám sát các hoạt động phân tích, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chứng nhận quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến ra các sản phẩm nông nghiệp, chứng nhận quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến ra các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; rà soát các tổ chức, cá nhân có hoạt động thu mua vận chuyển, giết mổ chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm; định kỳ kiểm tra, phân loại, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, nhất là cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Tăng cường thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm… để kịp thời xử lý vi phạm, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-sat-an-toan-thuc-pham-tu-goc-665986.html