Giảm nghèo từ các mô hình sản xuất

Trong hai năm 2022 - 2023, nguồn lực đầu tư cho các địa phương miền núi là rất lớn. Chỉ tính riêng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh là trên 1.000 tỷ đồng.

Chị Đinh Thị Khóa ở thôn Tang Via, xã Sơn Dung (Sơn Tây) được hỗ trợ phát triển mô hình trồng cây nghệ.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, hộ chị Đinh Thị Khóa, ở thôn Tang Via, xã Sơn Dung (Sơn Tây) đã triển khai thành công mô hình chăn nuôi heo ky. Hiện chị Khóa nuôi 3 con heo nái sinh sản, mỗi con một năm sinh sản từ 20 - 30 con. Chị nuôi gối đầu, cứ sau 6 tháng là xuất bán, đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng. Hiện hộ chị Khóa cũng đang được hỗ trợ trồng thí điểm 0,5ha cây nghệ. Ngoài hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, chị Khóa còn được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Mô hình trồng nghệ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho gia đình chị. “Mình lúc nào cũng có ý chí vượt khó, luôn quyết tâm làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Đã vay tiền từ ngân hàng thì phải đem lại kết quả, trước hết là cải thiện đời sống gia đình, thứ hai là sử dụng đồng vốn vào chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả”, chị Khóa chia sẻ.

Huyện Sơn Tây là địa phương được thụ hưởng đầy đủ 3 chương trình MTQG. Tận dụng nguồn hỗ trợ từ các chương trình này, huyện tập trung hỗ trợ sản xuất cho người dân, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Năm 2023, tổng vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn huyện là trên 100 tỷ đồng. Huyện Sơn Tây đã tập trung thực hiện xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Nhờ vậy đã tạo nguồn lực lớn hỗ trợ người dân thoát nghèo. Năm 2023, toàn huyện đã giảm 8,2% hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 34%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm cho biết, huyện đã đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất và đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm nay, huyện tiếp tục tập trung nhân rộng các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương như bưởi, ổi và các loại gia súc như bò địa phương, heo ky...

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, các huyện miền núi đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại huyện Sơn Hà, tổng kinh phí sự nghiệp thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện gần 44 tỷ đồng. Huyện đã triển khai xây dựng 9 dự án theo chuỗi giá trị và 90 dự án sản xuất cộng đồng. Hiện nhiều dự án đã được triển khai, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đến người dân. Chủ tịch UBND xã Sơn Nham (Sơn Hà) Lê Công Nhân cho biết, xã đã triển khai các nhóm hỗ trợ, các tổ cộng đồng chăn nuôi bò cái lai sinh sản. Đến nay, địa phương đã triển khai 5 dự án và đạt kết quả, được nhân dân tin tưởng.

Cùng với các chương trình đầu tư của Đảng và Nhà nước, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo động lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững vùng miền núi.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết, cùng với việc triển khai 3 chương trình MTQG và các chương trình chính sách dân tộc đặc thù trên địa bàn tỉnh, đã góp phần không nhỏ để công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững. Hiện các địa phương đang tiếp tục tập trung xét duyệt các mô hình hỗ trợ cộng đồng để giúp bà con có phương thức sản xuất mới, liên kết và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1 huyện miền núi thoát nghèo, giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian đến, tỉnh sẽ tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ưu tiên và tập trung xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người nghèo tự lực thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: HIẾU - HẰNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/dien-dan/202401/giam-ngheo-tu-cac-mo-hinh-san-xuat-976147b/