Giảm nghèo đa chiều

Giảm nghèo bền vững được xác định là một trong các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Với kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bình Phước đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2.000-2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS).

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Thuộc diện hộ nghèo của xã nên bà Thị Sữa (SN 1968) ở thôn Bù Ka 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng được chính quyền địa phương, đoàn thể và các mạnh thường quân chung tay xây tặng căn nhà đại đoàn kết. Vừa có mái ấm an cư, lại được hỗ trợ đào giếng khoan, bồn nước, kéo điện sinh hoạt và tặng bò giống, niềm vui của bà Sữa nhân lên gấp bội. Bà Sữa chia sẻ: Từ trước tới nay cái nghèo cứ đeo bám, nay được tặng nhà, tặng vật dụng và bò chăn nuôi, gia đình tôi mừng lắm. Hiện tôi vẫn đi làm thuê, còn con trai đã có việc làm, cuộc sống ổn định hơn. Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều!

Bà Thị Sữa ở thôn Bù Ka 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng chăm sóc cặp bò giống được Nhà nước trao tặng để thoát nghèo

Theo ông Nguyễn Tiến Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hà, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vươn lên, Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN xã đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đầu tư phát triển hạ tầng; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo tạo nguồn thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân… Xã đang đẩy mạnh các giải pháp, quyết tâm đến cuối năm nay xóa hết số hộ nghèo, đưa xã về đích nông thôn mới.

Còn tại thôn 5, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, hơn 2 năm trước, anh Lê Văn Thành (SN 1988), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 5 được giao nhiệm vụ hỗ trợ hộ bà Chu Thị Xuân thuộc diện nghèo trên địa bàn. Nhận nhiệm vụ, anh Thành không chỉ thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tình hình, động viên gia đình mà còn vận động mạnh thường quân, tổ chức, đoàn thể chung tay giúp đỡ. “Góp gió thành bão”, năm 2021, anh Thành cùng chi bộ đã tham mưu, vận động hỗ trợ gia đình bà Xuân hiện thực giấc mơ có căn nhà kiên cố.

Bằng mọi biện pháp, đảng viên Lê Văn Thành cùng các tổ chức, đoàn thể, chính quyền đã đồng hành đưa hộ bà Xuân thoát khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo của xã. Chính cách làm sâu sát, thực tế đã giúp chi bộ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo cấp trên giao.

“Tích hợp triển khai các giải pháp để người dân được tiếp cận hết thông tin, được hỗ trợ các phương án, phương thức sản xuất và con giống… vươn lên phát triển. Với những giải pháp như thế, huyện Phú Riềng đang từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn và nỗ lực đến năm 2025 hoàn thành nghị quyết không còn hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân”.

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Riềng

Mô hình đảng viên gắn với hộ nghèo đang được áp dụng rộng rãi, hiệu quả tại xã Long Hưng. Ông Phạm Tấn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng cho biết: Chúng tôi luôn đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, chống tái nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hơn 76 triệu đồng/năm. Toàn xã chỉ còn 7 hộ nghèo thuộc diện không có khả năng lao động, nhưng xã đang tìm mọi biện pháp, trong đó có giải pháp vận động các tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu.

Toàn huyện Phú Riềng hiện còn 94 hộ nghèo, 280 hộ cận nghèo. Cùng với kế hoạch giảm nghèo hằng năm và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phú Riềng đã có những nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo. Đồng thời, những chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn như chương trình dân tộc - miền núi, địa phương cũng lồng ghép để giảm nghèo.

TĂNG NGUỒN LỰC ĐỂ GIẢM NGHÈO

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016, toàn tỉnh có 14.627 hộ nghèo, chiếm 6,15% tổng số hộ dân; đến cuối năm 2020, giảm còn 3.568 hộ nghèo, chiếm 1,34% tổng số hộ dân. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh giảm được 2.211 hộ nghèo, tương ứng 0,96%, đạt 168% bình quân kế hoạch giao hằng năm, trong đó, hộ nghèo DTTS giảm từ 6.490 hộ còn 1.297 hộ, bình quân mỗi năm giảm 1.038 hộ.

Hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, trao sinh kế sản xuất là một trong những giải pháp giảm nghèo trên địa bàn tỉnh

Để có những kết quả nêu trên, đầu tư nguồn lực cho chương trình giảm nghèo ngày càng tăng cao. Năm 2016, tổng nguồn kinh phí thực hiện 16,6 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 16,53 tỷ đồng, nguồn vận động 70 triệu đồng. Đến năm 2020, nguồn vốn thực hiện 113,42 tỷ đồng (tăng 683%), trong đó vốn ngân sách Trung ương 33,4 tỷ đồng, vốn địa phương 80 tỷ đồng. Theo chuẩn nghèo đa chiều, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 1.190 hộ nghèo, chiếm 0,43% tổng số hộ dân, đạt 125% chỉ tiêu giao, trong đó có 516 hộ nghèo DTTS, chiếm 1,13% tổng số hộ DTTS. Đầu năm 2022, do việc thay đổi chuẩn nghèo mới, đến nay toàn tỉnh có 4.870 hộ nghèo, chiếm 1,76%, trong đó hộ nghèo DTTS là 2.820 hộ, chiếm 6,14% tổng số hộ DTTS.

Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh yêu cầu: Hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người DTTS sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn; cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện phát triển 22 mô hình giảm nghèo/năm; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất 1 thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; phấn đấu 20% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đăng ký học nghề...

Ngày 2-8-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đã nêu rõ thực trạng, đưa ra các giải pháp căn cơ bảo đảm thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo cũng như chống gia tăng hộ nghèo mới. Với những giải pháp quyết liệt, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm 2.481 hộ nghèo, trong đó có 1.000 hộ nghèo DTTS, đạt 100% kế hoạch. Toàn tỉnh còn 2.879 hộ nghèo, chiếm 1,03%.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của hệ thống chính trị cũng như ý thức tự vươn lên của mỗi hộ dân, chương trình giảm nghèo bền vững ngày càng được quan tâm, ủng hộ từ nhiều nguồn lực xã hội, qua đó giúp các hộ thoát nghèo hiệu quả. Kết quả thực hiện chương trình khẳng định tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội tại tỉnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định để phát triển kinh tế.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144253/giam-ngheo-da-chieu