Giảm lãi suất, trước hết là giải tỏa nỗi lo tâm lý

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã hạ lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên xuống 6%/năm - mức được xem là thấp nhất nhì trên thị trường hiện nay. Liệu đó đã đủ để thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp? Lãi suất có thể giảm hơn nữa được không? Nếu có, thì cách nào?

Giao dịch tại Vietcombank. Đây là một trong hai ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên xuống 6%/năm - mức được xem là thấp nhất nhì trên thị trường hiện nay, bên cạnh BIDV. Ảnh: UYÊN VIỄN

Trong vòng sáu tháng trở lại đây lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đứng ở mức thấp kỷ lục, thấp đến nỗi có ngày có tổ chức tín dụng cho vay qua đêm với 0,1%/năm. Phó tổng giám đốc phụ trách ngân quỹ của một ngân hàng ở TPHCM nói: “Chúng tôi phải lấy một mức lãi suất tối thiểu, gọi là có, không lẽ cho vay mà không lãi gì, chứ tiền đang thừa nhiều lắm”.

Tiền dồi dào đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng vấn đề là không phải ngân hàng nào cũng có thể vay mượn được trên thị trường liên ngân hàng. Muốn vay phải có tài sản thế chấp có thể thẩm định nhanh, chủ yếu là trái phiếu, ngoại tệ hoặc giấy tờ có giá khác. Kinh doanh trái phiếu là cuộc chơi của các “ông lớn”, các tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ khó chen chân, trong khi chính những “ông nhỏ” này mới là người cần vốn nhiều hơn cả.

Làm thế nào để những ngân hàng nhỏ, khó khăn về vốn có thể vay được trên thị trường liên ngân hàng? Tháo gỡ nút thắt này có ý nghĩa lớn đối với việc giảm lãi suất đầu ra. Muốn thế cơ quan quản lý phải đứng ra làm trung gian, khai thông thị trường liên ngân hàng.

Có ý kiến đề cập đến một số biện pháp hành chính nhằm tạo ra một liều thuốc tổng hợp đủ nặng kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống. Cân đối liều lượng giữa biện pháp hành chính và thị trường cần sự quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thực tế, suốt thời gian qua NHNN dường như bị phân tâm trong mục tiêu giảm lãi suất. Nhiệm vụ của NHNN tập trung vào hai điểm: ổn định giá trị đồng nội tệ và kiểm soát lạm phát. Vì thế mọi nỗ lực của cơ quan quản lý sẽ hướng về đây, đảm bảo để không bị cho là không hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian qua NHNN dường như bị phân tâm trong mục tiêu giảm lãi suất. Nhiệm vụ của NHNN tập trung vào hai điểm: ổn định giá trị đồng nội tệ và kiểm soát lạm phát và nỗ lực của họ cũng hướng vào đó để không bị cho là không hoàn thành nhiệm vụ.

Lãi suất là một trong những chìa khóa để ổn định đồng Việt Nam. Trong các cuộc họp từ cấp thấp đến cấp cao, đại diện NHNN luôn nhất quán một quan điểm: lãi suất cho vay ở Việt Nam (đặc biệt ngắn hạn) đã tiệm cận với khu vực. Trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội gần đây, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng trích dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng lãi suất cho vay bình quân cuối năm 2015 ở Indonesia 12,7%/năm; Thái Lan 6,6%/năm, Singapore 5,35%/năm; Malaysia 4,6%/năm, Philippines 5,6%/năm.

Nỗi lo thứ nhất của NHNN là một khi giảm lãi suất đầu ra, phải giảm lãi suất đầu vào, mà giảm lãi suất tiết kiệm liệu có hỗ trợ cho việc ổn định giá trị đồng tiền? NHNN vẫn “canh cánh trong lòng” về khả năng người dân giữ ngoại tệ hay vàng thay cho tiền đồng dù lãi suất gửi đô la Mỹ đang là 0%/năm và vàng không còn được ưa chuộng phổ biến như trước.

Nỗi lo thứ hai là lạm phát. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định chỉ số CPI năm nay có thể ở mức 4% so với cuối năm ngoái. So với cùng kỳ, CPI cơ bản đến hết tháng 9-2016 chỉ quanh mức 1% nếu không tính các yếu tố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục. Từ nay đến cuối năm, những yếu tố có thể làm tăng lạm phát hầu như không biến động. Trong tháng 11-12, còn 15 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng việc điều chỉnh này có thể được giãn ra, không nhất thiết phải tăng cho hết và tăng bằng được trong năm. Nói thế để thấy rằng NHNN cần một sự hỗ trợ để “yên tâm” cho chính cơ quan này trước đã. Có yên tâm mới có thể dấn bước trên con đường quyết tâm thực thi hạ lãi suất.

Nỗi lo thứ ba là nợ xấu. Không phải NHNN không biết cốt lõi hiện nay là xử lý nợ xấu đã mua về ở VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam). Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ trong đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu các năm 2016-2020 NHNN trình bày rõ những khó khăn về quy định pháp luật, xử lý tài sản đảm bảo để giải tỏa nợ xấu.

Các ngân hàng muốn gì ở lãi suất để giải bài toán nợ? Chính là sự chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra ở mức 3 -3,5%/năm đủ bù đắp chi phí nhân lực, điều hành cộng chi phí nợ xấu. Mức chênh lệch trên sẽ giúp giảm thiểu hậu quả tác động của nợ xấu, còn trích lập dự phòng là câu chuyện đường dài.

Đòi hỏi các ngân hàng áp dụng mức chênh lệch lãi suất thấp hơn, khoảng 1-2%/năm là không tưởng nếu không có những giải pháp hỗ trợ đi kèm. Mà giải pháp hỗ trợ thì không thể thiếu sự ra tay can thiệp của NHNN. Về phía mình, NHNN cần một sự động viên cộng với sự đảm bảo để có thể yên lòng khi thực thi các chính sách mới về lãi suất.

Giảm lãi suất, do đó, trước hết là giải tỏa nỗi lo tâm lý cho cơ quan quản lý, sau đó mới đến các ngân hàng. Đây là việc của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan vì suy cho cùng hưởng lợi hay chịu thiệt hại từ lãi suất là cả nền kinh tế, không phải chỉ của riêng ngân hàng!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153088/giam-lai-suat-truoc-het-la-giai-toa-noi-lo-tam-ly.html/